Lai Châu: Cơ giới hóa đưa nông nghiệp Tam Đường phát triển

Bảo Anh Thứ bảy, ngày 13/08/2022 10:04 AM (GMT+7)
Cùng với việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi, nông dân trên địa bàn huyện Tam Đường, Lai Châu tích cực đưa cơ giới hóa vào sản xuất, giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất…
Bình luận 0

Clip: Nông dân huyện Tam Đường, Lai Châu đẩy mạnh đưa cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp.

Tam Đường, Lai Châu đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp

Chia sẻ với Dân Việt, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng phòng NNPTNT huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết: Tốc độ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện những năm gần đây tương đối cao, qua đó tạo sự chuyển biến lớn trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, sản lượng cây trồng, đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị nông sản.

Chỉ tính riêng năm 2021, người dân trên địa bàn huyện Tam Đường đã được cấp gần 12.000 máy móc, thiết bị trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có hơn 2.000 máy cày bừa, hơn 400 máy đập lúa, 1.300 máy bơm nước, gần 300 máy tách hạt và gần 5.000 bình phun thuốc…

Cơ giới hóa "then chốt" đưa nông nghiệp Tam Đường, Lai Châu phát triển - Ảnh 2.

Từ các chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh Lai Châu, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Tam Đường được hưởng lợi, có điều kiện đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất. Ảnh: Bảo Anh

"Với việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật và hệ thống máy móc, trang thiết bị đã giúp nông dân ngày càng chủ động, sáng tạo, thay đổi tư duy, hướng đến sản xuất nông nghiệp bền vững", ông Sơn nhấn mạnh.

Gia đình anh Đinh Văn Hiền, bản Hoa Vân, xã Bình Lư, huyện Tam Đường có hơn 1ha đất nông nghiệp để trồng lúa, ngô, cây dong riềng và 3 sào chè. Trước kia các khâu trồng và chăm sóc cây nông nghiệp của gia đình đều làm thủ công rất vất vả, mất nhiều thời gian mà năng xuất cũng không cao, gia đình ông đã mạnh dạn đầu tư hơn 200 triệu mua sắm máy móc phục vụ cho sản xuất như máy cày, cắt cỏ, máy sát thóc, máy phay đất, máy làm miến.

Cơ giới hóa "then chốt" đưa nông nghiệp Tam Đường, Lai Châu phát triển - Ảnh 3.

Bên cạnh việc hỗ trợ máy móc, các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu nói chung và huyện Tam Đường tập trung mở nhiều lớp tập huấn, trang bị cho người nông dân kiến thức trong lĩnh vực nông nghiệp nhờ đó bà con chủ động hơn trong việc mua sắp máy móc, đẩy mạnh cơ giới hoá trong sản xuất. Ảnh: Bảo Anh

Theo tính toán của ông Hiền, cây nông nghiệp của gia đình được sản xuất áp dụng cơ giới hóa đồng bộ không chỉ tăng năng suất 10 - 20% trên một đơn vị diện tích mà còn giảm được chi phí đầu vào.

Anh Hiền cho biết việc áp dụng cơ giới hóa còn giúp tiết kiệm nguồn giống, thuốc bảo vệ thực vật. Giảm sức người và thời gian canh tác từ đó ông có thêm thời gian để lao động, thu nhập bình quân của gia đình ông từ 400 triệu/năm tăng lên 500 triệu đồng/năm.

Trong ngôi nhà xây khang trang, anh Hiền hồ hởi tâm sự: Gia đình tôi là một trong những hộ đi đầu trong việc sử dụng máy móc trong sản xuất nông nghiệp, trong nhà tôi hiện giờ có hơn 10 loại máy móc, liên quan đến sản xuất nông nghiệp thì hầu như gia đình tôi không thiếu loại máy nào.

Cơ giới hóa "then chốt" đưa nông nghiệp Tam Đường, Lai Châu phát triển - Ảnh 4.

Gia đình anh Đinh Văn Hiền, bản Hoa Vân, xã Bình Lư, huyện Tam Đường là một trong số hộ dân đi đầu trong việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh Bảo Anh

Từ máy phay đất, mày cày, máy kéo… đến máy xay xát, máy tách ngô, máy làm miến, đến máy cắt cỏ hay máy thái rau, thái chuối cho gia súc tôi đều sắm đủ. Ví như việc làm đất, khi sử dụng máy móc đã giải phóng sức lao động của gia đình tôi rất nhiều, nhàn hơn mà năng suất lao động tăng gấp 5 – 6 lần so với dùng sức của gia súc.

Không giấu nổi niềm vui khi được hỏi chuyện, bà Bùi Thị Thuý ở bản bản Hoa Vân, xã Bình Lư hồ hởi nói với chúng tôi: Năm 2021, gia đình tôi được hỗ trợ chiếc máy cày, ngày được nhận máy tôi nhẹ hết cả người, bởi từ nay trên diện tích mấy sào ngô và mấy sào lúa của gia đình sẽ không phải đi thuê máy móc nữa, gia đình tôi tiết kiệm được mấy triệu đồng đấy.

"Vợ chồng tôi già rồi không làm được việc nặng, có chiếc máy cày con trai tôi cũng đỡ vất vả, mừng quá các anh ạ".

Cơ giới hóa "then chốt" đưa nông nghiệp Tam Đường, Lai Châu phát triển - Ảnh 5.

Hiện, máy móc được bà con ở huyện Tam Đường (Lai Châu) sử dụng nhiều trong các khâu làm đất và thu hoạch. Ảnh Bảo Anh

Tam Đường đẩy mạnh cơ giới hoá gắn với sản xuất nông nghiệp bền vững

Cùng với cơ giới hóa trong các khâu làm đất và thu hoạch, cơ giới hóa các khâu sản xuất và chế biến nông sản cũng đang được huyện Tam Đường (Lai Châu) tập trung đẩy mạnh. Huyện tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến nông sản, giải phóng mặt bằng, tạo vùng nguyên liệu.

Đồng thời, huyện Tam Đường khuyến khích các doanh nghiệp lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn chú trọng xây dựng, phát triển theo chuỗi chế biến, để nâng cao giá trị nông sản. Từ đó từng bước hình thành các vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo hướng sản xuất hàng hóa, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần quan trọng trong công tác tái cơ cấu ngành nông nghiệp và xây dựng NTM ở địa phương.

Cơ giới hóa "then chốt" đưa nông nghiệp Tam Đường, Lai Châu phát triển - Ảnh 6.

Đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, không chỉ giải phóng sức lao động cho bà con mà năng suất, sản lượng cũng tăng lên rõ rệt. Ảnh Bảo Anh

Nhấn mạnh về việc đưa cơ giới hoá vào sản xuất nông nghiệp, ông Phong Vĩnh Cường, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường (Lai Châu) cho biết: Đến nay, số hộ dân trên địa bàn có sử dụng máy trong sản xuất nông nghiệp đạt trên 90%.

Nông nghiệp được coi là ngành kinh tế chủ lực ở huyện Tam Đường, bởi thế các cấp chính quyền huyện chú trọng đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp, đưa cơ giới vào sản xuất theo hướng hàng hóa thị trường, nhờ đó góp phần thúc đẩy nên nông nghiệp của huyện ngày càng phát triển theo hướng tiên tiến, hiện đại và bền vững.

Cơ giới hóa "then chốt" đưa nông nghiệp Tam Đường, Lai Châu phát triển - Ảnh 7.

Cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp đưa nhiều địa phương ở huyện Tam Đường (Lai Châu) sớm cán đích nông thôn mới, đồng thời là tiền đề để bà con phấn đấu đạt nông thôn mới nâng cao. Ảnh: Bảo Anh

Ngoài diện tích lúa, ngô, hiện nay huyện Tam Đường đã hình thành các vùng trồng cây tập trung với diện tích tăng theo hàng năm như chanh leo, chuối, lê, bí… nhờ đó đời sống của người dân ngày một nâng cao.

"Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nông dân đẩy mạnh cơ giới hóa đồng bộ trong các khâu để nâng cao hiệu quả sản xuất, góp phần tăng thu nhập cho nông dân, sớm đưa huyện Tam Đường về đích NTM", ông Cường chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem