Thời tiết miền Bắc đang bước vào những ngày nồm ẩm, kèm theo đó là hiện tượng sương mù dày đặc. Không chỉ ở các tỉnh miền núi mà hôm nay (2/2/2024), sương mù dày đặc còn bao trùm toàn Hà Nội khiến tầm nhìn giảm xuống và lái xe thế nào dưới thời tiết này là vấn đề được nhiều người quan tâm.
Lái xe trong sương mù nguy hiểm thế nào?
Khi lái xe trong điều kiện thời tiết sương mù dày đặc, tài xế phải đối mặt với nhiều mối nguy hiểm. Lúc này, tầm nhìn của lái xe chỉ khoảng 3-5m nên đây là khoảng cách không đủ an toàn với xe phía trước và bất cứ tình huống bất ngờ nào xảy ra cũng khó để xử lý.
Sương mù còn làm giảm tầm nhìn của người lái ở 2 bên sườn xe, gương chiếu hậu nên việc quan sát trong thời tiết này gần như bằng 0. Điều này sẽ khiến khả năng vượt xe, quan sát khi rẽ, chuyển hướng cực kỳ nguy hiểm.
Chính vì thế, lái xe trong sương mù vô cùng nguy hiểm khi tầm nhìn của tài xế luôn ở mức thấp, thậm chí có đoạn sẽ không nhìn thấy gì. Do đó, việc trang bị kỹ năng lái xe trong điều kiện sương mù là vô cùng quan trọng để đảm bảo an toàn.
Kỹ năng lái xe trong sương mù
Khi lái xe trong điều kiện thời tiết sương mù, có nhiều yếu tố quyết định đến sự an toàn của người điều khiển. Kỹ năng lái xe, phương tiện chính là những điều ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn trong khi lái xe dưới sương mù.
Kiểm tra phương tiện trước khi lái xe sương mù
Theo chuyên gia ô tô Nguyễn Thanh Hải (Hải Kar), phương tiện cần luôn đảm hoạt động tốt các chức năng để đảm bảo an toàn. Đặc biệt, khi lái xe trong điều kiện sương mù, các yếu tố sau của mỗi chiếc xe cần được kiểm tra.
Đầu tiên, hệ thống đèn cần phải hoạt động, trong đó đèn sương mù sẽ là yếu tố quan trọng nhất giúp phá tan sương khi lái xe. Đèn cốt (cos), đèn định vị cũng cần được bật để phương tiện đối diện dễ nhận diện, khi đó đèn hậu cũng sáng giúp xe phía sau quan sát thấy xe mình.
Thứ hai, hệ thống gạt mưa phải được đảm bảo để nước không bị đọng bên ngoài kính lái, nước rửa kính phải còn để làm sạch nhanh chóng.
Thứ ba, chức năng sưởi kính cần được kích hoạt để không có hiện tượng nồm kính, đọng nước phía trong xe giúp tài xế quan sát được.
Cuối cùng, còi, phanh cần phải được kiểm tra xem còn hoạt động không bởi khi tầm nhìn hạ thấp thì những tín hiệu cần phải đảm bảo, phanh cần tốt để xử lý tình huống.
Kỹ năng lái xe trong sương mù
Chuyên gia Hải Kar cho biết, khi lái xe tài xế cần bật đèn cos, định vị và sương mù lên để đảm bảo tầm quan sát. Không bật đèn pha bởi sẽ chiếu vào xe đối diện gây mất an toàn cho cả 2 và trong phố việc bật đèn pha cũng là vi phạm luật giao thông.
Khi tầm nhìn bị hạn chế, tài xế phải giữ khoảng cách tốt nhất có thể để kịp phanh, xử lý các tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Lái xe khi không ga cần rà phanh để xe có tốc độ kiểm soát, dễ dàng xử lý khi xe phía trước bất ngờ dừng lại.
Khi lái xe sương mù cần tránh phanh gấp hay chuyển hướng đột ngột, bật tín hiệu xi-nhan khi rẽ để phương tiện khác nhận diện. Nếu trời quá dày sương, có thể bật thêm đèn cảnh báo để xe bạn không chìm vào trong làn sương mù dày đặc.
Sưởi kính lúc này cũng nên được bật làm việc liên tục để không có hiện tượng nồm, đọng nước phía trong gây mất an toàn khi lái xe. Lúc nào cũng cần tập trung quan sát, tránh làm những việc không cần thiết khi lái xe.
Đối với lái xe khi đổ đèo trong sương mù cần về số thấp, phanh bằng số thay vì đạp phanh liên tục có thể dẫn đến mất phanh gây nguy hiểm.
Quan trọng nhất, nếu sương mù quá dày không thể nhìn thấy khoảng cách 1m trước mũi xe thì nên dừng lại để đảm bảo an toàn và chờ sương tan dần, tầm quan sát đảm bảo mới nên tiếp tục di chuyển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.