Làm phim vì “mê” nông dân

Thứ ba, ngày 04/09/2012 07:22 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trung Dân là người Sài Gòn, nhưng trông anh quê kiểng, tóc để dài và cột lại phía sau bằng dây thun, hễ nói tới chuyện nông dân, nông thôn là vô cùng say sưa, mê mải...
Bình luận 0

Anh vừa hoàn thành 30 tập phim “Bìm bịp kêu chiều” nói về đời sống người nông dân phương Nam.

Thưa nghệ sĩ Trung Dân, ai cũng ngạc nhiên, tại sao anh lại quan tâm đến nông thôn nhiều đến như vậy?

- Tôi “mê” người nông dân của mình lắm, bởi họ là những người chân chất, chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng tôi không đồng ý với những tác phẩm mang người nông dân ra giễu nhại chỉ để làm nổi lên sự ngây ngô của họ.

Những người nông dân tôi biết không như vậy, họ là những người gan dạ, can đảm, mưu trí trong ứng phó với thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống và đặc biệt đa phần trong số họ là những người tử tế, sống rất yêu thương nhau.

img
Cảnh trong phim “Bìm bịp kêu chiều”.

“Bìm bịp kêu chiều” là một tác phẩm do anh đạo diễn từ chính kịch bản của anh?

- Tôi viết tập truyện ngắn “Nơi đây là phương Nam” đã lâu rồi, vẫn ấp ủ được đưa nó lên sân khấu thành một vở kịch hoặc mơ mộng hơn là chuyển nó thành phim. Nếu là một vở kịch thì có nhiều điều còn chưa nói hết, vậy là tôi nghĩ nên chuyển nó thành phim truyền hình, dài hơi hơn, để mình được nói cho hết ý.

Giờ đây, phim làm về đề tài nông thôn, nông dân đang được chú ý nhiều hơn, có phải anh cũng định “theo thời”?

- Không phải thế, mặc dù trong phim tôi, vấn đề xây dựng nông thôn mới cũng được đề cập một cách sát sạt. Phim của tôi có một ông chủ tịch xã học tập và làm theo tấm gương Bác Hồ, ông lo cho trẻ con được tới trường, lo cho ruộng lúa của người dân hết sâu bệnh, ông sống đúng với danh nghĩa của một người chịu trách nhiệm về cuộc sống của người dân chứ không phải một người lãnh đạo, chỉ ban ra các quyết định.

Ai cũng nói tôi đang xây dựng một hình tượng không có thực, nhưng tôi vẫn quyết tâm làm, bởi tôi biết hiện vẫn có những người như thế.

Nhiều người kêu ông Trung Dân diễn hài mà sao trong công việc làm phim thì khó quá, thường yêu cầu đòi hỏi rất cao?

- Điều đó cũng dễ hiểu thôi, tôi muốn phim làm ra phải có được những gì tốt nhất, những cảnh quay tốt nhất, cảm xúc tốt nhất. 80% số cảnh quay trong phim diễn ra tại Hồng Ngự (Đồng Tháp), thị xã Tân Châu, thị xã Châu Đốc và huyện Tịnh Biên (An Giang), đó là những vùng nông thôn đúng với những gì tôi hình dung trong đầu.

Tôi “mê” người nông dân của mình lắm, bởi họ là những người chân chất, chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng tôi không đồng ý với những tác phẩm mang người nông dân ra giễu nhại chỉ để làm nổi lên sự ngây ngô của họ.

Anh có thể “bật mí” chi tiết hơn về bộ phim đầu tay của mình để khán giả còn háo hức chờ đợi xem nó tới đây?

- Phim của tôi kể về tình yêu và cuộc sống của 4 bạn trẻ ở nông thôn tên là Lực, Sen, Tầm Gửi và Sậy. Họ là những thanh niên đang đứng trước ngưỡng cửa vào đời, có người lựa chọn con đường lao động chân chính để vươn lên, có người lại chỉ thích làm giàu thật nhanh, bất chấp tất cả bằng cách đi buôn lậu ở biên giới.

Nhưng tựu trung lại, họ sẽ học được cách nhìn nhận đồng tiền, rằng đó không phải là thứ để làm nên giá trị cho con người cho dù trong cuộc sống chúng ta rất cần tới nó.

Còn có điều gì anh chưa hài lòng về phim của mình?

- Có nhiều thứ tôi muốn được làm lại, chắc chắn sẽ tốt hơn. Phim tôi làm xong trước khi có sự kiện nông dân nuôi cá phải treo ao hàng loạt vì thiếu vốn, có nhà lục đục mà người vợ chỉ muốn tự vẫn vì không biết làm thế nào để dứt ra khỏi gánh nợ nần. Tôi chỉ ao ước những thực tế đó giá mà có được trong phim tôi, nhưng giờ mọi chuyện đã khép lại rồi, không thể sửa được nữa.

Xin cảm ơn anh!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem