Lâm và cô Phăng-tin

Chủ nhật, ngày 04/08/2013 00:14 AM (GMT+7)
Chuyện ngày xưa, “Những người khốn khổ” của nhà văn Victor Hugo (Pháp) viết về những cảnh đời tận đáy của xã hội Pháp đầu thế kỷ 19. Bộ tiểu thuyết vĩ đại được dịch hàng trăm thứ tiếng, được truyền đọc trên thế giới hơn 2 thế kỷ nay.
Bình luận 0
Một trong hàng trăm nhân vật của cuốn sách là Phăng-tin, cô thợ dệt nghèo, đã từng không chồng mà có con, phải gửi người khác nuôi để đi làm. Gặp phải cặp vợ chồng lưu manh chỉ chăm chăm nã tiền người mẹ khốn khổ, Phăng-tin sức cùng lực kiệt đã phải cắt mái tóc và bẻ mấy cái răng bạc làm nên một nửa nhan sắc của mình lấy tiền gửi cho con gái.

Chuyện ngày nay ở xứ Nghệ giàu truyền thống cách mạng có em Lê Thị Lâm (học sinh giỏi lớp 8A, Trường THCS Thanh Thịnh). Lâm mồ côi bố từ nhỏ, mẹ bị tâm thần phân liệt nặng, nhà có 3 miệng ăn đều dựa vào đôi tay của em. Một ngày “sức cùng lực tận”, Lâm đã tự nguyện cắt mái tóc của mình, bán lấy 150 ngàn đồng mua thuốc cho mẹ. Em làm chuyện đó trong đau đớn tột cùng nhưng vẫn thầm cảm ơn số phận vì may còn một mái tóc để bán.

img
Em Lâm cùng mẹ và em út trước túp lều rách nát của mình

Cô Phăng-tin trong tiểu thuyết đã gục ngã trước số phận, bị lao và chết thảm thương. Em Lâm may mắn hơn nhờ có Internet và báo chí, được cộng đồng biết tới và có tờ báo đang kêu gọi lòng hảo tâm của mọi người giúp đỡ em. Nhưng cảnh nghèo và sự bất lực đến thảm thương như em Lâm còn rất nhiều, ở khắp nơi trên nước ta, một đất nước còn được xếp thứ hạng top 20 nước nghèo nhất thế giới tuy vẫn có cả một lớp người phải ăn kiêng giảm béo và đi hút mỡ.

Những cuộc lạc quyên làm ấm lòng người nhưng chắc chắn không cứu được ai lâu dài. Nếu chúng ta có một chế độ “an sinh xã hội” có hiệu quả thì có lẽ sẽ tốt hơn.

Xin trích lại lời tựa ngắn gọn của văn hào Victor Hugo cho cuốn “Những người khốn khổ” được coi như một tuyên ngôn bất hủ về thân phận con người và trách nhiệm của xã hội: “"Khi pháp luật và phong hoá còn đầy đoạ con người, còn dựng nên những địa ngục ở giữa xã hội văn minh và đem một thứ định mệnh nhân tạo chồng thêm lên thiên mệnh; khi ba vấn đề lớn của thời đại là sự tha hoá của đàn ông vì bán sức lao động, sự sa đoạ của đàn bà vì miếng cơm manh áo, sự cằn cỗi của trẻ nhỏ vì tối tăm thất học còn chưa được giải quyết; khi ở một số nơi đời sống còn ngạt thở; nói khác đi và trên quan điểm rộng hơn, khi trên mặt đất, dốt nát và đau khổ còn tồn tại thì những quyển sách như loại này còn có thể có ích".

Nguyễn Quang Thân (Nguyễn Quang Thân)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem