Thời điểm này làng cá kiểng Tân Nhựt (Bình Chánh, TP.HCM) đã bước vào vụ tết. Tại đây có khoảng 70 hộ nông dân chuyên nuôi cá phục vụ cho thị trường tết.
Đến hẹn lại lên…
Thu hoạch hoa lan cắt cành tại nhà vườn ở TP.HCM. Ảnh: T.Đ
Hiện nay, tại TP.HCM đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp đô thị có hiệu quả kinh tế cao, như: Rau đạt doanh thu bình quân khoảng 1 tỷ đồng/ha/năm), hoa lan là 2 tỷ đồng/ha/năm, bò sữa đạt 0,8 tỷ đồng/năm(20 con/mô hình), cá cảnh đạt 10 - 15 tỷ đồng/ha/năm... |
Theo anh Nguyễn Văn Thiệt - nông dân có 4ha mặt nước nuôi cá kiểng tại xã Tân Nhựt, gần 1 tháng nay anh đã bán hơn 300kg cá koi cho một số thương lái đưa về miền Tây Nam Bộ phục vụ thị trường tết. Anh dự tính, với 4ha mặt nước nuôi cá kiểng, tết năm nay anh sẽ tung ra thị trường gần 4 tấn cá kiểng.
“Nhìn chung giá cá kiểng vụ tết năm nay chỉ nhỉnh hơn năm ngoái đôi chút” - anh Thiệt thông tin.
Nếu anh Thiệt nuôi cá kiểng bán thị trường nội địa thì anh Trương Trung Cường - Giám đốc Công ty Vina Fish Farm chỉ chuyên nuôi cá kiểng xuất khẩu. Hàng tháng anh đều có những đơn hàng xuất cá, nhưng vào dịp tết, thị trường châu Á lại hút hàng hơn. Theo anh Cường, hiện thành phố có khoảng 9 công ty chuyên xuất khẩu cá kiểng cho các nước châu Á vào dịp Tết Nguyên đán với số lượng hơn 200.000 con.
“Riêng cá chép và cá ba đuôi, Trung Quốc và Thái Lan nuôi không có chất lượng bằng Việt Nam nên họ nhập rất nhiều” - anh Cường cho biết.
Trong khi đó, nhiều nông dân nuôi tôm tại thành phố cũng đã thả tôm nuôi vụ nghịch để đón tết. Theo ông Trần Văn Mùa - Chủ tịch HTX Nuôi tôm công nghệ cao Hiệp Thành (Nhà Bè), hiện thời tiết diễn biến nóng, lạnh khá phức tạp. Nếu không nắm chắc kỹ thuật, xử lý tình huống bệnh dịch tốt, nông dân nuôi tôm nhiều khả năng phá sản mùa tết này.
“Giá tôm đang khá tốt, nhưng thời tiết quá phức tạp” - ông Mùa bộc bạch. Hiện HTX Hiệp Thành đã thả nuôi hơn 20ha tôm.
Dịp tết năm nay dự báo mặt hàng hoa lan sẽ được mùa, được giá. Ông Mai Quốc Thái - Chủ nhiệm CLB Hoa lan thành phố nhận định, giá hoa lan tết năm nay cao hơn năm ngoái khoảng 10%. Năm nay, nhiều nhà vườn hoa lan tại thành phố chuyển mạnh sang làm hoa lan vô chậu, giỏ chứ không chủ yếu cắt cành như mọi năm. Hiện, toàn thành phố có gần 400ha trồng hoa lan, trong đó chủ yếu là lan Mokara cắt cành và Dendrobium, tập trung ở huyện Củ Chi (249ha), huyện Bình Chánh(70ha). Mỗi năm, thành phố cung ứng ra thị trường trong nước hơn 134 triệu cành lan.
Đẩy mạnh sản phẩm chủ lực
Theo Sở NNPTNT TP.HCM, hiện 56 xã/5 huyện làm NTM của thành phố đều xác định sản phẩm nông nghiệp chủ lực của xã, huyện để tập trung phát triển, gồm: Rau, hoa lan, cây kiểng, cá kiểng, bò sữa, lợn thịt, thủy sản (lươn, cá thịt, tôm)… Nông sản chủ lực của 56 xã đều được sản xuất và tiêu thụ thông qua hợp đồng giữa doanh nghiệp với hộ dân, hoặc cam kết sản xuất tiêu thụ nông sản giữa hộ dân với HTX, tổ hợp tác.
Ban chỉ đạo của Thành ủy về Chương trình NTM cho biết, sẽ ưu tiên tập trung phát triển 6 sản phẩm nông nghiệp chủ lực của thành phố. Đây là các sản phẩm chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu giá trị sản xuất ngành nông nghiệp của thành phố và có khả năng cạnh tranh phát triển; phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng NTM; có khả năng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, tạo sản phẩm đạt năng suất, chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm; sản phẩm có tiềm năng mở rộng thị trường sản xuất giống cung cấp cho thành phố và các tỉnh...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.