Làng "kỳ hoa dị thảo" ở Nam Định (bài 2): Chiêm ngưỡng báu vật làng cổ

Mai Chiến Thứ bảy, ngày 22/07/2023 05:10 AM (GMT+7)
Làng trồng cây cảnh Vị Khê có tuổi đời hơn 800 năm. Người có công khai sinh ra nghề trồng hoa, trồng cây cảnh ở địa phương là Thái úy Tô Trung Tự, một quan lớn nhà Lý. Đình làng Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đang lưu giữ báu vật của làng, đó là đôi sanh cổ và cây muỗm...
Bình luận 0

CLIP: Đình làng Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) đang lưu giữ báu vật của làng, đó là đôi sanh cổ và cây muỗm. Video: Lãng Hồng.

Ông tổ nghề làng nghề là quan võ Thái úy Tô Trung Tự

Đình làng Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) được xây dựng trên một khu đất rộng gần 2.000 m2, mặt quay về hướng Đông Nam. Theo lịch sử để lại, trước kia đình xây dựng ở phía bên tả sông Hồng. Năm Duy Tân thứ 4 (1910), vì sông lở nên ngôi đình được chuyển về vị trí ngày nay.

Trải qua 2 cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, khu vực đình Vị Khê bị phá hủy hoàn toàn và trở thành trụ sở làm việc của UBND xã Điền Xá. Năm 2000, được sự quan tâm của chính quyền các cấp, đình làng Vị Khê được trả lại đúng với ý nghĩa, giá trị vốn có.

Ghé thăm Vị Khê - làng "kỳ hoa dị thảo" (bài 2): Chiêm ngưỡng báu vật làng Vị Khê - Ảnh 2.

Đình làng Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ảnh: Lãng Hồng.

Cụ Nguyễn Tuấn Hữu, thủ nhang đình làng Vị Khê cho hay, đình Vị Khê có tòa Trung đường và Cung cấm. Trung đường và hậu cung xây hình chữ đinh.

Trung đường gồm 3 gian cánh cửa gỗ, mái lợp ngói nam. Bờ nóc đắp họa tiết lưỡng long chầu nguyệt. Hệ thống vì kèo được làm bằng gỗ lim, theo kết cấu quá giang kèo cầu…

Giữa Trung đường có đặt 1 nhang án và bát hương công đồng. Hai bên có cửa xây cuốn hình bán nguyệt thông xuống hậu cung.

Ghé thăm Vị Khê - làng "kỳ hoa dị thảo" (bài 2): Chiêm ngưỡng báu vật làng Vị Khê - Ảnh 3.

Đình làng Vị Khê có tòa Trung đường và Cung cấm. Trung đường và hậu cung xây hình chữ đinh. Ảnh: Lãng Hồng.

Hậu cung được xây cao 5 m. Trần xây cuốn vòm, bờ bảng uốn lượn giật cấp có đắp đấu trụ hình vuông. Giữa Hậu cung có đặt nhang án và bài vị Đương cảnh thành hoàng Hổ Mang Đại Vương, bên tả là bài vị có ghi chữ "Lý triều công thần Tô Tướng công", bên hữu có bài vị ghi chữ: "Khai canh lập ấp Nguyễn Gia Trang tiên tổ lộc thần vị".

Ghé thăm Vị Khê - làng "kỳ hoa dị thảo" (bài 2): Chiêm ngưỡng báu vật làng Vị Khê - Ảnh 4.

Trung đường có ban thờ công đồng để người dân Vị Khê đến thắp hương ngày rằm, mùng 1. Ảnh: Lãng Hồng.

Theo cụ Nguyễn Tuấn Hữu, hiện nay đình làng Vị Khê đang thờ Đương cảnh thành hoàng Hổ Mang Đại Vương. Ông là người có công phò giúp Ngô Quyền đánh bại quân xâm lược Nam Hán vào Thế kỷ X. Sau đó, ông đã chiêu tập dân khai hoang mở đất Nguyễn Gia Trang xưa, nay là thôn Vị Khê.

Ngoài ra, đình làng Vị Khê còn thờ Thái úy Tô Trung Tự. Ông là người đến Nguyễn Gia Trang dậy dân làng Vị Khê phương thức ươm hoa, trồng cây. Nhân dân Vị Khê nhớ ơn, tôn ông là ông tổ của làng nghề.

Ghé thăm Vị Khê - làng "kỳ hoa dị thảo" (bài 2): Chiêm ngưỡng báu vật làng Vị Khê - Ảnh 5.

Giữa Hậu cung có đặt nhang án và bài vị Đương cảnh thành hoàng Hổ Mang Đại Vương, bên tả là bài vị có ghi chữ "Lý triều công thần Tô Tướng công", bên hữu có bài vị ghi chữ: "Khai canh lập ấp Nguyễn Gia Trang tiên tổ lộc thần vị". Ảnh: Lãng Hồng.

Theo lịch sử để lại, năm Tân Mùi (1211), Thái úy Tô Trung Tự đến Nguyễn Gia Trang. Thấy nơi đây là vùng đất đẹp, ruộng đất phù sa màu mỡ, dân cư thuần phác nên đã cho lập hành cung để đi lại.

Tại đây, Thái úy Tô Trung Tự đem quân tu sửa tòa thành gần chợ Bình Giã thành một nơi phòng thủ kiên cố. Ông còn cho đào con sông nhỏ vào phía nam chợ để thuyền buôn đi lại dễ dàng.

Ghé thăm Vị Khê - làng "kỳ hoa dị thảo" (bài 2): Chiêm ngưỡng báu vật làng Vị Khê - Ảnh 6.

Bên trong tủ kính mà mũ quan của Đương cảnh thành hoàng Hổ Mang Đại Vương. Ảnh: Lãng Hồng.

Ngoài việc khuyến khích người dân sản xuất mở rộng nghề nông tang, Thái úy Tô Trung Tự còn dậy người dân địa phương trồng hoa, cây cảnh để làm kế sinh nghiệp.

Nhờ đó, mà người dân Vị Khê mới biết đến nghề trồng hoa cây cảnh và phát triển cho tới ngày nay. Nhờ trồng hoa, cây cảnh mà nhiều hộ dân ở đây có của ăn, của để…

Báu vật làng Vị Khê

Ghé thăm Vị Khê - làng "kỳ hoa dị thảo" (bài 2): Chiêm ngưỡng báu vật làng Vị Khê - Ảnh 7.

Đôi sanh cổ được trưng bày trong sân đình làng Vị Khê (xã Điền Xá, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định). Ảnh: Lãng Hồng.

Hiện nay, trong đình làng Vị Khê còn đang lưu giữ 2 cây sanh cổ dáng trực, có tuổi đời hơn 100 năm, được coi là "báu vật" của làng. Hai cây sanh cổ án ngữ trong sân đình; hàng ngày, người dân nơi đây thay phiên nhau chăm sóc cây.

Theo quan sát của chúng tôi, hai cây sanh cổ được tạo hình theo dáng trực, có chiều cao khoảng 2 m, tính từ gốc lên ngọn; chiều ngang rộng khoảng 1,5m. Cây có nhiều tán, lớp da cây xù xì, có nhiều u cục, điều đó chứng minh cây đã có từ rất lâu rồi.

Ghé thăm Vị Khê - làng "kỳ hoa dị thảo" (bài 2): Chiêm ngưỡng báu vật làng Vị Khê - Ảnh 8.

Hai cây sanh cổ có tuổi đời hơn 100 năm, là báu vật của làng Vị Khê. Ảnh: Lãng Hồng.

Người dân thôn Vị Khê cho hay, trước đây, ở làng Vị Khê có cụ Nguyễn Văn Lã nổi tiếng chơi cây cảnh. Ở làng, không ai có tay nghề cao như cụ. Năm 1924, trong cung đình Huế, Chúa Nguyễn mở cuộc thi "cầm, kỳ, thi, họa", cụ Lã không quản ngại xa xôi, gánh đôi cây sanh (2 cây sanh cổ hiện đặt trong sân đình - PV) vào ứng thi.

Đôi sanh này nổi tiếng khắp vùng khi đó. Lúc đấy, đôi sanh còn nhỏ, chưa to cao như hiện tại.

Ghé thăm Vị Khê - làng "kỳ hoa dị thảo" (bài 2): Chiêm ngưỡng báu vật làng Vị Khê - Ảnh 9.

Cận cảnh gốc đôi sanh cổ. Ảnh: Lãng Hồng.

Sau nhiều ngày dự thi, đôi sanh của cụ Lã được Chúa Nguyễn để ý và chấm điểm cao nhất. Cụ Lã được Chúa Nguyễn ban thưởng. Sau cuộc thi, cụ Lã gánh đôi sanh về quê để tiếp tục chăm sóc.

Thời gian trôi đi, đến cuối những năm 1970, khi nghề cây cảnh nghệ thuật phát triển, cụ Lã đưa đôi sanh của mình ra trưng bày tại vườn hoa trong làng. Từ đó, đôi sanh cổ trở thành tài sản chung được cả làng giữ gìn và chăm sóc.

Vì nhiều lý do, đôi sanh cổ được di chuyển trưng bày tại trụ sở UBND xã. Đến năm 2017, đôi sanh cổ được đưa về đặt tại khu vực sân đình làng Vị Khê theo nguyện vọng của người dân.

Ghé thăm Vị Khê - làng "kỳ hoa dị thảo" (bài 2): Chiêm ngưỡng báu vật làng Vị Khê - Ảnh 10.

Bên trong khuôn viên đình làng Vị Khê còn có cây muỗm, cũng được người dân coi là báu vật của làng. Ảnh: Lãng Hồng.

Trong khuôn viên đình làng Vị Khê, còn có 1 cây muỗn cao khoảng 30m, tán rộng, cành lá xum xuê, gốc cây to ước chừng 3 người lớn ôm mới hết. Cây muỗm cũng được người dân nơi đây coi là "báu vật" của làng.

Hỏi về tuổi cây muỗm, cụ Nguyễn Tuấn Hữu, thủ nhang đình làng Vị Khê chia sẻ, không ai biết chính xác tuổi cây muỗm, chỉ biết rằng, hồi còn nhỏ, các cụ trong làng đã nhìn thấy cây muỗm cao to như thế này rồi.

Ghé thăm Vị Khê - làng "kỳ hoa dị thảo" (bài 2): Chiêm ngưỡng báu vật làng Vị Khê - Ảnh 11.

Bằng công nhận Cây di tích lịch sử văn hóa. Ảnh: Lãng Hồng.

Năm 2016, Hội Sinh vật cảnh Việt Nam trao bằng công nhận cây muỗm là Cây di tích lịch sử văn hóa Việt Nam.

Hiện nay, nghề trồng hoa cây cảnh Vị Khê đã lan tỏa và phát triển mạnh tại các làng: Lã Điền, Đỗ Xá, Thượng, Trung, Hạ… của xã Điền Xá (huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định), góp phần phát triển kinh tế xã hội, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem