Lo kịch bản thiếu hụt lặp lại, Bộ Công Thương họp nóng với các "ông lớn" xăng dầu

An Linh Thứ năm, ngày 04/01/2024 07:19 AM (GMT+7)
Năm 2024 với tổng nguồn xăng dầu hơn 28,42 triệu m3/tấn, tăng hơn 2 triệu m3/tấn so với năm 2023, lo ngại kịch bản thiếu hụt xăng dầu như năm trước lặp lại nên Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu phải có kịch bản điều hành theo tháng, quý thay vì năm như trước.
Bình luận 0

Bộ trưởng Bộ Công Thương vừa có buổi làm việc với đại điện các bộ, ngành, cơ quan hiệp hội và các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu trong cả nước nhằm triển khai thực hiện Công điện 1437/CĐ-TTg ngày 30/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung thực hiện các giải pháp bảo đảm cung ứng đủ xăng dầu cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng của người dân, doanh nghiệp.


Theo đánh giá của Bộ Công Thương, năm 2023 tổng nguồn xăng dầu các loại nhập khẩu, mua từ nguồn sản xuất trong nước và pha chế thực hiện ước khoảng 26,02 triệu m3/tấn, trong đó, sản lượng nhập khẩu xăng dầu các loại ước cả năm 2023 khoảng 10,2 triệu tấn.


Căn cứ kết quả nhập khẩu, kinh doanh xăng dầu năm 2023; căn cứ vào đăng ký tổng nguồn của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu năm 2024, khả năng nhập khẩu, pha chế, mua từ nguồn sản xuất trong nước của doanh nghiệp, Bộ Công Thương đã cân đối nguồn cung, cơ cấu xăng dầu phục vụ sản xuất, tiêu dùng năm 2024. Theo đó, tổng nguồn xăng dầu tối thiểu năm 2024 tổng cộng gần 28,42 triệu m3/tấn xăng dầu các loại.

Lo kịch bản thiếu hụt lặp lại, Bộ Công Thương họp nóng với các "ông lớn" xăng dầu- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên (Ảnh: BCT).


Với kịch bản này, tổng nguồn xăng dầu năm 2024 sẽ tăng khoảng 2,4 triệu tấn so với cùng kỳ năm trước và cần có giải pháp tổng thể để khắc phục những hạn chế, phát sinh về nguồn cung xăng dầu như vài năm trở lại đây.


Ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, nhu cầu trong nước dự báo sẽ còn tăng, thậm chí là tăng đột biến nên kịch bản điều hành không phải là hàng năm mà phải từng tháng và hàng quý.


Người đứng đầu ngành Công Thương nhấn mạnh, năm 2023 dù đã có nhiều biện pháp khắc phục song điều hành và thị trường xăng dầu còn hạn chế như một số doanh nghiệp đầu mối chưa chấp hành nghiêm kế hoạch phân giao tổng nguồn tối thiểu; chưa chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ của một doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu như: kho, bãi, dự trữ thương mại tối thiểu, chấp hành nghĩa vụ thuế hay là quản lý và sử dụng quỹ bình ổn…; công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong kinh doanh xăng dầu có lúc có nơi thực hiện chưa tốt.


Trong bối cảnh kinh tế thế giới dự báo còn nhiều khó khăn, chiến tranh thương mại, địa chính trị, khủng hoảng kinh tế, tài chính vẫn diễn ra ở nhiều khu vực trên phạm vi toàn cầu; nguồn cung và giá cả vật tư chiến lược rất khó đoán định, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng, cần có một phương án tình thế, phương án dự phòng để trong mọi tình huống chúng ta thực hiện được mục tiêu của mình.


Bên cạnh đó, nhu cầu trong nước dự báo sẽ còn tăng, thậm chí là tăng đột biến. Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên phân tích và cho rằng, "kịch bản điều hành của chúng ta không phải là hàng năm mà phải từng tháng và hàng quý. Kế hoạch này cũng điều chỉnh một cách linh hoạt, lấy kết quả của tháng này làm cơ sở để xem xét kế hoạch điều hành cho những tháng tiếp theo", ông Diên nói.


Bộ trưởng Công Thương nhấn mạnh, trong mọi tình huống, không được để thiếu nguồn cung xăng dầu, không được để đứt gãy, kể cả là cục bộ.


Đối với các doanh nghiệp đầu mối, thương nhân phân phối, cửa hàng bán lẻ kinh doanh xăng dầu, Bộ trưởng Công Thương yêu cầu phải thực hiện nghiêm những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, liên bộ, từng Bộ, địa phương, trong đó có quy định về việc áp dụng phần mềm quản lý để bảo đảm khách quan minh bạch, xuất hóa đơn điện tử trong kinh doanh xăng dầu theo Nghị định của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Tài chính.


Lo kịch bản thiếu hụt lặp lại, Bộ Công Thương họp nóng với các "ông lớn" xăng dầu- Ảnh 2.

Ngay từ đầu năm, Bộ Công Thương đã họp với các đầu mối xăng dầu để bàn về kịch bản cung ứng do lo ngại tình trạng thiếu hụt quay trở lại (Ảnh: BCT).


Bên cạnh đó, thực hiện nghiêm tổng nguồn xăng dầu tối thiểu được phân giao, có kế hoạch triển khai theo tháng, quý. Từ hoạt động thực tiễn, các doanh nghiệp chủ động phản ánh đề xuất cơ chế chính sách hoặc các giải pháp tình thế, đặc thù để có thể đối phó một cách hiệu quả với diễn biến bất thường của thị trường xăng dầu thế giới và phải có trách nhiệm với những kiến nghị đề xuất đó.


"Đề nghị các Bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình và xử lý trong lĩnh vực, địa bàn được phân công quản lý theo đúng chức trách, nhiệm vụ quy định tại Nghị định 83, 95, 80 về kinh doanh xăng dầu và theo đúng quy định của pháp luật; kịp thời đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, kể cả là những cơ chế đặc thù để bảo đảm trong mọi tình huống, không bị đứt gãy nguồn cung xăng dầu và không để các doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó xử, tình trạng khó hoạt động, thậm chí là vi phạm pháp luật", ông Diên nhấn mạnh.

Tham khảo thêm

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem