Lo ngại “diễn cảnh” khi ghi âm, ghi hình hỏi cung bị can

Lương Kết Thứ bảy, ngày 07/11/2015 08:05 AM (GMT+7)
“Trên thực tế có thể xảy ra khi hỏi cung bị can, bị cáo thì hỏi ở ngoài phòng có ghi âm, ghi hình, sau khi hỏi xong, mọi chuyện xong xuôi rồi lại đưa vào trong phòng có lắp ghi âm, ghi hình để thực hiện lại từ ban đầu. Vậy phải có biện pháp gì loại trừ vấn đề này không?” - Đại biểu Quốc hội Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) đặt vấn đề.
Bình luận 0

Băn khoăn “quyền im lặng”

Ngày 6.11, Quốc hội dành cả ngày để cho ý kiến về dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Là người công tác ở Công an tỉnh Quảng Nam, đại biểu (ĐB) Phạm Trường Dân khi phát biểu đã cho rằng về quyền của người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội được quy định trong dự thảo bộ luật chính là quyền im lặng.

"Quy định như vậy trong thực tiễn sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, ảnh hưởng đến công tác phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, nhất là đấu tranh đối với các vụ án, đặc biệt nghiêm trọng như âm mưu lật đổ chính quyền, khủng bố, bạo loạn. Nếu kẻ cầm đầu bị bắt mà im lặng thì làm sao tháo kịp ngòi nổ, truy bắt đồng phạm, thu hồi vũ khí, ngăn chặn hậu quả. Nếu là tội phạm tham nhũng mà im lặng thì làm sao kịp thời thu thập chứng cứ, truy thu tài sản cho nhà nước. Nếu là tội phạm giết người, cướp tài sản mà im lặng thì làm sao truy tìm tang vật vụ án đồng phạm để giải quyết kịp thời vụ án?" - ĐB Dân băn khoăn.

img

Đại biểu Phạm Trường Dân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Quảng Nam.  Ảnh:  H.L

Cũng đề cập đến vấn đề này, ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) bổ sung thêm, ở vụ án, rất nhiều chứng cứ, bằng chứng, hành vi phạm tội chỉ bị can mới rõ, và nếu bị can không khai nhận tội thì không thể tìm, truy dấu chứng cứ khác, nhất là các vụ án xảy ra đã lâu thì càng khó để truy tìm, thu thập chứng cứ.

“Thực tế hàng nghìn vụ án ma túy đã điều tra thời gian qua, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ điều tra, trinh sát, thì việc các bị can thành khẩn khai nhận có hiệu quả rất lớn để giúp tìm, khám phá tận gốc vụ án" - ĐB Tuyến cho hay.

Theo ông Tuyến, cần phải cân nhắc để xem xét việc đưa chế định “quyền im lặng” trong dự thảo Bộ luật.

Ngược lại với hai ý kiến trên, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho biết, quy định trên nằm trong Công ước của Liên Hợp Quốc, Việt Nam đã phê chuẩn năm 1982,  nên không có gì đáng lo.

"Quy định không buộc người bị bắt nhận tội, nhưng họ tự nguyện nhận tội có gì đâu" - ĐB Thuyền nói.

Cần cơ chế giám sát việc ghi âm, ghi hình

Về quy định ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can trong dự thảo bộ luật được nhiều ĐB phát biểu bày tỏ sự đồng tình. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn về tính thực tế với quy định này.

ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (TP.HCM) cho rằng, quy định như dự thảo chưa rõ mỗi lần hỏi cung là một lần phải ghi âm, ghi hình hay chỉ ghi âm, ghi hình một lần khi cần thiết. Nếu mỗi lần hỏi cung mà là mỗi lần ghi băng, ghi hình thì liệu có khả thi hay không. Vì thực tế hiện nay cho thấy một vụ án đối với một bị can phạm tội quả tang hoặc đơn giản, rõ ràng nhưng việc điều tra, hỏi cung ít nhất cũng phải tiến hành đến 5 lần, 5 bản cung, mỗi lần ghi âm cũng kéo dài nhiều giờ, việc bảo quản dữ liệu sẽ thế nào?

ĐB Ánh cũng nêu cần phải cơ chế giám sát việc ghi âm, ghi hình. “Trên thực tế có thể xảy ra việc khi điều tra viên hỏi cung bị can, bị cáo thì hỏi ở ngoài phòng, sau khi hỏi xong, mọi chuyện xong xuôi rồi lại đưa vào trong phòng có ghi âm, ghi hình để thực hiện lại từ ban đầu. Như vậy có biện pháp gì loại trừ vấn đề này không? Bởi không phải bất kỳ chỗ nào cũng có băng ghi âm, ghi hình, một trại giam có đến 5 - 7 phòng lấy cung thì không phải phòng nào cũng có” - ĐB Ánh nói.

Nhìn nhận dưới góc độ tài chính, ĐB Trần Đình Sơn (Đăk Lăk) cho rằng, trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam, muốn thực hiện việc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can cần thực hiện có lộ trình. Theo ĐB Sơn, chỉ nên ghi âm, ghi hình khi hỏi cung bị can trong những vụ án có tổ chức, vụ án phức tạp, vụ án về an ninh quốc gia rất nghiêm trọng, án không quả tang, án truy xét.

Vấn đề ĐB Sơn nêu cũng được sự đồng tình của ĐB Bùi Văn Xuyền (Thái Bình) và ĐB Lù Thị Lừu (Lào Cai). 

 ĐB Đỗ Kim Tuyến (Hà Nội) cho rằng: Bình quân mỗi năm cơ quan điều tra khởi tố điều tra khoảng trên 100.000 vụ án với gần 200.000 bị can, chưa tính tới số người bị bắt nhưng chưa bị khởi tố. Số người cần bị hỏi cung là rất lớn, đòi hỏi có khoảng ít nhất trên 5.000 phòng hỏi cung. Đây thực sự là vấn đề không nhỏ đòi hỏi lượng kinh phí, cơ sở vật chất rất lớn...  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem