Lo ngại kênh đào Phù Nam - Techo làm giảm 50% lượng nước đổ về sông Hậu, sông Tiền và gây lũ thấp cho ĐBSCL
Lo ngại kênh đào Phù Nam - Techo làm giảm 50% lượng nước đổ về sông Hậu, sông Tiền và gây lũ thấp cho ĐBSCL
Huỳnh Xây
Thứ ba, ngày 23/04/2024 17:38 PM (GMT+7)
Hôm nay 23/4, tại TP. Cần Thơ, Ủy ban sông Mê Công Việt Nam (VNMC) phối hợp với Ban thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế (MRC) tổ chức cuộc họp tham vấn về dự án kênh đào Phù Nam-Techo của Campuchia.
Kênh đào Phù Nam- Techo có thể làm tăng khả năng xâm nhập mặn sâu hơn
Theo thông tin từ cuộc họp tham vấn, dự án kênh đào Phù Nam-Techo nối sông Bassac ra cảng Kep của Campuchia, với tổng chiều dài khoảng 180km.
Theo đó, kênh đào này được thiết kế với kích thước đủ lớn, cụ thể, bề rộng đáy kênh 50m, bề rộng mặt kênh từ 80-120m và chiều sâu mực nước trong kênh 4,7m để các tàu tải trọng đến 1.000 tấn có thể đi qua.
Dự án sẽ xây dựng 3 cống (âu thuyền) để điều tiết dòng chảy, duy trì sự ổn định của mực nước trong kênh giao thông thủy và chống xâm nhập mặn. Các cống này có chiều dài 135m, chiều rộng 18m, độ sâu 5,8m. Bên cạnh các hạng mục công trình trên, dự án cũng tiến hành xây dựng 11 chiếc cầu giao thông (dài 161m, rộng 12m) bắc qua tuyến kênh để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Dự kiến dự án sẽ được phía Campuchia khởi công trong năm 2024 và hoàn thành vào năm 2027 với tổng lượng hàng hóa lưu thông qua tuyến đường thủy mới này là 7 triệu tấn/năm.
Trong cuộc họp, ý kiến của ông Lê Anh Tuấn - Giảng viên, Cố vấn Khoa học cho Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí hậu (Trường Đại học Cần Thơ) được nhiều người quan tâm bởi những lo lắng cho lượng nước về sông Hậu, sông Tiền.
Theo ông Tuấn, số liệu cung cấp về dự án rất hạn chế và còn mơ hồ, không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Tuy nhiên, theo một số thông tin có được và nghiên cứu độc lập của ông, con kênh đào Phù Nam- Techo sau khi hoàn thành đã lấy nước trực tiếp từ dòng chính sông Hậu và sông Tiền, chứ không phải một phụ lưu (một dòng sông đổ nước vào dòng sông chính) nào của hệ thống sông Mê Công.
Trong mùa khô, sau khi có kênh đào Phù Nam- Techo, nước trên sông Tiền và sông Hậu - hai phân lưu (những nhánh sông từ sông chính tỏa ra) của sông Mê Công về đến ĐBSCL sẽ giảm hơn 50%. Những năm khô hạn như 2016 hay 2024, sự thiếu hụt sẽ tăng hơn trầm trọng.
"Đây là điều đáng suy nghĩ cho tương lai dòng chảy trên sông Hậu mùa khô, chứ không thể xem là không đáng kể. Chắc chắn là với mực suy giảm theo ước tính như thế này thì khả năng xâm nhập mặn sâu hơn, có thể ảnh hưởng trên một nửa diện tích canh tác vùng châu thổ trong tương lai vào mùa khô" - ông Tuấn nhận định.
Kênh đào Phù Nam-Techo có thể gây lũ thấp ở ĐBSCL
Theo ông Tuấn, kênh đào Phù Nam-Techo sẽ chảy qua một vùng đất có khoảng 1,6 triệu dân sinh sống, tạo ra một cơ sở phát triển kinh tế cho Campuchia, sắp tới dân số sẽ gia tăng nhờ đô thị hóa hai bên kênh và nhiều cơ sở thương mại, dịch vụ hậu cần sẽ tăng theo. Từ đó, nhu cầu dùng nước chắc chắn sẽ tăng cao hơn so với hiện nay.
Ngoài ra, việc lấy nước và chuyển nước vào kênh đào Phù Nam-Techo từ sông Hậu và sông Tiền sẽ giảm lượng nước về Biển Hồ. Sông Bassac và sông Mê Công hiện nay là hai phân lưu chia nước với Biển Hồ, Biển Hồ sẽ phải nhường nước thêm cho phân lưu thứ ba khi kênh đào Phù Nam-Techo hoạt động.
Thêm vào đó, kênh đào Phù Nam-Techo khi hoàn thành đường đắp hai bên sẽ thành đường giao thông và đô thị hóa. Và nó sẽ trở thành con đê cắt ngang qua các cánh đồng ngập lũ.
Lũ trên sông Mê Công là lũ tràn đồng, như vậy đặc điểm phân bố nước sẽ thay đổi nghiêm trọng, phía Bắc của kênh diện tích ngập sẽ gia tăng lên phần trên, trong khi phần đất phía Nam và vùng trũng Tứ Giác Long Xuyên (ĐBSCL) sẽ giảm lũ.
Lũ thấp không những ảnh hưởng chức năng của các đập điều tiết như đập Tha La (An Giang) mà còn làm giảm nguồn cá, nguồn phù sa, nguồn dinh dưỡng từ sinh vật phù du trong nước và thay đổi mạnh tính đa dạng sinh học do chuỗi thức ăn thay đổi một cách đáng kể.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.