“Lột xác” ngành hồ tiêu: "Sân chơi" EVFTA và nỗi lo chất cấm (Bài 3)

Nguyên Vỹ Thứ bảy, ngày 27/06/2020 19:04 PM (GMT+7)
Đầu tháng 8/2020, EVFTA - Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) sẽ có hiệu lực, mức thuế nhiều mặt hàng giảm xuống bằng 0. Tuy nhiên, các hàng rào phi thuế quan không khiến “sân chơi” này dễ dàng với ngành hồ tiêu, nhất là vấn đề dư lượng chất cấm vượt ngưỡng luôn là nỗi lo thường trực.
Bình luận 0

Hàng rào phi thuế quan

Năm 2018, giá hồ tiêu nguyên liệu chỉ còn 57.000 đồng/kg, tưởng đã thấp nhất từ 5 năm qua. Đến vụ thu hoạch năm nay, có nơi giảm còn 25.000-30.000 đồng/kg.

Theo Cục Thống kê tỉnh Đồng Nai, năm 2019, năng suất của một số cây công nghiệp lâu năm đều tăng so năm trước. Riêng hồ tiêu đạt gần 23,7 tạ/ha, tăng gần 10%. Thế nhưng, lợi nhuận mà nông dân trồng tiêu thu về lại giảm đi, thậm chí lỗ vốn.

“Lột xác” ngành hồ tiêu: Bài 3: EVFTA và nỗi lo chất cấm - Ảnh 1.

Lãnh đạo Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) tham quan vùng trồng tiêu sạch ở Bình Phước. N.V

Theo chuyên gia nông nghiệp Nguyễn Đăng Nghĩa, Việt Nam là thị trường tiêu thụ lớn về phân bón và hóa chất. Nhu cầu với các sản phẩm đều tăng nhanh theo xu hướng thâm canh tăng vụ, khiến cho dịch bệnh trên cây trồng xuất hiện ngày càng phức tạp, nông sản tồn dư hóa chất độc hại.

Đây là hệ quả suốt thời gian dài sản xuất nông nghiệp trong nước chạy theo số lượng. Trong khi các nước đang siết dần hàng rào kỹ thuật với nông sản nhập khẩu, người tiêu dùng cũng ngày càng đòi hỏi cao hơn về an toàn thực phẩm. "Nếu nông dân không thay đổi tư duy sản xuất, vẫn lạm dụng phân bón, thuốc hóa học và chạy theo sản lượng thì họ sẽ thua ngay trên sân nhà" - ông Nghĩa cảnh báo.

Còn theo ông Nguyễn Văn Lâm - đại diện Công ty Chế biến gia vị Nedspice (Hà Lan), Việt Nam chỉ mới giải quyết tốt khâu năng suất, nhưng giá cả thì không tốt tý nào. Xuất khẩu hồ tiêu luôn nằm trong top đầu thế giới nhưng vẫn không làm chủ được thị trường do yếu thế về chất lượng. Mọi người nói nhiều đến các lợi ích từ miễn giảm thuế quan, trong khi các hàng rào phi thuế quan mới là nỗi lo thực sự.

Cuối tháng 2 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã thông qua dự thảo quy định mức dư lượng tối đa (MRL) của tất cả các sản phẩm có chứa hoạt chất Chlorpyrifos và Chlorpyrifos-methyl sẽ giảm xuống 0,01mg/kg và sẽ có hiệu lực vào tháng 10/2020.

Nhiều chuyên gia cảnh báo, việc hạ hạn mức MRL chẳng khác nào giáng tiếp đòn đau vào ngành hồ tiêu trong bối cảnh cung vượt cầu, giá tiêu đang thấp. Nông dân không chỉ mất một công cụ quản lý côn trùng gây hại, làm giảm năng suất, mà còn không thể xuất khẩu sản phẩm có chứa dư lượng vượt mức sang EU.

Theo Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA), hoạt động thương mại hồ tiêu sẽ bị ảnh hưởng lớn vì thời gian chuyển tiếp là quá ngắn đối với loại thuốc bảo vệ thực vật đang được sử dụng khá rộng rãi này. Điều này cũng đồng nghĩa, các sản phẩm đã được sản xuất cũng như đang ở trên kệ hàng không đáp ứng yêu cầu MRL mới và cần phải tiêu hủy.

Chưa sẵn sàng

Ông Thái Như Hiệp - Ủy viên Ban chấp hành VPA kể, trước đây, EC đã yêu cầu điều chỉnh giảm MRL với hóa chất Metalaxyl trên hạt tiêu. Đến năm 2018, chỉ có 46% lượng tiêu Việt Nam đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang châu Âu. Đến tháng 10, MRL hoạt chất Chlorpyrifos phải giảm xuống còn 0,01mg/kg là chuyện rất khó đối với Việt Nam.

Thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, lượng hạt tiêu xuất khẩu quý 1/2020 đạt 80.680 tấn, giá trị đạt 176,29 triệu USD. Trong đó, xuất sang Mỹ đạt 13.824 tấn, tương đương 35,12 triệu USD; xuất sang EU đạt 8.462 tấn, trị giá 22,82 triệu USD.

Việt Nam cũng phải đối mặt với rủi ro về truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm hạt tiêu. Trong lúc giá tiêu vẫn đang ảm đạm, việc triển khai thực hiện càng ít được quan tâm. Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, thiếu liên kết chuỗi càng khó đảm bảo tính chính xác của thông tin được cập nhật.

Bên cạnh đó, việc thực hiện chỉ dẫn địa lý - tiêu chí quan trọng để hồ tiêu hưởng ưu đãi thuế quan cũng còn nhiều bất cập. Các bộ ngành phải làm cho địa phương, từ đó tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua nguyên liệu để làm hồ sơ xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp không muốn thua thiệt nên đã bắt tay vào làm, thì gặp không ít cảnh "trên trải thảm, dưới rải đinh". Địa phương chỉ nghĩ đến việc thu thuế. Doanh nghiệp muốn hưởng nghị định chính sách thì cứ tự đi tìm. Với những doanh nghiệp có vùng nguyên liệu thì đó là gánh nặng rất lớn khi phải tổ chức liên kết sản xuất bền vững tới đảm bảo đầu ra ổn định.

"Đã có nhiều ý kiến lo ngại việc ký EVFTA thành ra nóng vội khi nhiều doanh nghiệp chưa sẵn sàng. Trong khi đó, các đối thủ trên thế giới hiểu rõ luật chơi và sẵn sàng hơn doanh nghiệp trong nước" - ông Hiệp nói.

Ông Hoàng Phước Bính – Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai) nhận định, EVFTA sẽ giúp Việt Nam tận dụng được cơ hội để phát triển ngành chế biến hạt tiêu. Tuy nhiên, ngành hồ tiêu nước ta đang phải đối mặt với hàng rào kỹ thuật ngày càng cao tại các nước nhập khẩu, đặc biệt là trong bối cảnh đã nhiều lần bị cảnh báo về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên hạt tiêu. Như việc EC cho gia hạn thời gian đến tháng 10 nhưng lại rút hạn mức MRL xuống gần như tối thiểu, đồng nghĩa, cửa này mở ra nhưng cửa khác đóng lại. Không chỉ hồ tiêu mà nhiều ngành khác ảnh hưởng.

Các nông hộ trồng tiêu hiện vẫn mạnh ai nấy làm. Không có liên kết sản xuất thì làm sao có cơ sở truy xuất nguồn gốc, cấp mã số vùng trồng. Như thế làm sao xuất khẩu được sang các thị trường cần thiết".

Ông Hoàng Phước Bính

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem