Lũ lụt chết người đe doạ Con đường Tơ lụa mới của Trung Quốc

Đăng Nguyễn - SCMP Thứ bảy, ngày 03/04/2021 14:56 PM (GMT+7)
Lượng mưa vào mùa hạ ở khu vực phía Tây Trung Quốc đã tăng gấp đôi trong 50 năm qua do biến đổi khí hậu, tạo ra mối đe doạ không lường trước đến Con đường Tơ lụa mới, nằm trong sáng kiến Vành đai Con Đường ở vùng Tân Cương, một nghiên cứu mới cho biết.
Bình luận 0

img

Sa mạc ở Tân Cương đang dần biến mất.

Nguy cơ lũ lụt hoành hành ở một trong những vùng khô hạn nhất trên Trái đất có nghĩa là phải đánh giá lại tiêu chuẩn chất lượng và thiết kế của các cơ sở hạ tầng xây dựng trong vùng, các nhà khoa học Trung Quốc cảnh báo trong nghiên cứu mới công bố hồi đầu tuần này, theo SCMP.

Các nhà khoa học kêu gọi các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng mới ở Tân Cương cần tính toán đến “nguy cơ lũ lụt, rất nhiều nước lũ”.

Các nhà khoa học đề xuất xây thêm các trạm giám sát lượng mưa ở Tân Cương để có dự báo chính xác hơn, đặc biệt là tại những vùng hẻo lánh.

Zhang Xiaojian, nhà vật lý khí quyển tại Đại học Nam Kinh, tác giả nghiên cứu, nói cần có các biện pháp đề phòng càng sớm càng tốt, trước khi quá muộn.

“Các cơ sở hạ tầng phục vụ Sáng kiến Vành đai Con đường ở Tân Cương chưa tính đến nguy cơ lũ lụt. Chúng tôi nhận thấy lượng mưa trong vài giờ ở Tân Cương ngày nay đã bằng nhiều năm mưa như trước đây”, ông Zhang nói.

Con đường Tơ lụa mới được kì vọng kết nối Trung Quốc với các nước châu Á, châu Âu và châu Phi. Ở Tân Cương, các dự án phục vụ Sáng kiến đầy tham vọng bao gồm xây dựng cơ sở vật chất, đường sắt, đường cao tốc, cầu đường ngày càng xuất hiện nhiều hơn.

Một dấu hiệu cho thấy sự thay đổi ở Tân Cương, nơi nổi tiếng với sa mạc, bao gồm sa mạc Gobi lớn thứ hai châu Á, là hiện tượng cây cối phủ xanh ngày càng phổ biến.

img

Vùng Tân Cương đóng vai trò quan trọng trong giao thương, trao đổi hàng hoá của Trung Quốc với châu Âu.

Các bức ảnh chụp vệ tinh cho thấy sa mạc ở Tân Cương đang thu hẹp, thay bằng các cánh rừng, các ốc đảo. Lượng mưa bình quân trong khu vực ở giai đoạn năm 1950 là 100mm, đã tăng lên tới 190mm vào năm 2019, theo các số liệu thống kê chính thức.

Các nhà khoa học Trung Quốc bày tỏ sự ngạc nhiên, không rõ lượng mưa tăng gấp đôi đến từ đâu. Các nghiên cứu cho thấy mưa không bắt nguồn từ Ấn Độ vì các dải mây không vượt qua được cao nguyên Tây Tạng.

Trong nghiên cứu mới, Zhang và các cộng sự cho rằng lượng mưa tăng gấp đôi ở Tân Cương xuất phát chủ yếu từ Thái Bình Dương, nơi cách xa 2.500km, vốn được coi là điều không thể.

Do hiện tượng ấm lên toàn cầu, các vùng cao nguyên Mông Cổ cũng nóng lên, kích thích không khí nóng kéo dài vành đai mưa từ tây Thái Bình Dương về phía tây, tới tận Tân Cương.

Theo nhóm nghiên cứu, hiện tượng thời tiết kiểu này sẽ càng mạnh hơn trong tương lai vì nhiệt độ toàn cầu tăng.

Các nhà nghiên cứu nói đây không phải lần đầu tiên Tân Cương chứng kiến nguy cơ lũ lụt. 2.000 năm trước dưới thời nhà Hán, người Trung Hoa đã đánh bại các bộ tộc phía tây, vươn tầm ảnh hưởng đến Tây Vực, tạo nên Con đường Tơ lụa nổi tiếng.

Ở thời điểm đó, nhiệt độ ở Tân Cương cũng tương tự như ngày nay, thậm chí còn ấm hơn, dẫn đến mưa lũ đáng kể.

Một điều đáng lo ngại khác là mưa ở Tân Cương rất thất thường, với những trận mưa nặng hạt kéo dài, chứ không rải rác theo tháng. “Tình hình đang ngày càng tồi tệ hơn”, Zhang nói.

Đây không phải nghiên cứu đầu tiên cảnh báo biến đổi khí hậu có thể đe doạ tới Sáng kiến Vành đai Con đường. Nghiên cứu công bố hồi năm ngoái của nhà khoa học Zhai Jianqing ở Bắc Kinh, cũng cảnh báo thời tiết cực đoan đe doạ các cơ sở hạ tầng Trung Quốc xây dựng không chỉ trong nước, mà còn ở nước ngoài.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem