Lý do các ‘ông lớn’ rời TP.HCM về đầu tư dự án bất động sản vùng ven?

V.D Thứ sáu, ngày 19/02/2021 11:10 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp địa ốc có xu hướng rời TP.HCM để tìm về các vùng lân cận, thậm chí là đến các tỉnh xa để tìm quỹ đất đầu tư các dự án. Có nhiều nguyên nhân khiến các "ông lớn" bất động sản (BĐS) rời bỏ TP.HCM, trong đó có vấn đề pháp lý, thủ tục rườm rà, phức tạp.
Bình luận 0

Theo dự báo của các chuyên gia, xu hướng này sẽ tiếp diễn trong tương lai, đặc biệt ở những thị trường có nhiều quỹ đất màu mỡ như Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu,…

Ở góc độ là chuyên gia quan sát thị trường, ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt - Phó Giám đốc, Trưởng bộ phận tiếp thị dự án nhà ở CBRE, cho rằng, hiện nay TP.HCM đang rơi vào tình trạng khan hiếm về nguồn cung và khó khăn về pháp lý nên các chủ đầu tư có sự dịch chuyển. Nơi nào có quỹ đất tốt, nhu cầu khách hàng cao, có khả năng bán hàng nhanh thì các doanh nghiệp sẽ đầu tư vào.

Lý do các ‘ông lớn’ địa ốc rời TP.HCM để về vùng ven đầu tư dự án? - Ảnh 1.

Khi quỹ đất tại TP.HCM hạn hẹp, đi kèm với việc ách tắc pháp lý khiến nhiều doanh nghiệp địa ốc tìm về các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An và thậm chí xa hơn để tìm quỹ đất mới đầu tư. Ảnh: V.D

"Đây là bức tranh chúng ta thấy ở Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Phú Quốc, Lâm Đồng,… Bản thân các chủ đầu tư đã chạy rất nhiều để tìm được quỹ đất trong bối cảnh thị trường TP.HCM đang khó khăn", ông Kiệt nhận định.

Cũng theo ông Kiệt, TP.HCM vẫn còn tiềm năng phát triển bất động sản bởi nhu cầu nhà ở của người dân vẫn rất cao. Khi các yếu tố về pháp lý ở thị trường này được tháo gỡ, các nhà đầu tư sẽ tự động quay lại thị trường. 

Còn theo quan điểm của Tiến sĩ Sử Ngọc Khương- Giám đốc Cấp cao Savills Việt Nam, tùy theo sản phẩm và chiến lược, doanh nghiệp tìm kiếm địa điểm có lợi thế về thủ tục, pháp lý làm nhanh nhất. Đó là lý do vì sao các doanh nghiệp địa ốc đi về các tỉnh để tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh.

Tiến sĩ Khương chỉ ra một khó khăn điển hình, doanh nghiệp muốn làm dự án ở TP.HCM thì thời gian từ chấp thuận chủ trương đến ra được quy hoạch 1/500 phải mất từ 2 - 3 năm. Sau đó, doanh nghiệp phải mất thêm 6 tháng để xác định nghĩa vụ tài chính, thậm chí thời gian thực tế kéo dài hơn.

Với góc độ doanh nghiệp, ông Bùi Quang Anh Vũ - Tổng giám đốc CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (Mã: PDR) cho rằng việc dịch chuyển ra thị trường ra vùng ven là một chiến lược linh hoạt của doanh nghiệp trong thời kỳ khó khăn. 

Ông Vũ chia sẻ, trong những năm qua, Phát Đạt đã tìm đến những thị trường mới như Quy Nhơn, Bình Định, Bình Dương… bởi ngoài phát triển về hạ tầng, những nơi này còn phát triển cả về kinh tế và du lịch.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Thế Nhiên- Phó TGĐ Hưng Thịnh Land đánh giá doanh nghiệp phát triển ở các tỉnh thành khác có chiến lược linh hoạt.

"Hưng Thịnh cũng buộc phải linh hoạt ở những nơi khác để phát triển đội ngũ, duy trì kinh doanh của mình. Chúng tôi phải tạm hoãn một số hoạt động kinh doanh để nghiên cứu, thay đổi chiến lược.

Thực tế, một số thị trường như Lâm Đồng, Bình Định, Quy Nhơn, tuy cơ sở hạ tầng phát triển chưa hoàn chỉnh như chúng ta mong muốn nhưng vẫn phát triển khá tốt trong những năm qua", ông Nhiên cho biết.

Theo các chuyên gia, đến năm 2025, nếu phát triển hạ tầng làm tốt sẽ là cú huých thúc đẩy phát triển đầu tư công nghiệp, du lịch và đô thị hóa mạnh mẽ ở các thị trường vệ tinh như Bình Dương, Bình Phước, Long An, Tây Ninh, Lâm Đồng…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem