Lý giải sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô là sân bay quốc nội

Thế Anh Thứ năm, ngày 08/06/2023 15:16 PM (GMT+7)
Theo quy hoạch sân bay Nội Bài sẽ là trung tâm trung chuyển hàng không lớn nhất phía Bắc và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng không lớn nhất cả nước.
Bình luận 0

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký phê duyệt quy hoạch hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030 theo mô hình trục nan với 2 đầu mối chính tại khu vực thủ đô Hà Nội và TP.HCM, Hà Nội chỉ có 1 cảng hàng không quốc tế.

Theo đó, lĩnh vực hàng không sẽ có 30 cảng hàng không bao gồm 14 cảng hàng không quốc tế (Vân Đồn, Cát Bi, Nội Bài, Thọ Xuân, Vinh, Phú Bài, Đà Nẵng, Chu Lai, Cam Ranh, Liên Khương, Long Thành, Tân Sơn Nhất, Cần Thơ và Phú Quốc) và 16 cảng hàng không quốc nội (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới, Quảng Trị, Phù Cát, Tuy Hòa, Pleiku, Buôn Ma Thuột, Phan Thiết, Rạch Giá, Cà Mau, Côn Đảo, Thành Sơn và Biên Hòa).

Tại TP.Hải Phòng, sẽ có cảng HKQT Hải Phòng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 640/2011 tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng.

Tầm nhìn đến năm 2050, cả nước sẽ có 33 cảng hàng không. Đáng chú ý, trong 14 cảng hàng không quốc tế không còn danh sách Cát Bi mà thay vào đó là Cảng HKQT Hải Phòng.

Lý giải sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô là sân bay quốc nội - Ảnh 1.

Sân bay Nội Bài những ngày cao điểm. Ảnh: NIA

Đáng chú ý, ngoài 16 cảng hàng không quốc nội có tử trước, quy hoạch còn bổ sung thêm 3 cảng mới gồm Cát Bi, Cao Bằng và cảng hàng không thứ 2 Vùng Thủ đô.

Việc TP.Hà Nội không được quy hoạch sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô là cảng hàng không quốc tế khiến cho nhiều người tiếc nuối.

Trước khi Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà vừa ký phê duyệt quy hoạch, TP.Hà Nội đề xuất sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô là sân bay quốc tế. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã bác bỏ đề xuất của TP.Hà Nội thay vào đó Bộ GTVT trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô là sân bay quốc nội.

Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ GTVT cho biết, TP.Hà Nội không được quy hoạch sân bay thứ 2 Vùng Thủ đô là sân bay quốc tế, bởi trong quy hoạch sân bay Nội Bài được xác định là trong giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 là cảng hàng không trọng yếu của quốc gia.

"Sân bay Nội Bài sẽ là trung tâm trung chuyển hàng không lớn nhất phía Bắc và là một trong những trung tâm trung chuyển hàng không lớn nhất cả nước", đại diện Bộ GTVT cho hay.

Theo quy hoạch đơn vị tư vấn, giai đoạn đến năm 2030, sân bay Nội Bài có 3 đường cất hạ cánh, 3 nhà ga hành khách. Theo đó, mở rộng nhà ga hàng khách T2 hiện hữu để hệ thống nhà ga T1 và T2 đạt công suất tổng công suất 30 - 40 triệu hành khách/năm. Đồng thời, xây mới nhà ga hành khách T3 phía Nam đạt công suất 30 triệu hành khách/năm.

Đến năm 2050, sân bay Nội Bài sẽ được xây dựng 4 đường cất hạ cánh và xây mới thêm 1 đường cất hạ cánh phía Nam, 4 nhà ga hành khách. Hệ thống đường lăn và sân đỗ tàu bay được xây dựng đồng bộ. Sau khi được nâng cấp mở rộng, sân bay Nội Bài sẽ đáp ứng 100 triệu hành khách/năm.

Trước đó, vào tháng 9/2022, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã đi thị sát và làm việc về tình hình quy hoạch Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài.

Khi đó, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, sân bay Nội Bài phải được đầu tư hiện đại với quy mô lớn, tầm cỡ, xứng tầm thủ đô Hà Nội, thể hiện vị thế của đất nước.

Các Bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, thống nhất phương án về vị trí và diện tích mở rộng sân bay Nội Bài; sớm hoàn thiện, phê duyệt quy hoạch. Sau khi có quy hoạch thì nhanh chóng lập chủ trương đầu tư, sớm báo cáo cấp có thẩm quyền.

Phó Thủ tướng đề nghị các Bộ, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện các công việc được giao để phấn đấu khởi công xây dựng đường băng và nhà ga hành khách trong năm 2024 - 2025.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem