Mở biển “xin lộc”: Dân làng “bật mí” chuyện không thể không tin

Thăng Bình Thứ năm, ngày 30/01/2020 13:00 PM (GMT+7)
Nếu lễ hội cầu ngư được tổ chức tập thể với quy mô cả làng, cả xã thì tục mở cửa biển của những tàu cá đánh bắt gần bờ chỉ diễn ra trong từng hộ dân. Không rình rang cầu kỳ, nhưng tục mở cửa biển của ngư dân Bình Định mang nét văn hóa tâm linh từ ngàn xưa ở những vùng quê biển trong mỗi dịp Tết.
Bình luận 0

Không phải mê tín

Từ mùng 1 đến mùng 3 Tết, nhiều ngư dân ở xã Nhơn Lý (TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) tất bật cúng mở cửa biển đầu năm mới. Sau khi sắm đầy đủ lễ cúng, chủ tàu cá cùng thuyền viên nổ máy, chạy tàu ra khơi và làm lễ cúng mở cửa biển ngay trên biển.

Xong nghi thức cúng, chủ tàu cùng các thuyền viên ngồi trên tàu chuyện trò, tổng kết hoạt động của năm cũ, chia sẻ mong ước trong năm mới đánh bắt. Xong cuộc trò chuyện, vào khoảng đầu giờ chiều sau lễ cúng, chủ tàu cho tàu ra khơi đánh bắt, sáng hôm sau tàu quay về bờ bán lộc.

img

Tàu cá Bình Định đánh bắt xa bờ ngư dân cúng mở cửa biển ngay trên tàu.

Theo ngư dân địa phương, tùy tục của từng vùng quê biển mà các chủ tàu đánh bắt gần bờ mở cửa biển vào những những ngày mùng 1, mùng 2 hay mùng 3 Tết. Ngư dân cúng mở cửa biển ngay trên biển, nhưng nếu gặp lúc biển động thì họ tấp tàu vào bãi biển và cúng trên bãi.

Theo nhiều lão ngư có kinh nghiệm đi biển, dân làm biển có quan niệm người sống khi đi làm nghề thì có “liên quan” đến những tâm linh ở dưới biển. Trải gần cả đời người gắn bó với biển, các lão ngư nhận thấy có những chuyện không thể không tin, không thể bỏ qua. Vì vậy, tục mở cửa biển theo họ là một tín ngưỡng dân gian, chứ không phải là chuyện mê tín. Vậy là cứ vào đầu năm mới, dù là chủ tàu lớn hay tàu nhỏ đều thực hiện tục mở cửa biển một cách thành tâm.

“Đồ cúng thịnh soạn hay đạm bạc thì cũng phải đủ ngũ vị gồm: Hương, đèn, trà, trái cây và đồ mặn”, ngư dân Phạm Đình Khanh (ở xã biển Nhơn Lý), chia sẻ.

img

Ngư dân cầu mong năm đánh bắt thuận lợi, bình an.

Cầu mong sức khỏe, bình an

Ông Trần Xuân Liếng (80 tuổi, ở xã Hoài Hương, huyện Hoài Nhơn) cho biết, cửa biển An Dũ mùa này thường có sóng to, gió lớn nên ngư dân quê ông phải thực hiện tục mở cửa biển trên bãi rồi mới ra khơi đánh bắt.

“Trong lễ cúng mở cửa biển, chúng tôi cầu mong những chuyến biển trong năm gặp sóng êm gió lặng để đánh bắt hiệu quả, tôm cá đầy khoang, bạn thuyền mạnh khỏe. Những ước vọng của tất cả những người làm nghề biển, không kể là chủ thuyền hay ngư dân đi bạn”, ông Liếng nói.

Đó là hoạt động của những tàu đánh bắt gần bờ, những tàu cá công lớn đánh bắt xa bờ không đi đánh bắt chuyến biển xuyên Tết thì trong những ngày này đã chuẩn bị kêu gọi bạn thuyền, kiểm tra máy móc con tàu, sửa sang ngư lưới cụ, để qua mùa trăng tháng Giêng là ra khơi đánh bắt chuyến biển đầu năm. 

img

Lộc biển được đưa vào bờ, bán cho thương lái.

Theo Phó giám đốc Sở NNPTNT Bình Định Trần Văn Phúc, tỉnh này có hơn 1.800 tàu có chiều dài thân tàu dưới 12m chuyên hoạt động ven bờ, số tàu này đã mở cửa biển ra khơi đánh bắt ngay trong những ngày Tết Nguyên đán Canh Tý 2020.

“Còn tàu đánh bắt xa bờ thì trong tháng Chạp đã ra khơi đánh bắt chuyến biển xuyên Tết đến 1.480 chiếc, số tàu này đến ngày 12 - 13 tháng Giêng tới sẽ cập bờ nghỉ trăng. Sau rằm tháng Giêng, số tàu vừa cập bờ nghỉ trăng và gần 1.500 chiếc khác nghỉ ăn tết trên bờ sẽ đồng loạt ra khơi chuyến biển đầu năm mới. Thường thì chuyến biển đầu năm toàn bộ tàu đánh bắt xa bờ ở Bình Định sẽ ra khơi gần 3.000 chiếc”, ông Phúc cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem