Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Phát triển du lịch sinh thái, hợp tác xã, nông dân sống khỏe (Bài 6)

Hồng Liên Thứ hai, ngày 04/12/2023 09:26 AM (GMT+7)
Cùng với sự phát triển của ngành nông nghiệp, nhiều hợp tác người dân đã sáng tạo phát triển mô hình nông nghiệp gắn với du lịch sinh thái. Thực tế cho thấy, đây là mô hình mang lại hiệu quả tích cực, giúp quảng bá, tạo đầu ra tại chỗ cho sản phẩm nông nghiệp, tạo thêm sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, thân thiện môi trường.
Bình luận 0

Việc phát triển các mô hình nông nghiệp tương hỗ cho phát triển du lịch, trong đó chú trọng phát triển các mô hình nông nghiệp sạch theo chuỗi giá trị do các hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác xây dựng và phát triển nhằm bảo đảm theo hướng bền vững, có liên kết chặt chẽ, hài hòa.

Rẽ sóng cho HTX du lịch nông thôn phát triển

Nhờ không ngừng cải tiến, nâng cao chất lượng, HTX chè La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên) đã đưa thương hiệu chè La Bằng vươn xa trên thị trường trong nước và quốc tế. Bên cạnh đó, HTX còn tạo việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương.

Để đảm bảo sản lượng cũng như chất lượng đầu ra của sản phẩm, bên cạnh khâu chăm sóc nguyên liệu, HTX La Bằng còn đầu tư xây dựng nhà xưởng với quy mô 1.000m2, trang bị hệ thống máy móc vào quy trình sản xuất, chế biến theo tiêu chuẩn ISO.

img
img
img

Khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan, trải nghiệm tại HTX chè La Bằng (xã La Bằng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên).

Bà Nguyễn Thị Hải - Bí thư Chi bộ, Giám đốc HTX chè La Bằng cho biết: "Hiện, các sản phẩm của HTX chè La Bằng được tiêu thụ ở hầu khắp các tỉnh thành trong cả nước. Bên cạnh việc bán hàng theo cách truyền thống, hợp tác xã còn đưa sản phẩm lên các sàn giao dịch thương mại điện tử để tăng mức độ và khả năng tiếp cận khách hàng lớn hơn. Đặc biệt, HTX đã chuẩn bị cơ sở vật chất để đón các đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm hái chè, chế biến chè theo phương pháp thủ công truyền thống kết hợp du lịch tại địa phương".

Xã La Bằng, huyện Đại Từ hiện đang là một điểm sáng trên bản đồ du lịch tỉnh Thái Nguyên với các điểm đến về du lịch sinh thái và trải nghiệm văn hóa trà như: Suối Kẹm, La Bằng homestay, HTX chè La Bằng...

Trong đó, nhờ sản xuất xanh, HTX chè La Bằng không chỉ thành công trong việc tạo ra các sản phẩm OCOP giá trị kinh tế cao mà còn trở thành điểm du lịch đặc sắc, kết nối các điểm du lịch của địa phương, đáp ứng nhu cầu khám phá và trải nghiệm của du khách.

Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp - Ảnh 2.

Bên trong xưởng sản xuất và chế biến chè của HTX chè La Bằng.

Hiện tại, trên đường đi tham quan La Bằng với hàng loạt thắng cảnh đặc sắc, du khách có thể dừng xe lên đồi chè chụp ảnh và cùng bà con nơi đây hái chè, hoặc vào thăm các cơ sở sản xuất chè, được thưởng trà và nghe giới thiệu quy trình sản xuất cũng như những sản phẩm trà ngon nổi tiếng.

Xã La Bằng hội tụ nhiều thế mạnh cho phát triển du lịch, tạo điểm tựa để người dân phát triển kinh tế. Tuy nhiên, tiềm năng du lịch đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Vì vậy, trong thời gian tới, việc kết hợp giữa sản xuất nông nghiệp với tổ chức các mô hình du lịch trải nghiệm, trong đó nòng cốt là các hợp tác xã điểm như HTX chè La Bằng cần được địa phương quan tâm, thúc đẩy nhiều hơn.

Vài năm trở lại đây, được sự quan tâm và giúp sức của các sở ban ngành, đã có rất nhiều hợp tác xã, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thành lập để góp phần phát triển ngành chè quê hương, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương, cũng như giúp các hộ gia đình lâu năm sống bằng nghề chè thêm yêu nghề và tăng thêm thu nhập, đồng thời lan tỏa được giá trị của cây chè Thái Nguyên đến bạn bè trong và ngoài nước.

Không chỉ tại Thái Nguyên mà tại xã Bình Sơn (Triệu Sơn, Thanh Hóa) hoạt động tham quan gắn với trải nghiệm hoạt động sản xuất chè truyền thống đang thu hút khá đông du khách.

Nhận thấy tiềm năng du lịch sinh thái, ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX Dịch vụ nông lâm nghiệp Bình Sơn và một số thành viên đã mạnh dạn tổ chức đón tiếp, cung cấp dịch vụ trải nghiệm thu hái, sao chè cho khách du lịch, người dân trong và ngoài tỉnh.

Ông Tú cho biết: Sau khi đa dạng hóa dịch vụ sản xuất gắn với phát triển du lịch trải nghiệm, sản phẩm chè Bình Sơn ngày càng được nhiều người dân, du khách biết đến.

Khi đến với Bình Sơn, du khách không những được tận hưởng bầu không khí mát mẻ, trong lành, chiêm ngưỡng bức tranh "sơn thủy hữu tình" mà còn được quảng bá về quy trình sản xuất sản phẩm sạch, được tìm hiểu giới thiệu về văn hóa sinh hoạt, sản xuất của các đồng bào dân tộc đang sinh sống trên địa bàn xã. 

Đây là hoạt động ý nghĩa, không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người sản xuất mà còn quảng bá, thúc đẩy tiêu thụ cho các sản phẩm nông nghiệp tại địa phương.

Điều đáng ghi nhận là, khi phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, người dân, hợp tác xã cũng có ý thức, tự chuyển đổi mô hình sản xuất an toàn, đưa địa phương trở thành điểm đến thân thiện, xanh sạch đẹp.

"Sống khỏe" với nông nghiệp sinh thái kết hợp du lịch

Cũng như nhiều địa phương khác trên cả nước, ở Ninh Bình, du lịch nông nghiệp, nông thôn là loại hình du lịch tạo ra sản phẩm phục vụ du khách chủ yếu dựa trên nền tảng của hoạt động sản xuất nông nghiệp.

Chia sẻ với Dân Việt, ông Trịnh Văn Tiến, Giám đốc HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp, cho biết: "Nhận thấy Tam Điệp là vùng đất bán sơn địa, thuận lợi cho việc phát triển cây, con đặc sản gắn với du lịch sinh thái, nên từ năm 2018, tôi và một số cộng sự đã thành lập tổ hợp tác sản xuất sản phẩm cây, con đặc sản. Tiếp đó, chúng tôi đã thành lập HTX, sản xuất theo chuỗi, từ trang trại chăn nuôi lợn, dê, gà… đến nhà hàng, gắn với du lịch nông thôn".

Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp - Ảnh 3.

Ông Trịnh Văn Tiến - Giám đốc HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp (bên trái) giới thiệu cho khách tham quan, du lịch về mô hình du lịch sinh thái của HTX.

Bên cạnh việc chăn nuôi và trồng các loại cây ăn quả cũng như bao tiêu cho các trang trại, gia trại trên địa bàn tỉnh Ninh Bình để cung cấp cho trên hệ thống cửa hàng, siêu thị trên nhiều tỉnh, HTX còn đang quản lý 610ha, nằm trong khu di tích lịch sử cấp quốc gia, thiên nhiên ban tặng nhiều hang động đẹp với những cánh rừng, cây ăn quả, đồi chè; các trang trại nuôi dê, hươu, nhiều hồ, ao cá, khá đa dạng, phù hợp phát triển du lịch nông thôn.

Theo ông Tiến, hiện nhu cầu trải nghiệm, du lịch nông thôn ngày càng cao. Khu du lịch sinh thái của HTX là khu du lịch sinh thái trải nghiệm, nên trong quá trình hoạt động, ông Tiến cùng các thành viên của HTX luôn phải thay đổi các sản phẩm du lịch mới, lạ và có tính khác biệt thì mới thu hút được nhiều du khách hơn.  

Đối với khách tập thể, sẽ phục vụ tại các nhà sàn; với khách riêng lẻ, bố trí theo mô hình homestay, tham quan, trải nghiệm, nghỉ và chơi một số trò chơi dân gian. HTX đang có một số mô hình Farmstay, khách vào cùng làm trang trại, cùng nghỉ dưỡng, thu hái nông sản dùng tại chỗ hoặc mua mang về.

Đi tìm một chữ "xanh" trong nông nghiệp: Phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp - Ảnh 4.

Trải nghiệm tại “Mô hình du lịch cộng đồng Quèn Thờ” của HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp.

Việc phát triển du lịch nông thôn không chỉ góp phần tăng doanh thu mà tận dụng bán nông sản cho khách, tạo việc làm cho người dân địa phương. Theo thống kê, tổng doanh thu của HTX nông sản và du lịch Tam Điệp đạt hơn 200 tỷ đồng/năm (doanh thu của HTX và của thành viên), tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 200 lao động, với mức thù lao 9 - 15 triệu đồng/người/tháng.

Không dừng lại ở đó, HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp còn liên kết với các doanh nghiệp, HTX trên địa bàn khai thác tối đa các tiềm năng sẵn có, phục vụ đa dạng nhu cầu khách tham quan như: Tham quan hang động do các HTX trong chuỗi quản lý (HTX du lịch Quèn Thờ), tham quan vườn bưởi (HTX bưởi da xanh Tam Điệp), tham quan và thưởng thức chè (HTX hoa, cây cảnh, nông sản an toàn Tam Điệp), HTX trồng đào Đông Sơn với các khu trải nghiệm vườn đào phai đẹp mắt. 

Nhờ đó mà thời gian qua, sản phẩm du lịch cộng đồng Quèn Thờ của HTX Nông sản và Du lịch Tam Điệp đã được xếp hạng 4 sao (gồm 4 hoạt động: lữ hành, lưu trú, ăn uống, bán đồ lưu niệm).

Hiện, HTX đã vận động bà con trong xã thực hiện nhiều mô hình hữu ích bảo vệ môi trường như mô hình "Nông dân Ninh Bình hạn chế sử dụng túi nilon và đồ nhựa dùng 1 lần", mô hình "Dịch vụ Du lịch thân thiện môi trường" hay mô hình sử dụng "Thùng rác thân thiện với môi trường".

Hay như mô hình sản xuất dược liệu gắn với du lịch trải nghiệm của chị Hoàng Thị Lệ Diễm, Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Sơn (xã Ninh Tiến, TP.Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình), với 2 giống cây chủ lực là hoa cúc chi và hoa hướng dương, đang cho giá trị kinh tế cao.

Giám đốc HTX nông nghiệp Hoàng Sơn cho biết, trước đây, gia đình chị cấy lúa trên 2 mẫu ruộng. Từ năm 2017, gia đình áp dụng mô hình trồng cúc chi, cúc tiến vua trên diện tích 1,8 ha. Mô hình được triển khai theo hướng nông nghiệp sạch, an toàn sinh thái, phân bón từ phân trùn quế nên kết quả thu được cho giá trị tốt, tính dược cao.

Đặc biệt, với mô hình trồng hoa cúc chi, khi đến vụ hoa nở rộ, gia đình mở thêm dịch vụ du lịch cho du khách tới tham quan, chụp ảnh. Thu nhập từ mô hình trồng hoa kết hợp du lịch trải nghiệm của gia đình chị Diễm đạt trung bình 700 - 800 triệu đồng/ha, tạo việc làm thường xuyên cho trên 10 lao động địa phương.

Kể từ cuối năm 2020, chị Diễm cùng các thành viên HTX Hoàng Sơn đã chủ động nhân rộng mô hình gieo trồng cây cúc thảo dược với diện tích hơn 1,5 ha, nghiên cứu cách để nhân giống hoa và chú trọng xây dựng sản phẩm hoa kim cúc, cúc chi trở thành sản phẩm chủ lực.

Không chỉ thành công với các loại cây trồng mới như cúc dược liệu, hành sâm, các loại cây trồng truyền thống cũng đang mang lại giá trị cao cho thành viên và hộ liên kết của HTX Hoàng Sơn.

Bên cạnh HTX Hoàng Sơn, trên địa bàn xã Ninh Tiến hiện có 3 HTX khác đang hoạt động khá hiệu quả, gồm HTX Tiên Tiến, HTX Thành Công và HTX Phúc Sơn. Các HTX đều gắn với mô hình lúa-cá, hoa dược liệu gắn với phát triển du lịch, mô hình trồng cây lưu niên như bưởi, ổi, các loại rau theo mùa vụ và cây củ như khoai tây Thái Lan...

Kết quả thực tế cho thấy, các mô hình kinh tế của xã Ninh Tiến hiện đều đang phát triển ổn định, cho thu nhập từ vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng/năm.

Những con số biết nói trên cho thấy phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ, an toàn sinh thái gắn với phát triển du lịch là chìa khóa giúp các địa phương ổn định cuộc sống, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người nông dân. 

Thời gian tới, các địa phương cần đẩy mạnh liên kết chặt chẽ giữa người nông dân, HTX và doanh nghiệp, nhằm hình thành các chuỗi giá trị kinh tế mạnh, bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem