Mong tuyển lao động có trình độ cao, nhưng mức thu nhập lại trung bình lại phổ biến, vì sao?
Hà Nội: Nhu cầu tuyển lao động có trình độ cao nhiều, nhưng mức thu nhập trung bình lại phổ biến, vì sao?
Thùy Anh
Thứ bảy, ngày 11/05/2024 14:00 PM (GMT+7)
Điểm đáng chú ý qua phiên giao dịch việc làm quận Hoàn Kiếm đó là chỉ tiêu tuyển dụng lao động chất lượng cao (cao đẳng, đại học) có vẻ cao nhưng tỷ lệ công việc được trả lương cao lại khá thấp.
Theo quan sát của phóng viên Dân Việt, trong sáng nay có khá nhiều lao động phổ thông tìm tới phiên giao dịch để tìm kiếm việc làm. Tỷ lệ lao động tìm kiếm công việc phổ thông áp đảo so với lao động có trình độ tìm kiếm công việc có chất lượng cao.
Lao động Nguyễn Thùy Trang (20 tuổi) quận Hoàn Kiếm cùng mẹ tới phiên giao dịch tìm việc từ lúc 7 giờ sáng. Mẹ chị Trang cho biết, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông con không có ý định đi học mà muốn đi tìm việc làm luôn. Chị đồng ý với quyết định của con, khi nghe tin phường thông báo có phiên giao dịch tìm kiếm việc làm, hai mẹ con quyết định đi tìm kiếm cơ hội.
Mẹ chị Trang chia sẻ thêm: "Sau khi tham khảo bảng tuyển dụng của các đơn vị, tôi và quyết định dừng chân tại bàn tuyển dụng của Công ty nước Hồ Tây. Ở đây có khá nhiều vị trí việc làm phổ thông, cả toàn thời gian và bán thời gian".
Sau 30 phút tư vấn, 2 mẹ con chị Trang tỏ ra khá hài lòng và có mong muốn lựa chọn một số công việc liên quan tới công việc bán vé, phục vụ quầy.
"Vì chưa từng đi làm nên tôi khá hồi hộp, tuy nhiên được nhân viên tuyển dụng hướng dẫn tôi thấy yên tâm hơn và nghĩ sẽ làm tốt công việc. Tôi sẽ chuẩn bị hồ sơ để nộp vào ngày mai", chị Trang nói.
Theo chị Trang, công việc có mức lương 6-7 triệu đồng/tháng chưa kể tiền thưởng, tiền doanh số và lao động được đóng BHXH, được hỗ trợ ăn trưa, ăn tối là có thể chấp nhận được.
Tương tự, chị Đặng Thị Dung (50 tuổi) ở Hoàn Kiếm, Hà Nội cũng là một trong số những lao động phổ thông tới phiên tìm kiếm việc làm. Chị Dung chia sẻ, sau nhiều năm bôn ba làm lao động tự do, thử qua hàng chục công việc, từ bảo vệ; bán hàng rong; trông xe... giờ đây chị Dung đến với phiên giao dịch việc làm Hà Nội với mong muốn tìm kiếm được công việc nhẹ nhàng hơn, ví dụ như làm tạp vụ hoặc thu ngân ở một nhà hàng, khách sạn nào đó.
"Tôi mong được chuyển đổi việc làm, tìm công việc phù hợp nhẹ nhàng hơn. Mức thu nhập có thể bằng hoặc cao hơn so với công việc trước kia càng tốt (khoảng 7-8 triệu đồng/tháng)", chị Dung chia sẻ.
Chia sẻ với PV Dân Việt, ông Phạm Văn Tuấn - Trưởng phòng Kinh doanh của Công ty in một thành viên Hà Nội - Đại diện đơn vị tuyển dụng cho biết, tham gia phiên giao dịch việc làm lần này, công ty mong muốn tuyển 2 nhân viên kinh doanh và 1 kế toán. Ngoài ra công ty cũng mong muốn tuyển dụng thêm hàng trăm cộng tác viên làm kinh doanh.
"Mức lương từ 15-20 triệu đồng/tháng với lao động chính thức, còn thu nhập của cộng tác viên từ khoảng 4-5 triệu đồng cộng doanh số. Ngoài ra lao động còn được hưởng khoản tiền thưởng từ năng suất và được đóng đầy đủ BHXH và các chế độ khác", ông Tuấn nói.
Thu nhập lao động chưa tương xứng với trình độ, việc làm?
Ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội cho biết, Ngày hội tư vấn và giao dịch việc làm quận Hoàn Kiếm năm 2024 có 25 đơn vị tham gia tuyển dụng, tuyển sinh 1.259 chỉ tiêu. Trong đó, nhu cầu tuyển sinh là 240 chỉ tiêu, tuyển dụng là hơn 1.000 chỉ tiêu.
Trong tổng số 25 doanh nghiệp tham gia, có 18 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại – dịch vụ, chiếm 72%. Ngoài ra còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực khác như: Du học - XKLĐ, Giáo dục – đào tạo,... Sự đa dạng lĩnh vực ngành nghề của các doanh nghiệp đăng ký tham gia Ngày hội tư vấn và giao dịch việc làm quận Hoàn Kiếm năm 2024 phù hợp với nhu cầu tìm việc của người lao động địa phương sẽ tạo điều kiện cho người lao động chưa tìm kiếm được việc làm tại quận Hoàn Kiếm lựa chọn được công việc thích hợp với khả năng, có thể gắn bó lâu dài, ổn định đời sống ngay tại địa phương.
Kết quả khảo sát phiên cho thấy, mặc dù chỉ tiêu tuyển dụng nghiêng về lao động có trình độ cao đẳng, đại học (chiếm 44%); công nhân kỹ thuật là hơn 34%; lao động không có trình độ là hơn 21% nhưng việc làm cho lao động phổ thông lại "hot" hơn bao giờ hết.
Số lượng lao động tìm tới các phiên giao dịch việc làm lưu động thường đông hơn so với các nhóm có trình độ cao.
Lý giải về hiện tượng này, một chuyên gia lao động tham gia phiên cho rằng: Lao động có trình độ có nhiều cơ hội để tìm kiếm một việc làm tốt hơn. Hơn nữa, nhóm này cũng dễ dàng tiếp cận với các thông tin tuyển dụng qua mạng xã hội, ứng tuyển online và qua nhiều kênh khác chứ không phải chỉ qua kênh trực tiếp.
Trong khi đó, lao động tự do thường hạn chế bởi kiến thức và công nghệ, vì vậy họ ít khi tiếp cận được với các thông tin tuyển dụng online và phải thông qua các phiên giao dịch việc làm trực tiếp.
Tuy nhiên nếu quan sát và phân tích thêm các số liệu tổng hợp về phiên có thể thấy một số điểm khác biệt đáng chú ý nữa. Ví dụ như tỷ lệ doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ thì cao nhưng mức lương phổ biến (chiếm tỷ lệ nhiều nhất) lại thấp. Điều này có nghĩa là một bộ phận doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng lao động trình độ cao (cao đẳng, đại học) nhưng mức lương trả lại khá bèo.
Cụ thể, kết quả tổng hợp cho thấy các công việc có mức lương đa dạng, từ 7-10 -15 triệu đồng. Phổ biến nhất vẫn là mức lương từ 7-10 triệu đồng/tháng (chiếm tỷ lệ cao nhất với hơn 33%). Các chỉ tiêu có mức lương từ 10-15 triệu đồng đa phần là ở vị trí quản lý, giám sát; trưởng phó phòng...
Đại diện một doanh nghiệp tham gia tuyển dụng dụng lý giải, nguyên nhân chính là do kinh tế khó khăn, dù có nhu cầu tuyển dụng, nhưng vì khó khăn nên mặt bằng tiền lương không cao và có xu hướng chỉ bằng hoặc giảm hơn so với trước đó.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.