Mong ước giản dị của những công nhân nữ trong ngày 20/10
Mong ước giản dị của những công nhân nữ trong ngày 20/10
Trung Hiếu
Thứ tư, ngày 16/10/2024 07:00 AM (GMT+7)
"20/10 cũng là chỉ là ngày bình thường, tôi vẫn đi làm như bao ngày khác. Chỉ mong sao công việc của hai vợ chồng ổn định, có sức khỏe để kiếm tiền nuôi con..." - chị Lê Thị Lam chia sẻ.
Tâm sự của nữ công nhân khi ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 sắp tới. Clip: Trung Hiếu.
Ngày 20/10 của công nhân nữ: Guồng quay mưu sinh không ngừng nghỉ
17 giờ chiều, khi những tia nắng cuối cùng chiếu xuống mặt đường, trên chiếc xe máy cũ, chị Lê Thị Lam (33 tuổi, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long) đèo hai con nhỏ vừa tan học trở về xóm trọ tại xã Hải Bối (Đông Anh, Hà Nội). Chiếc cổng sắt cũ khẽ kêu cót két khi chị Lam đẩy vào, tiếng xe máy gầm gừ tắt lịm khi dừng trước phòng trọ. Trên vai, tấm áo nữ công nhân 33 tuổi quê Thanh Hóa thấm đẫm mồ hôi sau một ngày làm việc dài.
Chẳng kịp nghỉ ngơi, chị Lam thả nhanh túi đồ xuống góc phòng trọ rồi chuẩn bị nước tắm cho các con. Tâm sự với phóng viên Dân Việt, chị Lam cho hay: “Cả tôi và chồng đều là công nhân đi làm ở khu công nghiệp, ai về trước thì sẽ tranh thủ đón các con đi học về. Cả ngày đi làm, chỉ có khoảng thời gian ít ỏi này để chăm sóc con nên tôi rất chú tâm. Các cháu cũng rất ngoan, biết mẹ vất vả nên vừa về tới phòng trọ là rót nước mời mẹ và cất gọn đồ đạc để chuẩn bị đi tắm”.
Căn phòng trọ rộng chừng 20m2 là nơi sinh sống của vợ chồng chị Lam cùng hai con nhỏ đang học lớp 1 và lớp 2. Một chiếc giường gỗ nhỏ đơn sơ, chiếc máy giặt cũ được mua từ tiền tích cóp sau nhiều năm đi làm, tủ nhựa đựng quần áo và bếp điện cùng vài vật dụng nấu nướng đơn giản được xếp gọn gàng. “Phòng trọ của tôi chỉ đủ để chứa những vật dụng cơ bản cho cuộc sống mưu sinh thôi. Tôi thuê với giá 1 triệu đồng/tháng. Phòng trọ nhỏ nhưng lại là tổ ấm, là nơi chứa mọi niềm vui, nỗi buồn của gia đình tôi”, chị nói.
Vừa nhặt rau để chuẩn bị nấu bữa tối, chị Lam vừa tiếp lời: “Tôi đã đi làm công nhân ở Hà Nội được 10 năm rồi. Trước đây tôi có nghỉ một thời gian để thử về quê làm kinh tế nhưng thu nhập ‘không ăn thua’ nên lại quay trở lại Hà Nội. Tôi cũng mới bắt đầu làm thời vụ ở chỗ hiện tại nên mức lương cơ bản chỉ được 5,3 triệu đồng/tháng thôi, cộng thêm thu nhập của chồng nữa thì chỉ đủ ăn và nuôi hai con đi học, chứ không tiết kiệm được nhiều”.
Một trong những điều khiến chị Lam lo lắng là khi các con lên cấp 2,3 nhưng không được học trường công lập ở Hà Nội. Chị bảo: “Giờ con tôi còn bé nhưng tôi vẫn lo xa. Tôi rất muốn cho các cháu được học tập ở Thủ đô để thứ nhất là được gần bố mẹ, thứ hai là các con có điều kiện học tập tốt. Tuy nhiên, nếu không được học thì có lẽ tôi phải để con về quê học mới đủ sức để chi trả học phí, chứ nếu học trường tư ở đây thì e là vợ chồng tôi không thể nào lo được cho các con”.
Khi được hỏi về mong muốn lớn nhất của bản thân khi ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 sắp tới, nữ công nhân 33 tuổi chia sẻ: “Cả tôi và chồng đều đang cố gắng ‘cày cuốc’ để kiếm tiền nuôi các con trưởng thành. 20/10 cũng là chỉ là ngày bình thường, tôi vẫn đi làm như bao ngày khác. Tôi chỉ mong sao công việc của hai vợ chồng ổn định, có sức khỏe để kiếm tiền nuôi con, các con thì ngoan ngoãn, bình an, như vậy là tôi rất vui rồi”.
Tâm sự ngày 20/10: Nữ công nhân kỳ vọng có thể tiếp tục học tập sau khi ổn định tài chính
Dưới ánh sáng le lói phát ra từ chiếc đèn chữ U yếu ớt trong căn phòng trọ cấp 4, chị Phùng Thị Hoa (25 tuổi, công nhân khu công nghiệp Bắc Thăng Long) tranh thủ phơi quần áo trong khi chờ đợi thức ăn chín. Vừa treo từng món đồ lên chiếc dây phơi nhỏ nối liền hai đầu căn phòng, chị Hoa vừa nói: “Hiện tại, tôi đang sống cùng em gái (học cao đẳng tại Hà Nội) trong căn phòng trọ này. Tiền phòng, tiền điện, nước cộng lại mỗi tháng trung bình từ 1,2 triệu đồng đến 1,5 triệu đồng”.
18 tuổi, sau khi tốt nghiệp THPT, chị Hoa từ Ba Vì sang Đông Anh để tìm việc làm. Đến nay, chị đã gắn bó với một công ty sản xuất linh kiện xe trong khu công nghiệp Bắc Thăng Long được 7 năm. “Thu nhập mỗi tháng của tôi dao động từ 8 - 10 triệu đồng, phải tăng ca nhiều thì mới được nhiều tiền. Tuy nhiên, số tiền này cũng chỉ vừa đủ để sống mà thôi. Có tháng nào dư tiền thì tôi lại gửi về quê biếu bố mẹ từ 2 - 3 triệu đồng, không dư thì cũng đành chịu”, chị Hoa nói.
Đôi mắt nhìn xa xăm qua khung cửa sổ, chị Hoa tâm sự: “Trước đây, tôi không học lên đại học hay cao đẳng mà quyết định đi làm luôn. Vì hoàn cảnh gia đình cũng khó khăn, tôi phải tự lo được kinh tế cho bản thân mình và hỗ trợ em gái tiền học phần nào nữa, chứ bố mẹ tôi cũng có tuổi rồi. Nhiều lúc ngẫm nghĩ và ước ao được học lên tiếp, nhưng gánh nặng của cuộc sống, trách nhiệm với gia đình... khiến tôi phải tạm gác giấc mơ đó lại”.
Chị Hoa bày tỏ: “Không biết đến bao giờ, tôi mới có cơ hội quay lại trường lớp, ngồi nghe thầy cô giảng bài. Tôi hy vọng sẽ có cơ hội được tiếp tục đi học khi tài chính ổn định để thực hiện những kế hoạch, những giấc mơ chưa trọn vẹn”.
Khi cơm gần chín, chị Hoa hối hả đặt chiếc nồi cũ đã xỉn màu lên bếp ga mini, đôi tay nhanh nhẹn xào rau, trong khi những giọt mồ hôi lăn dài trên trán. “Trước khi thực hiện được đam mê, tôi chỉ mong sao bản thân có sức khỏe để có thể đi làm kiếm tiền ăn uống, sinh hoạt hàng tháng và dư dả một chút để lo thêm cho em gái và gửi tiền về quê biếu bố mẹ”.
Xếp thức ăn ra đĩa và chờ em gái đi học về cùng ăn, nữ công nhân 25 tuổi kể: “Có những đợt thực phẩm đắt, tôi phải chi tiêu rất tiết kiệm mới đủ tiền để sống hết tháng. Thông thường, mỗi bữa tôi sẽ nấu một món thịt, một món rau, cân đối chi tiêu khoảng 50.000 đồng một bữa cho hai chị em là 'sang' lắm rồi” (cười).
“Ngày phụ nữ Việt Nam 20/10 năm nay có lẽ tôi vẫn phải đi làm, vẫn phải tăng ca để kiếm tiền thôi”, chị Hoa bày tỏ. Ánh mắt vừa ẩn chứa nỗi buồn, vừa ánh lên sự hy vọng, chị nói về những mong muốn giản dị trong ngày 20/10 sắp tới: “Tôi hy vọng công ty sẽ có thưởng, hay một món quà nhỏ gì đó trong ngày lễ này thôi cũng được. Điều đó thể hiện sự ghi nhận cho những nỗ lực của công nhân nữ chúng tôi và sẽ là động lực để mỗi người tiếp tục phấn đấu”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.