Thứ sáu, ngày 16/05/2025 08:44 GMT+7

Một cây cổ thụ 300 tuổi ở Hà Tĩnh từng là nơi bộ đội trú ẩn, cứu dân vào mùa mưa lũ

Tập Thỏa Thứ sáu, ngày 16/05/2025 08:44 GMT+7
Cây cổ thụ đó là một cây đa hơn 300 tuổi tại làng Quốc Tuấn (xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) không chỉ là một biểu tượng thiên nhiên, trãi qua thời gian, cây đa này trở thành chốn linh thiêng được người dân tôn thờ. Cây đa gắn với những câu chuyện cảm động về sự sống, bảo vệ dân làng trong những ngày chiến tranh khói lửa.

Clip: Cây đa cổ thụ 300 tuổi ở Hà Tĩnh từng là nơi bộ đội trú ẩn tránh dịch, cứu dân vào mùa lũ lụt.
Nằm giữa trung tâm làng Quốc Tuấn (trước đây gọi là làng A Mè) xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh), cây đa cổ thụ đã tồn tại hơn 300 năm.
Cây đa cao 40 m, tán lá rộng lớn với hơn 10 nhánh lớn, tạo bóng mát cho cả khu vực rộng lớn. Được người dân địa phương truyền tụng, cây đa gắn liền với nhiều sự kiện quan trọng lịch sử của làng, từ thời kỳ chiến tranh cho đến những năm tháng gian khó của mùa lũ.
Cây đa là nơi thờ Thành Hoàng làng, điểm sinh hoạt tâm linh của người dân trong các ngày rằm và ngày mùng một.
Người dân thường đến cây đa cổ thụ để dâng hương cầu mong sức khỏe, bình an. Dưới tán cây, những buổi họp làng và các hoạt động cộng đồng đã diễn ra từ bao đời nay.
Ông Phan Khắc Ấn, ở làng Quốc Tuấn, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên cho biết: "Cây đa cổ thụ 300 tuổi luôn gắn liền với những kỷ niệm sâu sắc trong tôi. Cây đa không chỉ là bóng mát vào những buổi chiều hè mà còn là chứng nhân của bao thăng trầm lịch sử. Cây đa không chỉ là biểu tượng của thiên nhiên mà còn là linh hồn của làng, mang trong mình những giá trị lịch sử và tình cảm cộng đồng sâu sắc. Với tôi, cây đa là một phần không thể thiếu trong ký ức và lòng tự hào của người con làng."
Gốc cây đa cổ thụ, to đến 10 người ôm. 
Theo các cụ cao niên ở làng Quốc Tuấn, trong suốt cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ, cây đa là nơi trú ẩn an toàn cho các chiến sĩ và người dân khi bị thương. Những nhánh cây to, rậm rạp đã che chắn quân ta trước sự tấn công của máy bay địch, trở thành "lá chắn" hữu hiệu giúp bảo vệ lực lượng chiến đấu.
Theo ông Phan Quốc Vỹ (86 tuổi, thôn Quốc Tuấn, xã Cẩm Mỹ, huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), bây giờ cây đa to đến mười người ôm. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, dưới tán cây đa, biết bao cuộc chia ly xúc động đã diễn ra khi những người con của làng lên đường bảo vệ Tổ quốc. Bóng mát của cây đã che chở, bảo vệ dân làng trong những thời khắc khó khăn nhất.
Mùa mưa lũ, cây đa đã trở thành nơi cứu giúp người dân trong làng. Cây không chỉ che chắn cho người dân mà còn trở thành nơi trú ẩn, bảo vệ khỏi nguy hiểm.
Trải qua hàng trăm năm, gốc và thân cây đa có nhiều ụ nổi, lớp vỏ sần sùi, rêu xanh khắp gốc, cành cây.
Chứng kiến biết bao đổi thay của xóm làng, từ những ngày đầu khai hoang lập ấp đến những năm tháng kháng chiến gian khổ và cuộc sống thanh bình ngày nay. Hiện cây đa vẫn hiên ngang đứng vững, như một người lính già kiên cường trên mảnh đất quê hương.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Phan Văn Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ, cho biết: "Cây đa cổ thụ ở làng Quốc Tuấn, địa phương luôn vận động bà con tôn tạo, tu sửa và dọn dẹp thường xuyên để gìn giữ nét đẹp của cây cũng như sự linh thiêng tại miếu thờ Thành hoàng làng. Hàng năm, chúng tôi giao cho các đoàn thể địa phương chăm sóc cây, đồng thời kêu gọi đầu tư để hoàn thiện thêm các hạng mục, giúp khu vực này trở nên khang trang hơn".

"Người dân xã Cẩm Mỹ luôn coi cây đa 300 tuổi là báu vật của làng và cùng nhau bảo vệ, chăm sóc cây cổ thụ. Cây đa cũng góp phần nâng cao tiêu chí nông thôn mới tại địa phương", ông Phan Văn Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Mỹ, cho hay

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.