Một HTX ở Long An trồng lúa kiểu gì mà nông dân chắc cú có lời trước khi sạ lúa giống?

Trần Đáng Chủ nhật, ngày 11/06/2023 05:07 AM (GMT+7)
Từ một vùng biên giới nghèo khó, thiếu kỹ thuật trồng lúa, nhờ tham gia hợp tác xã-HTX Dịch vụ, Thương mại nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) cuộc sống của bà con đã khấm khá. Bà con chắc cú có lời ngay cả chưa sạ lúa giống.
Bình luận 0
Một HTX ở Long An trồng lúa kiểu gì mà nông dân chắc cú có lời trước khi sạ lúa giống? - Ảnh 1.

Chúng tôi về thăm HTX Dịch vụ, Thương mại nông nghiệp Cây Trôm (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) vào lúc những trà lúa hè-thu của HTX đã trổ đòng. Những bông lúa non căng tròn sữa theo gió tỏa hương thoang thoảng khắp đồng quê.

Một HTX vùng biên, thành viên đã có lời trước khi sản xuất - Ảnh 1.

Ông Ba Giực (trái) và ông Bảy Thủ, Chủ tịch HĐQT HTX Cây Trôm, (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An) thăm trà lúa. Ảnh: Trần Đáng.

Vào HTX Cây Trôm có lời trước khi sạ lúa giống

Sau màn chào hỏi, ông Ba Giực (Nguyễn Văn Giực), một thành viên lão làng của HTX Cây Trôm xung phong dẫn chúng tôi đi thăm trà lúa của HTX. Trên đường đi, ông Ba Giực thổ lộ đã tham gia HTX từ những ngày mới thành lập.  

Ở cái tuổi 70, ông Ba Giực đã có hơn 40 năm trồng lúa. Tuy nhiên, theo ông Ba Giực, trước khi trở thành thành viên HTX Cây Trôm ông trồng lúa "theo kiểu truyền thống" rồi thu hoạch và dài cổ ngồi chờ thương lái đến thu mua.

"Nhớ thời đó, làm lúa cực như trâu đã đành, đến khi thu hoạch lúa nhiều vụ thương lái bặt tăm, trong khi nợ nần đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật đến lúc phải trả", ông Ba Giực bộc bạch.

Tuy nhiên, từ ngày là thành viên HTX Cây Trôm đến nay, cảnh dỡ khóc, dỡ cười do không bán lúa được hay được mùa mất giá, được giá mất mùa đã không còn nữa. Ông Ba Giực cho biết, giờ cứ tay trái thu hoạch lúa thì tay phải lấy tiền bỏ túi.

"Làm được bao nhiêu lời bấy nhiêu", ông Ba Giực phấn khởi.

Hiện, ông Ba Giực mỗi vụ trồng 10ha lúa. Tất cả chi phí ban đầu đầu tư cho vụ lúa đều do HTX Cây Trôm cung cấp trước, như giống, thuốc, dịch vụ… Thậm chí, ông Ba Giực còn hưởng trước 5% chi phí phân, thuốc, dịch vụ trồng lúa cho thành viên từ chính sách của HTX.

"Mình vào HTX làm lúa tiến bộ hơn kiểu trồng lúa truyền thống nhiều lắm. Giá phân, thuốc HTX bán cũng tốt hơn. Thấy lúa bị bệnh gọi HTX lấy thuốc, tiền bạc trả sau; cần xăng dầu cày, xới cứ đến HTX lấy, cũng trả sau… khỏe lắm. Nếu vào HTX mà lỗ lả chắc tôi rút vốn chạy rồi", ông Ba Giực cười ha hả.

Theo ông Ba Giực, giờ trồng lúa cứ mỗi ha ông thu 40 triệu đồng/vụ. Trừ hết chi phí ông còn lời 20 triệu đồng/vụ.

Ngoài trồng lúa, ông Ba Giực còn tham gia dịch vụ đồng áng với 3 máy cày và 1 máy cắt.

Clip. Hoạt động trồng lúa tại HTX Cây Trôm, (xã Hưng Điền A, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An). Clíp: Trần Đáng

"Trước đây tôi có 2 chiếc máy cày. Sau khi vô HTX Cây Trôm tôi mua thêm 1 chiếc máy cày, và 1 máy cắt. Đó là đồng lời trồng lúa từ khi vào HTX", ông Ba Giực chia sẻ.

Ông Ba Giực cho biết thêm, vì là thành viên HTX, nên khi tham gia dịch vụ đồng áng, như cày, cắt lúa, HTX sẽ ưu tiên cho ông nhận trước. Thậm chí, dầu, mỡ chạy xe HTX cũng chi trước cho ông…

"Như vậy, khi làm dịch vụ mình không chi đồng nào trước cả. Hết vụ lúa tôi thanh toán lại cho HTX. Tôi chỉ bỏ công kiếm lời", ông Ba Giực khoe.

Đi cùng nhóm, thấy cây chuyện xôm tụ, ông Bảy Thủ (Phan Văn Thủ, Chủ tịch HĐQT HTX Cây Trôm) cũng chen vào.

Theo ông Bảy Thủ, hiện HTX Cây Trôm đang làm lúa sạch. lợi nhuận khá tốt cho thành viên. Hiện, ông Bảy đang làm 10ha lúa. Mỗi vụ ông lời hơn 100 triệu đồng.

"Bà con tham gia HTX rất có lợi. Ngay đầu vụ, bà con đã lợi trước trên chi phí đầu vào, như phân, thuốc. Nếu trồng lúa sạch, nông dân còn hưởng được hỗ trợ thêm trên đầu kg từ công ty thu mua", ông Bảy Thủ thổ lộ.  

Theo Giám đốc HTX Cây Trôm Bùi Văn Tuấn, nhiệm vụ của HTX là làm sao "nông dân chỉ việc tham gia và nhận đồng lời không cần bỏ vốn".

Liên kết 4 nhà, HTX Cây Trôm thu hơn chục tỷ mỗi năm

Theo ông Tuấn, hiện diện tích đất sản xuất của HTX là 320ha vời 30 thành viên. Bên cạnh đó, HTX còn liên kết với bà con nông dân thêm gần 200ha.

"HTX Cây Trôm khép kín 100% quy trình sản xuất. Mọi dịch vụ trước, sau thu hoạch lúa được HTX ký liên kết với 4 nhà, gồm công ty phân, thuốc, xuất khẩu và HTX. Từ đây tạo vòng kép kín, an toàn", ông Tuấn cho biết.

Một HTX vùng biên, thành viên đã có lời trước khi sản xuất - Ảnh 4.

Hiện, tại HTX Cây Trôm 60% vùng sản xuất của HTX được cơ giới hóa. Ảnh: Trần Đáng

Ông Tuấn cho biết thêm, hiện 60% vùng sản xuất của HTX được cơ giới hóa đáp ứng sản xuất lớn mùa vụ. Từ đây giúp cho HTX nhận đơn hàng lớn. Các mô hình HTX triển khai sản xuất từ 50ha trở lên. 2 năm nay, HTX đang sản xuất lúa an toàn, 60-70% sản lượng lúa hiện nay đạt chất lượng đi vào thị trường châu Âu.

"Nhiệm kỳ 2022 - 2027, HTX Cây Trôm tập trung 100% diện tích sản xuất đạt chất lượng an toàn và 50% diện tích liên kết phải đạt chất lượng an toàn", ông Tuấn chia sẻ.

Theo ông Tuấn, hiện năng suất lúa trong HTX bằng với năng suất bên ngoài. Nhưng, chính sách của HTX sẽ giảm 5% chi phí phân, thuốc cho thành viên. Ngoài ra, các dịch vụ bơm, tưới, cắt, kéo… khi sử dụng các thành viên cũng được giảm 5% so với giá thị trường.

"Mỗi thành viên tham gia HTX, HTX đảm bảo đầu vào đầu ra, không lo được giá mất mùa hay ngược lại. Tôi tính, hiện trồng lúa trong HTX có lời hơn bên ngoài 2,5 - 3 triệu đồng/ha", ông Tuấn khẳng định.

Từ chỗ chỉ có 30ha đất sản xuất, giờ HTX Cây Trôm đã có hơn 500ha. Theo HTX Cây Trôm, doanh thu năm 2022 của HTX là 17 tỷ đồng.

Ông Tuấn chi sẻ, HTX Cây Trôm được thành lập năm 2017, với mục tiêu xây dựng mô hình kinh tế tập thể giúp nông dân liên kết tạo tiềm lực cạnh tranh và sản xuất theo hướng bền vững, tăng lợi nhuận.

Ngay từ khi được thành lập, HTX đã huy động vốn của thành viên để tập trung đầu vào đầu tư hạ tầng phục vụ sản xuất, như đường nội đồng, trạm bơm điện, cơ giới hoá sản xuất từ đó giúp làm giảm giá trị đầu tư sản xuất, tăng lợi nhuận, chủ động trong sản xuất. Từ đây đã tạo tiền đề cho thành viên mạnh dạng áp dụng công nghệ cao trong canh tác theo tư duy mới, giảm chi phí đầu tư.

Tuy nhiên, theo ông Tuấn, Ngoài đồng vốn ít ỏi của thành viên hiện HTX mới tiếp cận nguồn vốn vay của Liên minh HTX. Việc tiếp cận nguồn vốn các ngân hàng gặp khó bởi phải thế chấp tài sản, mà tài sản hiện của HTX là do nhà nước hỗ trợ, tài sản chung.

Ông Tuấn kiến nghị, nên cho Quỹ phát triển HTX của Liên minh HTX có mức hỗ trợ vốn cho HTX tốt hơn, định mức cho vay giới hạn chỉ 1 tỷ là quá ít để HTX đầu tư sản xuất. Ví như HTX Cây Trôm, chi phí đầu vào sản xuất mỗi vụ lúa 5-10 tỷ đồng.

Một HTX vùng biên, thành viên đã có lời trước khi sản xuất - Ảnh 5.

Xuất bán lúa tại HTX Cây Trôm. Ảnh: Trần Đáng

Bên cạnh đó, theo Nghị Định 46 về giao đất cho HTX xây dựng nhà kho, trụ sở không thông qua đấu giá. Nhưng tháng 4/2021 Chính phủ ban hành Nghị định 20 quy định đất giao cho HTX xây dựng nhà kho phải tổ chức đấu giá.

"Tháng 4/2019, HTX đã xây dựng nhà kho theo sự cho phép của UBND tỉnh. Bây giờ nhà kho đã hoàn thành nhưng không nghiệm thu, quyết toán được. Nếu thực hiện đấu giá xây dựng nhà kho theo Nghị định 20 thì quá khó cho HTX", ông Tuấn bộc bạch.

Một HTX ở Long An trồng lúa kiểu gì mà nông dân chắc cú có lời trước khi sạ lúa giống? - Ảnh 7.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem