Muốn "cứu" hàng không thì phải để máy bay cất cánh

Thế Anh Thứ hai, ngày 05/07/2021 10:52 AM (GMT+7)
Đối diện với "làn sóng" dịch Covid-19 bùng phát lần thứ 4, đã khiến cho mọi kịch bản hồi phục của các hãng hàng không Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet,... rơi vào tình cảnh lượng hành khách sụt giảm, máy bay "nằm la liệt" tại các sân bay, dòng tiền bị cạn kiệt.
Bình luận 0

Những khó khăn khiến cho ngành hàng không phải "nuốt trái đắng" thể hiện ở con số được Cục Hàng không Việt Nam tính đến tháng 4/2021, các hãng chỉ thực hiện được 4.900 chuyến bay (chủ yếu là chở hàng và chuyên gia),  giảm tới 74% so với cùng kỳ.

Muốn "cứu" hàng không thì phải để máy bay cất cánh - Ảnh 1.

Các hãng hàng không cần giải pháp tháo gỡ khó khăn. (Ảnh: VNA)

Còn theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hãng hàng không Vietnam Airlines đang cực kỳ khó khăn, bên bờ vực phá sản, Bamboo Airways và Vietjet loay hoay cố gắng tối ưu hóa mọi hoạt động khai thác và duy trì hoạt động thông qua việc chuyển nhượng các tài sản và dự án đầu tư tài chính đã được tích lũy trong giai đoạn trước.

Để hỗ trợ ngành hàng không, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đã có kiến nghị Chính phủ hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn về mặt tài chính, giảm một số loại phí, lệ phí.

Cụ thể, phí nhượng quyền khai thác cảng hàng không, sân bay được giảm bằng 90% mức thu phí hiện hành; phí đăng ký giao dịch bảo đảm được giảm bằng 80% mức thu hiện hành. Việc giảm phí được áp dụng từ ngày 1/7/2021 đến hết ngày 31/12/2021.

Phí thẩm định cấp chứng chỉ, giấy phép, giấy chứng nhận trong hoạt động hàng không dân dụng; cấp giấy phép ra vào khu vực hạn chế tại cảng hàng không, sân bay và phí đăng ký giao dịch bảo đảm đối với tàu bay cũng được giảm bằng 80% mức thu phí quy định.

Đánh giá về các giải pháp về thuế, phí, giá là vô cùng cần thiết cho ngành hàng không trong bối cảnh hiện nay, Cục Hàng không Việt Nam cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã có rất nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp hàng không, cả về thuế, phí, giá.

Muốn "cứu" hàng không thì phải để máy bay cất cánh - Ảnh 2.

Hãng hàng không Vietnam Airlines. (Ảnh: VNA)

Cục Hàng không cũng đã hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp có thể chuyển đổi, tái cơ cấu thị trường, thậm chí chuyển đổi máy bay từ chở khách sang chở hàng. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay mấu chốt nằm ở diễn biến không thể lường trước của dịch Covid-19 nên các dự báo, mức độ ảnh hưởng đều nằm ngoài dự tính.

Cục Hàng không Việt Nam tiếp tục dự báo tình hình năm 2021 sẽ cải thiện so với năm 2020, đặc biệt vào nửa cuối năm 2021 khi việc tiêm vaccine phòng Covid-19 được đẩy nhanh tại Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung.

Hơn nữa, tại nhiều thị trường trọng điểm của hàng không Việt Nam như Đông Bắc Á, châu Âu sẽ đủ điều kiện tạo miễn dịch cộng đồng, làm cơ sở từng bước mở lại hoạt động vận chuyển hàng không quốc tế vào cuối quý 3, đầu quý 4/2021.

"Với những đánh giá nêu trên, dự báo thị trường hàng không Việt Nam sẽ bắt đầu phục hồi từ giữa quý 3/2021 với sản lượng thông qua các cảng hàng không của Việt Nam năm 2021 ước đạt trên 70 triệu hành khách," lãnh đạo Cục Hàng không nói.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, để cứu được ngành hàng không thì phải tạo điều kiện cho máy bay cất cảnh, các hãng hàng không hoạt động bay được thì mới sống. Do vậy, Nhà nước cần có thêm các chính sách trợ lực bơm vốn để các hãng tránh lâm vào nguy cơ phá sản, đủ sức cạnh tranh với hãng bay nước ngoài khi thị trường phục hồi.

Trước đó, Bộ Tài chính, dự báo kinh tế trong năm 2021 tiếp tục chịu tác động nghiêm trọng bởi dịch Covid-19, nhiều ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh trong nước gặp khó khăn. Hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp bị đình trệ, nhất là doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, hàng không, vận tải...

Do đó, Bộ Tài chính nhận định cần tiếp tục có chính sách hỗ trợ của Nhà nước để giúp doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh, khôi phục sản xuất kinh doanh.

Theo Bộ Tài chính, dự kiến số thu ngân sách nhà nước giảm khoảng 1.000 tỉ đồng khi thực hiện đề xuất này.

Trong năm 2020, Bộ Tài chính đã giảm mức thu của các khoản phí, lệ phí nói trên, trong đó chủ yếu giảm phí trong lĩnh vực giao thông vận tải như phí sử dụng đường bộ; phí, lệ phí hàng không...

Đến cuối năm 2020, Bộ Tài chính đã báo cáo và được Thủ tướng chấp thuận cho phép tiếp tục giảm các khoản phí, lệ phí đến hết tháng 6 năm nay.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem