Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn vai, dân tộc vươn mình
Năm mới 2025: Cấp thiết gỡ "nút thắt của nút thắt" để đất nước vươn vai, dân tộc vươn mình
Nguyễn Tuyền
Thứ tư, ngày 01/01/2025 11:00 AM (GMT+7)
Tinh gọn bộ máy và sắp xếp lại cơ chế quản lý được xác định là bước đi quan trọng nhằm tháo gỡ các "nút thắt" lớn, giúp nền kinh tế vận hành hiệu quả, hiệu lực và có tính bền vững. Đây là cách để bộ máy thực sự trở thành công cụ hỗ trợ và kiến tạo cho sự phát triển.
Nhiều chuyên gia kỳ vọng rằng, với quyết tâm cao của toàn hệ thống chính trị, việc tháo gỡ các nút thắt sẽ trở thành một cuộc cách mạng triệt để, thay đổi tư duy, cách nghĩ và phương thức quản lý. Quan trọng hơn, điều này sẽ tạo ra động lực tăng trưởng kinh tế mới, góp phần hiện thực hóa các mục tiêu chiến lược của đất nước vào các mốc quan trọng năm 2030 và 2045.
70% chi ngân sách cho chi thường xuyên: Bộ máy "ngốn tiền", rào cản đổi mới
Giai đoạn 2010-2020, chi thường xuyên chiếm 68-70% tổng chi ngân sách và trong ba năm gần đây, tỷ lệ này giảm nhưng chi tuyệt đối vẫn rất cao, từ 800.000 tỷ đồng đến hơn 1 triệu tỷ đồng, tương ứng 38-45 tỷ USD mỗi năm, tạo áp lực lớn lên ngân sách.
Cụ thể, năm 2022, tổng chi ngân sách đạt 1,75 triệu tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên là 1,03 triệu tỷ đồng, tương đương 58,8%, chi đầu tư phát triển đạt 615.600 tỷ đồng, tương ứng 35%, và chi trả nợ lãi là 96.000 tỷ đồng, chiếm 5%.
Trong năm 2023, tổng chi ngân sách giảm nhẹ còn 1,73 triệu tỷ đồng, với chi thường xuyên đạt 1,05 triệu tỷ đồng, tương ứng 60,6%, chi đầu tư phát triển giảm còn 579.800 tỷ đồng, chiếm 33%, và chi trả nợ lãi là 90.100 tỷ đồng, tương ứng 5,2%.
Đối với năm 2024, dự toán chi ngân sách đạt 2 triệu tỷ đồng, trong đó chi thường xuyên ước tính 1,172 triệu tỷ đồng, chiếm 58,6%, chi đầu tư phát triển dự kiến là 726.700 tỷ đồng, tương ứng 36,3%, và chi trả nợ lãi là 102.900 tỷ đồng, tương ứng 5,1%.
Như vậy, trong ba năm gần nhất, chi thường xuyên duy trì ở mức 58-60% tổng ngân sách, giảm so với giai đoạn trước nhưng chi thực tế vẫn rất cao, dao động từ 39-45 tỷ USD mỗi năm.
Nếu tỷ lệ chi thường xuyên được giảm xuống còn 40-50% tổng chi ngân sách, tương ứng khoảng 600.000 tỷ đồng đến 700.000 tỷ đồng mỗi năm, điều này sẽ tạo điều kiện để tăng tỷ trọng chi ngân sách cho đầu tư phát triển và trả nợ, nhất là trong bối cảnh vốn vay nước ngoài của Việt Nam đang đến kỳ hạn thanh toán, bao gồm nhiều khoản cần phải đáo hạn sớm.
Theo báo cáo từ Quyết định số 260/QĐ-TTg về phê duyệt kế hoạch vay và trả nợ công năm 2024 cùng chương trình quản lý nợ công giai đoạn 2024-2026 (phê duyệt tháng 3/2024), tổng số nợ cần thanh toán lên tới 1,1 triệu tỷ đồng, trong đó trả nợ trực tiếp là hơn 976.000 tỷ đồng và trả nợ vay lại là hơn 126.400 tỷ đồng.
Áp lực trả nợ đang đè nặng lên ngân sách, với bình quân mỗi năm chi trả nợ có thể lên đến gần 400.000 tỷ đồng — một con số gấp 3 lần mức chi trả nợ trong những năm trước đây. Điều này đòi hỏi cần tiết giảm chi thường xuyên để bổ sung nguồn lực cho các nhiệm vụ quan trọng khác, như đầu tư phát triển và chi trả nợ.
Trao đổi với Dân Việt, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định rằng gánh nặng ngân sách quá lớn đã khiến Việt Nam rơi vào tình cảnh "giật gấu, vá vai" trong suốt nhiều năm. Việc đổi mới và cải cách khu vực kinh tế trở nên rất khó khăn, đòi hỏi một sự cải cách đồng bộ từ thể chế đến phương thức quản lý.
Theo bà Lan, để thực hiện một cuộc cách mạng thực sự, cần phá vỡ tư duy coi Nhà nước như "bình sữa" để hưởng ngân sách theo kiểu "ngồi mát ăn bát vàng" hoặc biến ngân sách thành "nơi trú ẩn an toàn".
Đổi mới là tất yếu như "thay quần áo" khi trưởng thành
Việc đổi mới, sắp xếp lại bộ máy không phải là vấn đề mới, mà đã được thực hiện từ nhiều năm trước, trước khi Trung ương Đảng cụ thể hóa tại Nghị quyết 18/2017. Từ năm 2007, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132 về chính sách tinh giản biên chế, tiếp nối là Nghị định 108/2014 và Nghị định 29/2023, với mục tiêu tinh gọn bộ máy, áp dụng đến năm 2030.
Từ năm 2015 đến ngày 15/12/2023, cả nước đã tinh giản 84.140 biên chế, trong đó 5.740 người ở trung ương và 78.400 người ở địa phương. Tuy nhiên, kết quả này vẫn hạn chế khi phần lớn là người nghỉ hưu trước tuổi, hưởng hỗ trợ từ 250-300 triệu đồng, dẫn đến hiệu quả tinh giản thực sự chưa cao.
Ở góc độ kinh tế, việc cải cách thể chế và môi trường kinh doanh dù được Chính phủ thực hiện quyết liệt qua Nghị quyết 19 (2014-2019), vẫn chưa đạt hiệu quả tương xứng với kỳ vọng, do đây được xem là lĩnh vực khó và đầy thách thức.
Trao đổi với Dân Việt, TS. Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nhấn mạnh rằng Nghị quyết 19 của Chính phủ, được xây dựng từ năm 2014 và duy trì đến năm 2019 trước khi đổi tên thành Nghị quyết 01 và 02, đã đưa ra nhiều chính sách cải cách từ vi mô đến vĩ mô. Một trong những điểm nổi bật là việc xóa bỏ phân quyền chính sách và loại bỏ các "rừng" Thông tư, Nghị định, cùng với các quy định cài cắm lợi ích giữa các bộ, ngành. Kết quả là nhiều Thông tư, Nghị định đã được bãi bỏ hoặc điều chỉnh, trong đó chỉ có Chính phủ được quyền ban hành Nghị định, còn các bộ chuyên ngành chỉ được phép ra Thông tư hướng dẫn.
Tuy nhiên, TS. Cung khẳng định rằng, dù các biện pháp đã được thực hiện quyết liệt và có sự tham gia của các tổ chức quốc tế, nhưng mới chỉ giải quyết được một phần vấn đề: cảnh báo và loại bỏ các quy định bất cập. Việc cài cắm "quyền" và "lợi ích" trong hệ thống phân tầng hành chính vẫn chưa được xử lý triệt để. Điều này dẫn đến tình trạng chồng chéo quản lý giữa các bộ, hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm, làm giảm hiệu lực và hiệu quả của chính sách.
Theo TS. Cung, nếu không thay đổi hệ thống quản lý hiện tại, ngân sách Nhà nước sẽ tiếp tục gánh nặng duy trì một bộ máy cồng kềnh, trong khi hiệu quả hoạt động lại trì trệ. Để trở thành quốc gia công nghiệp và phát triển, Việt Nam cần tăng trưởng đi liền với hiệu quả tăng trưởng. Muốn vậy, cần xây dựng một hệ thống quản lý hiệu quả, linh hoạt, sát thực tế và đi trước thời cuộc.
Ông nhấn mạnh rằng các quốc gia phát triển đã trải qua chặng đường dài hơn Việt Nam và có một công thức chung mà Việt Nam cần học hỏi: Xây dựng bộ máy tinh gọn, nhẹ, hiệu quả và sáng tạo. TS. Cung kết luận rằng không thể đạt được sự phát triển bền vững nếu không đổi mới và bắt kịp với thực tiễn, thậm chí phải đi trước thực tiễn.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI, chia sẻ rằng đổi mới và cải cách cần được thực hiện thường xuyên, liên tục, giống như việc thay đổi quần áo hàng ngày để phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
LS Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI: Đổi mới, cải cách là việc cần làm thường xuyên, liên tục, giống như ta thay quần, đổi áo mỗi ngày và theo từng độ tuổi phát triển.
"3-5 năm trước, chưa ai nghĩ ra chợ không mang tiền, chỉ mang điện thoại thôi cũng mua được hàng như bây giờ. Mấy năm trước người dân còn phải xếp hàng thanh toán tiền điện, nước tiền phí các loại, nhưng nay, tất cả được xử lý bằng công nghệ. Quá trình chuyển đổi mau lẹ của nền kinh tế, khiến quản lý phải thay đổi và vượt lên", LS Đức nói với Dân Việt.
Theo ông này, việc bộ máy cồng kềnh, tăng quản kiểm mọi là hình thức quản lý lạc hậu, thậm chí kéo tụt sự phát triển của xã hội, kìm hãm sự vận động. Vì vậy, "gỡ nút thắt là yêu cầu bứt thiết đặt ra của cuộc sống và vận động của lịch sử thế giới".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.