Sáng 20/12, Trường Đại học Thuỷ Lợi đã diễn ra Hội thảo "Nâng cao chất lượng Công tác sinh viên và văn hoá học đường trong các trường Đại học, Cao Đẳng trong giai đoạn hiện nay".
Tại Hội thảo "Nâng cao chất lượng Công tác sinh viên và văn hoá học đường trong các trường Đại học – Cao Đẳng trong giai đoạn hiện nay" có sự tham gia của GS.TS. Nguyễn Trung Việt – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ Lợi; ThS. Đặng Hương Giang – Trường Đại học Thuỷ Lợi; TS. Nguyễn Thị Ngọc Liên – Trường DHSP Hà Nội; TS. Phạm Thị Hải Yến – Trường Đại học Thuỷ Lợi. TS. Trần Bách Hiếu – Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội; ThS. Phạm Gia Thanh – Trường Đại học Lâm nghiệp; ThS. Vũ Văn Hải – Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Quốc gia Hà Nội; ThS. Phùng Trung Hiếu – Trường ĐH Văn hoá Hà Nội.
Hội thảo có 2 nội dung chính: Làm thế nào để tiếp tục nâng cao chất lượng của nhà trường và sinh viên nhằm đáp ứng được với nhu cầu của xã hội; Văn hoá ứng xử của sinh viên tại Đại học Thuỷ Lợi của sinh viên với giảng viên, sinh viên với sinh viên và sinh viên với xã hội".
Mở đầu hội thảo, ông Nguyễn Trung Việt – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Thuỷ Lợi khẳng định: "Phong trào công tác sinh viên tại trường Đại học Thuỷ Lợi có nhiều điểm sáng. Đặc biệt, trong những năm gần đây công tác phong trào sinh viên tại trường rất bùng nổ. Sinh viên của trường đã đạt rất nhiều thành tựu từ kết quả học tập đến các phong trào ngoại khoá".
Tuy nhiên, tại Trường Đại học Thuỷ Lợi cũng như các trường Đại học – Cao đẳng khác vẫn còn tồn tại nhiều tình trạng sinh viên chưa ứng xử đúng với môi trường học tập. Các sinh viên còn lười học, tình trạng sinh viên bị cảnh báo học vụ tại trường còn tồn tại rất nhiều.
Tại hội thảo, đã có 07 bài tham luận được thuyết trình từ các chuyên gia, diễn giả được mời về từ các trường đại học. Trong báo cáo "Nâng cao văn hóa học đường tại các trường cao đẳng, đại học hiện nay (thực tế tại Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội" của TS. Trần Bách Hiếu – Trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn cho biết: "Nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc hình thành và phát triển nhân cách cho người học. Môi trường học đường là cái nôi để sinh viên học tập và trưởng thành ở cả hai phương diện: Tri thức và đạo đức, lối sống. Do vậy, trước hết, việc quan trọng là cần nâng cao văn hóa học đường cho sinh viên tại các trường cao đẳng, đại học". Bên cạnh đó, TS. Trần Bách Hiếu cũng đưa ra những hạn chế còn tồn đọng tại các trường và những giải pháp nhằm nâng cao văn hoá học đường.
TS. Nguyễn Thị Ngọc Liên – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đưa ra quan điểm của bản thân về giáo dục đạo đức, lối sống cho sinh viên. Bà Liên cho rằng: Giới trẻ hiện nay Thông minh, năng động, ham học hỏi, nắm bắt cái mới, có ước mơ và đam mê, nhanh chóng thay đổi để thích ứng, làm chủ được công nghệ. Nhưng giới trẻ đã và đang mất quá nhiều thời gian trên thế giới mạng, Internet mà không chú trọng dành thời gian để phát triển bản thân.
Giáo dục đại học là cái nôi đào tạo nghề nghiệp - dần chuyển trọng tâm không chỉ tập trung vào đào tạo tay nghề của nguồn nhân lực mà còn tập trung vào yếu tố đạo đức, lối sống. Nhiều nghiên cứu trên thế giới về giáo dục đạo đức ở bậc Đại học khẳng định tầm quan trọng của việc "dạy người"- đạo đức được coi là nền tảng cơ sở để từ đó các năng lực nghề nghiệp được hình thành. Các nghiên cứu chỉ ra khía cạnh đạo đức, khả năng ra quyết định đạo đức là điều mà các nhà tuyển dụng mong đợi ở các ứng viên và là yếu tố quan trọng quyết định mức độ thành công của họ trong nghề nghiệp sau này.
Sau 3 tiếng thuyết trình và thảo luận, bạn Lê Minh Thư – sinh viên Trường Đại học Thuỷ Lợi chia sẻ:"Qua buổi hội thảo, em thấy bản thân cần có trách nhiệm rèn luyện đạo đức, lối sống văn hoá văn minh trong môi trường Đại học trang nghiêm. Bên cạnh rèn luyện về tri thức, đạo đức cũng là một yếu tố vô cùng quan trọng trong việc quyết định công việc tương lai sau này của em. ".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.