Nâng tầm nông thôn mới, một xã của TP.Đà Nẵng chuyển mình lên đô thị

Trần Hậu - Tuyết Nhung Chủ nhật, ngày 21/04/2024 06:28 AM (GMT+7)
Thời gian qua, xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đang tập trung hoàn thiện hạ tầng, đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, tạo bước đệm để địa phương tiến lên đô thị.
Bình luận 0

Diện mạo đô thị mới

Ông Trần Đại Nghĩa – Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết: "Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM), thời gian qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền xã Hòa Phong đã thực hiện xây dựng NTM đồng bộ, song song với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa và đến nay, địa phương đã đạt được nhiều thành tựu trong xây dựng NTM gắn với phát triển đô thị văn minh – hiện đại".

Tổng kinh phí triển khai đầu tư trong năm 2023 là 19,3 tỷ đồng. Trong đó, thành phố và huyện đầu tư 18,8 tỷ đồng, kinh phí xã 172 triệu đồng, nhân dân đóng góp 348 triệu đồng.

Nâng tầm nông thôn mới, một xã của TP.Đà Nẵng chuyển mình lên đô thị- Ảnh 1.

Thương mại – dịch vụ là kinh tế mũi nhọn của xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng). Ảnh: T.H.

Ông Nghĩa cho biết thêm, tranh thủ sự quan tâm đầu tư của cấp trên, xã Hòa Phong phối hợp và tổ chức triển khai kịp thời các công trình, dự án chủ yếu trên địa bàn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng NTM và phát triển xã Hòa Phong theo hướng đô thị. 

Đề xuất quy hoạch chi tiết điểm khu dân cư Túy Loan Đông 1, Túy Loan Đông 2, Dương Lâm 1 và Bồ Bản; phối hợp lập quy hoạch phân khu đô thị huyện lỵ Hòa Vang; công bố quy hoạch QL14B; hoàn thiện đồ án quy hoạch chung của xã chờ phê duyệt.

Cùng với đó, xã thường xuyên theo dõi, phối hợp quản lý 12 dự án đã và đang được đầu tư xây dựng trên địa bàn; chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý các vướng mắc trong quá trình thi công nhằm đảm bảo công tác sản xuất, giao thông nông thôn và đời sống sinh hoạt cho nhân dân.

Nâng tầm nông thôn mới, một xã của TP.Đà Nẵng chuyển mình lên đô thị- Ảnh 2.

Những tuyến đường mẫu về văn hóa, văn minh đô thị được xã Hòa Phong nhân rộng. Ảnh: T.H.

Vận động bàn giao mặt bằng đối với các dự án Quảng Xương – Hợp tác xã Dịch vụ sản xuất nông nghiệp Hòa Phong 2, tuyến An Phước – Nam Thành, Kè sông Túy Loan; phối hợp thực hiện công tác đo đạc, kiểm đếm, xác nhận nguồn gốc đất và tài sản gắn liền trên đất gồm các dự án trung tâm hành chính xã Hòa Phong, đường QL14B, kè sông Yên, trạm biến áp 110KV và đấu nối....

Trong năm 2023, xã đã tập trung giải phóng mặt bằng vật kiến trúc, cây cối cho thi công 1.213m đường giao thông nội đồng, 966m đường giao thông kiệt xóm; hoàn thành nâng cấp khu thể thao thôn Dương Lâm 2, Cẩm Toại Tây, xử lý ngập úng Túy Loan Đông 2; tổ chức nạo vét 10,95km kênh mương phục vụ sản xuất nông nghiệp và đang triển khai xây dựng nhà văn hóa thôn Khương Mỹ.

Nâng tầm nông thôn mới, một xã của TP.Đà Nẵng chuyển mình lên đô thị- Ảnh 3.

Trường học tại Hòa Phong được quan tâm đầu tư. Ảnh: T.H.

Trên địa bàn 13 thôn, phong trào Ngày Chủ nhật xanh – sạch – đẹp được duy trì thực hiện, các tuyến đường được trồng cây xanh, mồ mả được di dời ra khu dân cư, các vấn đề bức xúc về vệ sinh môi trường được khắc phục.... Tuyến đường Quảng Xương được xây dựng thành tuyến đường mẫu về văn hóa, văn minh đô thị để nhân rộng trên địa bàn huyện.

Qua đó, cơ sở hạ tầng được đầu tư khang trang, thúc đẩy kinh tế - xã hội của địa phương phát triển, giúp bộ mặt nông thôn Hòa Phong thay đổi toàn diện, đường làng, ngõ xóm sáng – xanh – sạch – đẹp, cuộc sống ngày càng văn minh, hiện đại.

Nâng tầm nông thôn mới, một xã của TP.Đà Nẵng chuyển mình lên đô thị- Ảnh 4.

Cơ sở hạ tầng ngày càng khang trang là nền tảng để Hòa Phong chuyển mình tiến lên đô thị. Ảnh: T.H.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục – thể thao được tổ chức sôi nổi, thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Công tác an sinh xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội của địa phương luôn được đảm bảo.

Kinh tế chuyển dịch mạnh mẽ

Ông Đặng Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết, bên cạnh việc đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị, những năm qua xã Hòa Phong luôn đẩy mạnh phát triển kinh tế để nâng cao thu nhập cho người dân. Nhờ vậy, kinh tế địa phương đã có những bứt phá, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch mạnh mẽ theo định hướng lấy lĩnh vực thương mại – dịch vụ, tiểu thủ công nghiệp làm trọng tâm, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa.

Tổng giá trị sản xuất toàn nền kinh tế của xã Hòa Phong năm 2023 ước đạt 863,8 tỷ đồng, tốc độ tăng là 10,6%. Trong đó, giá trị sản xuất ngành thương mại – dịch vụ ước đạt 456,08 tỷ đồng; tiểu thủ công nghiệp ước đạt 319,14 tỷ đồng; nông nghiệp ước đạt 88,6 tỷ đồng.

Nâng tầm nông thôn mới, một xã của TP.Đà Nẵng chuyển mình lên đô thị- Ảnh 5.

Khu phố chợ đêm Túy Loan điểm sáng trong phát triển kinh tế của xã Hòa Phong. Ảnh: T.H.

Địa phương luôn quan tâm động viên, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia đầu tư phát triển sản xuất như: sản xuất vật liệu xây dựng, hàng gỗ, mây tre xuất khẩu, sửa chữa cơ khí, chế biến nông sản... nhằm giải quyết lao động, tăng giá trị sản xuất.

Các hoạt động thương mại – dịch vụ được mở rộng, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, vui chơi giải trí của người dân. Hiện nay, tổng số cơ sở sản xuất kinh doanh cá thể trên địa bàn xã là 1.253 hộ, phát triển thêm một số cơ sở mới có quy mô như siêu thị mini, phòng khám đa khoa, cơ sở kinh doanh vật tư, sản xuất chế biến gia dụng, nhà hàng, quán ăn... tập trung chủ yếu tại tuyến đường Quảng Xương.

Ngoài ra, Khu phố đêm Túy Loan cũng hoạt động hiệu quả, khai thác nhiều loại hình dịch vụ vui chơi giải trí mới thu hút thực khách. Làng nghề làm bánh tráng truyền thống Túy Loan, vùng rau an toàn Túy Loan mỗi năm thu hút hàng nghìn lượt học sinh, sinh viên đến tham quan, trải nghiệm.

Nâng tầm nông thôn mới, một xã của TP.Đà Nẵng chuyển mình lên đô thị- Ảnh 6.

Một góc xã Hòa Phong hôm nay. Ảnh: T.H.

Đầu năm 2023, Hòa Phong được thành phố công nhận sản phẩm OCOP 3 sao đối với sản phẩm Gà Kê Sơn, nấm đông trùng hạ thảo và nấm linh chi, đăng ký mới đối với sản phẩm rượu đông trùng hạ thảo.

Về nông nghiệp, xã tiếp tục mở rộng diện tích đất sản xuất lúa hữu cơ, khôi phục gần 5ha diện tích đất nông nghiệp bỏ hoang tại các thôn Cẩm Toại Đông, Bồ Bản, Khương Mỹ.

Các mô hình sản xuất rau Túy Loan, ớt Bồ Bản, gà Kê Sơn, cá nước ngọt tiếp tục phát triển ổn định. Trong đó, Hợp tác xã rau Túy Loan có 1 sản phẩm OCOP 3 sao và 1 sản phẩm OCOP 4 sao được tiêu thụ ở các siêu thị, cửa hàng thực phẩm an toàn, trường học chất lượng cao Sky-Line, siêu thị dệt may Hoà Thọ và 12 cửa hàng trong thành phố....

Nâng tầm nông thôn mới, một xã của TP.Đà Nẵng chuyển mình lên đô thị- Ảnh 7.

Các mô hình sản xuất rau Túy Loan, ớt Bồ Bản, gà Kê Sơn, cá nước ngọt được Hòa Phong tiếp tục duy trì và phát triển. Ảnh: T.H.

Các mô hình chăn nuôi cá theo hướng an toàn sinh học như cá diếc, cá thát lát cườm đang được thành phố quan tâm đầu tư, hỗ trợ người dân chuyển đổi sản xuất.

Theo ông Thành, việc đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã giúp thu nhập của người dân ngày càng tăng, đến nay thu nhập bình quân đầu người của xã Hòa Phong ước đạt 63,8 triệu đồng/năm.

Thực hiện chủ đề năm 2023 "tập trung hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV", Hòa Phong hiện nay còn 2 tiêu chí chưa đạt là cơ sở hạ tầng thương mại và tỷ lệ đường được chiếu sáng.

"Trong năm 2024, xã sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng, khai thác thế mạnh địa phương để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu xây dựng đạt 1-2 thôn thông minh, xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và hoàn thành các tiêu chí để xã tiến lên phường...", ông Trần Đại Nghĩa – Chủ tịch UBND xã Hòa Phong cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem