Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Hoàn, thôn Cầu Đất, xã Thành Sơn chủ của cây gạo, tính đến nay cây gạo của gia đình trồng được 40 năm, mặc dù ở vườn đối diện cũng có một cây gạo khác có cùng "tuổi đời" nhưng không hiểu lý do gì mà các đàn ong không chọn tá túc mà lại tìm đến cây gạo của gia đình bà để "định cư" từ 5 năm nay.
Cây gạo rực màu đỏ. Ảnh: Rạng Đông
Bà Hoàn nhớ lại, năm đầu tiên chỉ có 3 đàn về trú ngụ, thế rồi những năm tiếp theo số đàn tăng lên rất nhanh, riêng năm 2017 có tới 46 đàn, năm 2018 có hơn 40 đàn. Thường thì từ tháng 4 đến tháng 5, các đàn ong bắt đầu về làm tổ, bởi đây là thời điểm nắng ấm, đến tháng 10 chúng lại bay đi tránh rét. Năm nay đàn ong về làm tổ sớm hơn mọi năm lại đúng dịp hoa gạo nở nên nhìn rất đẹp, đến thời điểm hiện tại đã có gần 30 tổ ong trên cây. Hàng ngày khách qua lại tuyến đường này đều dừng lại trầm trồ, chiêm ngưỡng, có người thấy lạ và đẹp còn chụp cả ảnh để lưu lại làm kỷ niệm.
Hai cây gạo gần nhau nhưng chỉ có một cây đàn ong chọn làm nơi trú ngụ. Ảnh: Rạng Đông
Ông Lô Ánh Hồng - Chủ tịch UBND xã Thành Sơn cho biết: Việc những năm gần đây cây gạo của bà Nguyễn Thị Hoàn ở thôn Cầu Đất có rất nhiều đàn ong mật về trú ngụ đã trở nên quen thuộc với người dân địa phương. Năm nay các đàn ong về sớm hơn mọi năm, lại đúng mùa hoa gạo nở nên nhìn rất đẹp. Do cây gạo của gia đình bà Hoàn nằm trên trục tỉnh lộ 534 đi các xã Bình Sơn, Thọ Sơn (huyện Anh Sơn), xã Tiên Kỳ (huyện Tân Kỳ) nên đã gây được sự chú ý của rất nhiều người qua đường.
Cây gạo có đến 30 đàn ong đến làm tổ. Ảnh: Rạng Đông
Theo quan sát của chúng tôi, trong số hơn 30 tổ ong mật, tổ lớn nhất có chiều dài từ 1,3 - 1,5 m, rộng gần 1m; tổ nhỏ nhất dài gần 0,5 m, rộng 0,3 m. Và bà Hoàn cũng cho biết, số tổ ong sẽ còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới vì hàng ngày qua theo dõi lại thấy những đàn ong mới tiếp tục về xây tổ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.