Nghề gác kèo ong vùng rừng U Minh đất Mũi

Lê Gia Bảo - Trần Trung Thứ bảy, ngày 19/09/2015 11:25 AM (GMT+7)
Vùng rừng U Minh Hạ tỉnh Cà Mau nổi tiếng mật ong rừng bởi nơi đây bạt ngàn cánh rừng tràm trổ hoa, đơm mật. Giờ đang là mùa của những người thợ nuôi ong “hái lộc” từ nghề gác kèo ong.
Bình luận 0

Xe chúng tôi xuôi đường theo dòng sông Trẹm, nước sông mùa này đục ngàu cuốn theo những đám lá tràm trôi xuôi. Dọc hai bên bờ sông là những cánh rừng tràm bạt ngàn đang mùa trổ bông, góp phần tạo lên khung cảnh thơ mộng của xứ rừng nơi đất Mũi. Đâu đây trong những cánh rừng tràm lấp ló bóng dáng những tốp người “ăn ong” từ nghề gác kèo ong.

Trong lâm phần U Minh Hạ, bà con chủ yếu sống nhờ rừng. Thu hoạch gỗ tràm thì phải đợi 5 - 7 năm mới được 1 lần. Trong thời gian chờ cây sinh lời, người dân chuyển qua khai thác nuôi ong rừng tràm. Mùa hoa tràm nở rộ bây giờ chính là lúc dân hành nghề “ăn ong” miệt rừng tràm Cà Mau làm ăn.

img

Cánh đồng rừng U Minh Hạ tỉnh Cà Mau.

Theo người dân địa phương, hương mật ong rừng U Minh Hạ dần trở thành hương thơm đặc trưng ít nơi có được. Cứ kết thúc mùa mưa, vào khoảng tháng Mười là anh em lại tay xách dao, chân không “lủi” vào rừng gác kèo ong, nguồn lợi này kéo dài đến hết mùa khô, khoảng tháng Sáu năm sau.

img

Nghề săn bắt và nuôi ong rừng lấy mật giúp nhiều người dân có thêm thu nhập.

img

Vắt mật ong rừng.

Anh Nguyễn Hùng An, thợ rừng đã có nhiều năm kinh nghiệm hành nghề gác kèo ong chia sẻ: Hiện nay nguồn mật đã có thu lai rai, nhưng chúng tôi đang dưỡng đến gần Tết thu hoạch cho giá bán cao hơn. Với hàng chục kèo ong, mỗi năm anh An thu về khoảng 400 lít mật ong rừng. Mỗi lít mật bán lại cho Công ty U Minh hạ cũng được hơn 200.000 đồng, lời không dưới 60 triệu đồng/năm. Từ đầu vụ tới nay, anh An dưỡng nguồn mật là chủ yếu, chỉ thu 5 tổ ong, được trên gần 30 lít mật.

Theo tiết lộ của các thợ “ăn ong”, chất lượng mật tốt nhất vào khoảng thời gian gần Tết cho đến đầu mùa mưa năm sau. Diện tích rừng tràm U Minh Hạ của Cà Mau có trên 42.000ha diện tích đất có rừng. Ước cho sản lượng mật mỗi năm từ 30.000-50.000 lít, lượng mật trên chủ yếu do người làm nghề gác kèo ong khai thác.

Tháng 8-2011, Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận, công nhận nhãn hiệu tập thể “Mật ong U Minh Hạ”. Hội Nông dân huyện U Minh vinh dự là cơ quan đại diện chủ sở hữu nhãn hiệu trên, tiến hành tuyên truyền nâng cao ý thức của nhân dân, chung tay bảo vệ thương hiệu tập thể.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem