Nghệ sĩ áo lính hơn 40 năm trăn trở cống hiến cho âm nhạc
Nghệ sĩ áo lính hơn 40 năm trăn trở cống hiến cho âm nhạc
Ngọc Huệ
Thứ tư, ngày 11/05/2022 10:00 AM (GMT+7)
Suốt chặng đường gần 40 năm cống hiến cho nghệ thuật, Đại tá, Nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy (Hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) luôn dành trọn vẹn lý tưởng cho Quân đội, tình yêu cho âm nhạc.
Các ca sĩ nói về nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy. Clip: Ngọc Huệ
Từ thiếu sinh quân 13 tuổi đến nhạc sĩ tài danh
Nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy sinh ra ở mảng đất đầy nắng gió Đức Yên (Thị trấn Đức Thọ, huyện Đức Thọ), trong gia đình không có truyền thống âm nhạc. Bố là giáo viên dạy Hóa và mẹ giáo viên dạy Văn. Nhưng ít ai biết rằng, bố ông chính là người đã đặt những viên gạch đầu tiên để "người nghệ sĩ áo lính" xây đắp nên tình yêu to lớn dành cho âm nhạc.
Những chất liệu dân gian gắn liền với quê hương nguồn cội, những câu hò, điệu ví thân thương và cảnh sắc hữu tình, nên thơ của bờ sông Lam sau này đã được người lính, nghệ sĩ tài hoa ấy thổi hồn một cách tự nhiên vào trong sáng tác âm nhạc.
"Những câu chuyện dung dị về lịch sử và con người miền Trung kiên cường, chân chất và trọng nghĩa tình qua lời kể của bố, cùng những câu hát, câu hò ví dặm đậm đà bản sắc quê hương như đã đi sâu vào cuộc sống, tư duy và con người tôi, nhen nhóm, nuôi dưỡng, bồi đắp tình yêu tôi dành cho quê hương, cho con người và cho âm nhạc…", nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy thân chia sẻ.
Năm 1983, khi mới 13 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy nhập ngũ, trở thành thiếu sinh quân và theo học chuyên ngành Violin tại Trường Nghệ thuật Quân đội (nay là Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội).
Năm 1995, từ một giảng viên cộng tác, ông đảm nhận vai trò quản lý tại Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội. Ông truyền cảm hứng để học trò phát huy thế mạnh, khả năng sáng tạo và luôn đặt mục tiêu "đào tạo điều Quân đội và xã hội cần" lên hàng đầu.
Người thầy tận tâm luôn nhắc nhở thế hệ học trò: "Một tác phẩm âm nhạc phải xuất phát từ trái tim nhân văn, biết rung cảm trước cuộc sống, và phải có thông điệp gửi gắm, cảm xúc chân thực thì tác phẩm mới chinh phục được công chúng".
Ca sĩ Tố Hoa - người từng là học trò của nhạc sỹ Thủy cho biết, cô rất trăn trở phải làm sao để hát được những ca khúc dân gian, thính phòng. Và các tác phẩm của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy đều hướng tới những điều này.
Sự tận tâm của người thầy đã giúp cô thể hiện những ca khúc khó một cách tự tin và được công chúng đón nhận. "Chỉn chu, uy tín và nhân hậu là điều mà tôi cũng như các nghệ sĩ, giảng viên và học viên Nhà trường cảm nhận về thầy giáo Xuân Thủy", ca sĩ Tố Hoa chia sẻ.
Ghi nhận những cống hiến trong sự nghiệp giáo dục đào tạo, năm 2014, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Trăn trở cống hiến cho âm nhạc
Trưởng thành dưới mái trường chiến sĩ, ông Nguyễn Xuân Thủy hiểu rõ tính kỷ luật của Quân đội có ảnh hưởng sâu sắc đến người làm nghệ thuật. Ông quan niệm, sáng tạo nghệ thuật là lao động rất nghiêm túc và khi người nghệ sĩ rèn luyện trong môi trường kỷ luật quân đội thì sự nghiêm túc, trách nhiệm đó càng được hoàn thiện hơn.
"Vào môi trường quân ngũ cũng là xác định tinh thần sẵn sàng chiến đấu và hy sinh nên bộ đội sống với nhau rất chan hòa, tình cảm. Đây cũng chính là tinh thần lạc quan rất cần thiết trong lao động nghệ thuật.
Thực chất, người lính rất lãng mạn, họ cũng có gia đình, người thương yêu và dù sống, làm việc trong môi trường kỷ luật quân đội nhưng họ vẫn có những tình cảm, thậm chí có thời điểm, tình cảm của người lính còn mãnh liệt, sâu sắc hơn rất nhiều so với người bình thường. Để từ đó, người chiến sĩ có thể viết nên những câu hát rất thơ, rất đời, rất đậm chất lính và hơi thở của cuộc sống", nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy tâm sự.
Từ lao động nghệ thuật cho đến công tác đào tạo, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy luôn tận tâm và nghiêm khắc với nghề. Khoác trên mình màu xanh áo lính hơn 40 năm, các đề tài sáng tác về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng giúp nhạc sỹ Nguyễn Xuân Thủy tạo dấu ấn riêng. Bên cạnh sáng tác ca khúc, ông còn thành công trong sáng tác khí nhạc, nhạc cho múa và chỉ huy dàn nhạc.
Với tâm hồn đa cảm, các ca khúc của ông đều rất dễ đi vào lòng người và dành được nhiều giải thưởng lớn, bằng khen trong các hội diễn, liên hoan toàn quốc, toàn quân. Dù viết ở thể loại trữ tình, dân gian, thính phòng cổ điển… mỗi ca khúc đều mang thông điệp ý nghĩa, dạt dào cảm xúc.
Có thể kể đến các ca khúc nổi bật gắn liền với sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy như: "Đôi miền sông quê", "Nhớ Bác", "Mây à! mây ơi!", "Tượng đài chiến thắng", "Lời ru nguồn cội"… Đặc biệt, trong đợt mưa lũ lịch sử, nhạc sĩ đã sáng tác ca khúc "Dậy về thôi đồng đội ơi" tưởng niệm 13 đồng chí hy sinh ở Rào Trăng.
Trong hành trình gần nửa thế kỷ gắn bó với Quân đội và âm nhạc, Đại tá, Nhà giáo ưu tú, nhạc sĩ Nguyễn Xuân Thủy vẫn luôn trăn trở, làm sao để đào tạo những thế hệ học trò giỏi trở thành đồng nghiệp, đồng đội, để cùng viết nên những tác phẩm nghệ thuật sống mãi trong lòng khán giả, đóng góp vào kho tàng Âm nhạc của Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.