Nghệ sĩ bị tước danh hiệu nghệ sĩ ưu tú trong trường hợp nào?

Quang Minh Thứ hai, ngày 31/05/2021 08:55 AM (GMT+7)
Theo luật sư, nghệ sĩ là người có nhiều đóng góp, cống hiến nổi bật và được trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, nghệ sĩ ưu tú vẫn có thể bị tước danh hiệu này.
Bình luận 0

Diễn viên, nghệ sĩ… là những người được xem xét trao danh hiệu

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết, "nghệ sĩ ưu tú" là danh hiệu vinh dự mà Nhà nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam trao tặng cho những người tham gia hoạt động biểu diễn nghệ thuật… 

Người được xét danh hiệu phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam, có phẩm chất đạo đức và tài năng nghệ thuật, có tinh thần phục vụ nhân dân, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.

Điều 64 Luật thi đua khen thưởng năm 2003 cũng quy định, người được xét tặng danh hiệu "nghệ sĩ nhân dân", "nghệ sĩ ưu tú" bao gồm: diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, hoạ sĩ, phát thanh viên hoạt động trong các lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật.

Còn tại Điều 9 Nghị định 89/2014/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 40/2021/NĐ-CP quy định về danh hiệu nghệ sĩ ưu tú dành cho những cá nhân, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật khi đạt các tiêu chuẩn cụ thể như sau:

Trường hợp nào nghệ sĩ bị tước danh hiệu nghệ sĩ ưu tú? - Ảnh 1.

Trước đó, nhiều người được trao danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân.

Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương; có phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ; 

Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên; riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 10 năm trở lên.

Ngoài ra, phải đạt một trong các tiêu chí: có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân); có ít nhất 01 giải Vàng quốc gia và 02 giải Bạc quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân); có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia (nếu không có 01 giải Vàng là của cá nhân).

Như vậy, có thể nói danh hiệu nghệ sĩ ưu tú là danh hiệu cao quý của người làm nghệ thuật. Để có được danh hiệu này nghệ sĩ phải phấn đấu nỗ lực không ngừng một thời gian rất dài, có nhiều thành tích và được công chúng ghi nhận, có các tiêu chí cụ thể theo quy định của Luật thi đua khen thưởng sẽ được phong tặng.

Vi phạm pháp luật sẽ bị tước bỏ danh hiệu nghệ sĩ ưu tú

Theo luật sư Cường, Điều 97 của Luật thi đua khen thưởng quy định, cá nhân được trao danh hiệu vinh dự của nhà nước mà vi phạm pháp luật có thể bị tước danh hiệu. 

Luật thi đua khen thưởng không quy định là vi phạm pháp luật ở mức độ xử phạt hành chính hay bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì nghệ sĩ bị tước danh hiệu.

Tuy nhiên, các văn bản hướng dẫn thi hành ghi rõ là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân có hành vi vi phạm pháp luật đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị phạt tù sẽ bị tước danh hiệu nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú.

Trường hợp nào nghệ sĩ bị tước danh hiệu nghệ sĩ ưu tú? - Ảnh 3.

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính Pháp.

Trường hợp người nào gian dối trong thủ tục để được xét công nhận danh hiệu nghệ sĩ ưu tú mà bị phát hiện cũng sẽ bị hủy bỏ danh hiệu.

Ngoài ra, theo khoản 1, Điều 79 Nghị định 91/2017/NĐ-CP cũng quy định về thủ tục, hồ sơ tước hoặc phục hồi danh hiệu. Cụ thể, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu vinh dự nhà nước mà vi phạm pháp luật hình sự, bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật và bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên bị tước danh hiệu vinh dự nhà nước.

"Như vậy, mặc dù trước đó nghệ sĩ là người có nhiều đóng góp, cống hiến nổi bật và được trao tặng danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân nhưng vẫn có thể bị tước danh hiệu trong các trường hợp: vi phạm pháp luật hình sự; bị tòa án xét xử bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật; bị tuyên án từ hình phạt tù có thời hạn trở lên", luật sư Cường nói.

Trước đó, ngày 25/ 5, Thanh tra Bộ VH-TT-DL nhận được đơn đề ngày 14/5/2021 của bà N.T.T.H., địa chỉ TP HCM, đề nghị xem xét thu hồi danh hiệu nghệ sĩ ưu tú của nghệ sĩ Hoài Linh, đồng thời cấm sóng các chương trình có sự xuất hiện của nghệ sĩ này.

Đại diện của Bộ VH-TT-DL xác nhận có công văn gửi Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM và cho hay đây là một đơn chuyển. Do thẩm quyền xử lý là TP HCM nên thanh tra Bộ chuyển về Sở Văn hóa và Thể thao TP HCM.

Theo quy định hiện hành, danh hiệu trao ở địa phương nào địa phương đó có thẩm quyền xử lý. Việc tước danh hiệu phải theo quy định pháp luật, chỉ khi nghệ sĩ vi phạm pháp luật thì mới xem xét việc tước danh hiệu.

Đại diện Bộ VH-TT-DL cho hay, hiện chưa có kết luận nào từ cơ quan chức năng kết luận nghệ sĩ Hoài Linh vi phạm pháp luật, vì vậy không có việc tước danh hiệu của ông.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem