Chủ đề nóng
Nghịch lý nhà ở xã hội: Vừa thiếu nhưng cũng vừa "ế"
Bài toán nhà ở xã hội: Cần đặt đâu để "đúng và trúng"?
Thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực trong việc ban hành chính sách nhằm thu hút doanh nghiệp tham gia phát triển nhà ở xã hội, cải thiện nguồn cung phân khúc nhà ở này. Tuy nhiên, hoạt động quản lý mua bán nhà ở xã hội bộc lộ nhiều bất cập khiến loại hình này dù thiếu nhưng vẫn bị "ế".
Chẳng hạn như Tổ hợp dự án nhà ở xã hội và dịch vụ thương mại AZ Thăng Long nằm trên huyện Hoài Đức do Công ty TNHH Bánh kẹo Thăng Long làm chủ đầu tư đã từng thông báo tiếp nhận hồ sơ mua nhà đợt thứ 27. Vị trí xa trung tâm, chất lượng xây dựng không đúng cam kết.. đã khiến nhiều người e ngại khi mua là ở đây.
Đây cũng là nghịch lý đang tồn tại khi thị trường Hà Nội vốn "khát" căn hộ chung cư giá rẻ, nhà ở xã hội.
Anh Nguyễn Văn Long, một người đã đến tìm hiểu dự án này cho biết, mức giá có thể chấp nhận được nhưng vì vị trí quá xa khu vực thành phố và cơ quan làm việc nên anh cần cân nhắc kỹ. Chưa kể, dự án này vướng nhiều lùm xùm về chất lượng xây dựng, tiến độ bàn giao nhà...

Được biết, từ lần mở bán đầu tiên vào năm 2015 đến lần mở bán thứ 26, dự án mới bán được 857 căn và cho thuê 183 căn. Còn khoảng 500 căn hộ chưa có người ở. Ảnh: Viết Niệm
Lý giải nguyên nhân chính khiến nhà ở xã hội xảy ra tình trạng "vừa thiếu, vừa "ế", ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, thời gian qua, một số chủ đầu tư đã chọn xây dựng nhà ở xã hội ở vị trí xa trung tâm tỉnh, thành phố dẫn đến nhiều dự án mở bán nhưng không có người mua.
Theo ông Châu, việc phát triển nhà ở xã hội cần đi đôi với sự đồng bộ về hạ tầng. "Chúng ta không thể chỉ xây nhà rồi bỏ mặc người dân tự xoay sở. Nếu một dự nhà ở xã hội cách trung tâm tới 30 - 35 km thì chắc chắn ít người muốn đến ở".
Ưu tiên nhà ở xã hội trước rồi mới đến nhà ở thương mại vì chính sách xã hội của chúng ta là như thế, phải xác định rất rõ điều này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh
Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với doanh nghiệp Nhà nước cuối tháng 2/2025, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chỉ đạo cần lưu ý nhà ở xã hội không có nghĩa là làm ở những chỗ đất "đầu thừa đuôi thẹo", những nơi "khỉ ho cò gáy", không làm được nhà ở thương mại thì làm nhà ở xã hội.
Với Hà Nội, nhà ở xã hội ở không chỉ tập trung ở Đông Anh là nơi còn nhiều đất, còn Nam Từ Liêm không còn nhiều đất thì không làm nhà ở xã hội ở đấy nữa. "Người ta ở Đan Phượng mà phải về Đông Anh thì không được, phải có khu nhà ở xã hội ở Đan Phượng", Thủ tướng phát biểu.

Bài toán nhà ở xã hội cần đặt ở đâu để "đúng và trúng". Ảnh: Viết Niệm
Tuy nhiên, quỹ đất trong nội đô còn rất ít nên bài toán quỹ đất vẫn là bài toán khó tìm ra đáp án. Trước đó, dù bộ luật đã quy định, những đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II và loại III dành 20% quỹ đất để làm nhà ở xã hội. Tuy nhiên, nhiều chủ đầu tư không lựa chọn xây dựng 20% quỹ đất này mà hoán đổi bằng cách nộp tiền để thay thế. Lý do được doanh nghiệp nhắc đến nhiều nhất đầu tiên là lợi nhuận nhà ở xã hội chỉ có 10% không đủ hấp dẫn và thứ hai là không phù hợp quy hoạch của dự án.
Bên cạnh việc thiếu quỹ đất và phân bổ nhà ở xã hội không hợp lý thì vấn đề làm sao để đảm bảo nhà ở đến đúng đối tượng cần. Hiện nay, quy trình xét duyệt vẫn còn kẽ hở, dẫn đến hiện tượng một số cá nhân không đủ điều kiện nhưng vẫn mua được nhà ở xã hội thậm chí sau đó chuyển nhượng trái phép để trục lợi.
Nhà ở xã hội cần minh bạch trong xét duyệt, chặn "quân xanh quân đỏ"
Chị Nguyễn Thị Xuân (36 tuổi, trú tại huyện Phú Xuyên, Hà Nội) chia sẻ: Gia đình chị không đủ giàu để mua nhà ở cao cấp nhưng lại chưa đến mức khó khăn để thỏa mãn điều kiện mua nhà ở xã hội.
Chị thấy rằng chính sách bỏ rơi rất nhiều gia đình thật sự cần nhà ở xã hội. Giá nhà thì tăng từng năm mà chính sách thì lại lỗi thời, khó tiếp cận.
Thừa nhận nghịch lý này đang thực sự tồn tại ở phân khúc nhà ở xã hội, ông Nguyễn Trí Hiếu, Chuyên gia kinh tế đề xuất mở rộng đối tượng thụ hưởng chính sách nhà ở xã hội. "Cả thập kỷ qua, nhiều dự án nhà ở xã hội có tình trạng bán hàng cho "người ngoài" theo kiểu "đi cửa sau", môi giới liên tục rao bán suất ngoại giao dẫn đến nhiều người có nhu cầu thật vẫn không thể sở hữu nhà ở xã hội.

Nhà ở xã hội cần minh bạch trong xét duyệt, chặn "quân xanh quân đỏ". Ảnh: Thái Nguyễn
Để khắc phục bất cập này, mang lại chốn an cư cho đúng đối tượng, ông Hiếu cho rằng cần các chính sách dài hạn, cùng với đó là cơ chế quản lý, giám sát để đảm bảo tính công bằng cho người dân, đặc biệt là những người dân thu nhập thấp.
Thậm chí, ông Hiếu đề nghị cần chế tài nghiêm khắc đối với các trường hợp lợi dụng kẽ hở mua nhà ở xã hội rồi cho thuê, mua bán lại để trục lợi. Nếu phát hiện vi phạm cần phải lập tức thu hồi và không khai danh tính, có cơ chế phạt để răn đe.
Để ngăn chặn vấn đề trên cùng với nghịch lý thiếu mà vẫn "ế" của phân khúc nhà ở xã hội, trên góc độ doanh nghiệp, đại diện Tổng Công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị (UDIC) đã từng kiến nghị lên Thủ tướng cần phải bổ sung thêm cơ chế và chính sách lợi nhuận để kích thích, tạo động lực cho doanh nghiệp tham gia làm nhà ở xã hội để giải tỏa "cơn khát" về nguồn cung cho thị trường.

Toạ đàm "Giải pháp đảm bảo có ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội" của Báo Nông thôn Ngày nay/Dân Việt tổ chức hứa hẹn sẽ đưa ra giải pháp trước mắt cũng như dài hạn để thúc đẩy thực hiện đề án này.
Góp phần truyền tải thông điệp của Chỉ thị số 34 của Ban Bí thư, Chính phủ cũng như thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, Báo NTNN/Dân Việt tổ chức buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề: "GIẢI PHÁP ĐẢM BẢO CÓ ÍT NHẤT 1 TRIỆU CĂN NHÀ Ở XÃ HỘI"
Tọa đàm với sự tham dự của đại diện Bộ Xây dựng; Bộ Nông nghiệp và Môi trường; chuyên gia tài chính - bất động sản; chuyên gia pháp lý độc lập;... cùng nhiều chuyên gia kinh tế - bất động sản và các doanh nghiệp.
Tọa đàm được tổ chức từ 8 giờ 30 phút - 11 giờ 30 phút ngày 1/4/2025.
Tin cùng chuyên mục
Tin nổi bật
Nhiều cổ phiếu bất động sản "nằm sàn" khi chứng khoán "rực lửa" vì tin thuế quan Tổng thống Mỹ Donald Trump áp
Tâm lý bán tháo lan rộng ngay vào phiên sáng ngày 3/4 hàng trăm cổ phiếu hiển thị giá sàn, VN-Index đánh "rơi" hàng chục điểm chỉ hơn 1 giờ giao dịch, cổ phiếu bất động sản cũng chịu giảm mạnh.