Người dân và doanh nghiệp háo hức khi chuyến bay đầu tiên đáp xuống sân bay Phan Thiết
Chuyến bay đầu tiên đáp xuống sân bay Phan Thiết: Người dân và doanh nghiệp nói gì?
Bùi Phụ
Thứ hai, ngày 22/07/2024 13:10 PM (GMT+7)
Sau khi chiếc máy bay quân sự đầu tiên của Trung đoàn Không quân 920 hạ xuống sân bay Phan Thiết ( Bình Thuận) và cất cánh an toàn, hàng nghìn người dân và doanh nghiệp bày tỏ sự háo hức, hy vọng sẽ thêm nhiều cơ hội phát triển kinh tế, du lịch cho thành phố biển này.
Ông Lê Thành Tâm (gần 80 tuổi), một người dân ở xã Thiện Nghiệp TP. Phan Thiết (Bình Thuận) bày tỏ vui mừng khi chuyến máy bay đầu tiên vừa hạ cánh xuống sân Phan Thiết cách đây vài hôm.
Theo cụ Tâm, không riêng gì cụ mà nhiều năm qua, người dân Phan Thiết luôn theo dõi dự án sân bay Phan Thiết. Bà con lo lắng mỗi khi báo chí đưa tin dự án gặp trục trặc hay vẫn còn vướng mắc.
"Nay thấy máy bay hạ và cất cánh an toàn rồi nên bà con vui lắm. Đây không chỉ là mơ ước của người dân mà còn là cơ hội để Bình Thuận phát triển kinh tế và xã hội. Con cháu sẽ có công ăn việc làm ổn định hơn…", cụ Tâm chia sẻ.
Ông Nguyễn Tri Tâm, Giám đốc một doanh nghiệp đa ngành nghề ở TP.HCM cho biết, Phan Thiết hiện rất nổi tiếng trên bản đồ du lịch và cũng là miền đất hứa để đầu tư bất động sản và nhiều ngành nghề khác nhau. Nhưng Bình Thuận hiện tại thiếu sân bay nên chưa thuận tiên cho doanh nghiệp và du khách ở các tỉnh phía Bắc.
"Nếu sân bay Phan Thiết hoàn thành, đưa vào sử dụng, cùng với tuyến đường cao tốc Bắc – Nam thông suốt, thì Bình Thuận sẽ là một điểm đến hấp dẫn cho du khách và các nhà đầu tư từ Hà Nội và các tỉnh phía Bắc ngày càng nhiều hơn…", ông Nguyễn Tri Tâm nhận định.
Nhiều chuyên gia của các tập đoàn kinh tế lớn nhận định, dự án sân bay Phan Thiết là một trong những dự án hạ tầng giao thông có ý nghĩa quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế tỉnh Bình Thuận nói chung, du lịch nói riêng.
Theo ông Nguyễn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận, sân bay Phan Thiết được kỳ vọng sẽ đón trên 2 triệu khách mỗi năm theo công suất thiết kế. Song song đó, sân bay Phan Thiết được tiến hành đồng bộ với hàng loạt cơ sở hạ tầng giao thông khác kết nối liên vùng đó là tuyến cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây - Phan Thiết – Nha Trang.
Một điều quan trọng khác là hệ thống hạ tầng đường giao thông ở Bình Thuận thời gian qua được đầu tư rất hoàn chỉnh, đã hình thành tứ giác phát triển giữa Nha Trang – Phan Thiết – Đà Lạt – TP.HCM. Nếu tiến độ hoàn thành sân bay Phan Thiết sớm, Bình Thuận sẽ là "thiên đường nghỉ dưỡng" của du khách và các nhà đầu tư hạ tầng.
Theo các chuyên gia kinh tế, Bình Thuận hiện có đầy đủ loại hình giao thông, từ đường bộ, đường sắt, tuyến hàng hải và sắp tới sẽ là hàng không. Vì vậy, sân bay Phan Thiết đưa vào khai thác được kỳ vọng sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội – du lịch. Bởi Bình Thuận như một Việt Nam thu nhỏ có đủ "rừng vàng, biển bạc", khí hậu dễ chịu nhất là những vùng giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng khí hậu quanh năm mát mẻ (từ 22 đến 26 độ) cũng là một lợi thế. Ngoài biển ra, Bình Thuận vẫn còn nhiều vẻ đẹp mà du khách chưa được khám phá hết.
Dự án sân bay Phan Thiết hiện ra sao?
Ngày 22/7, trao đổi với Dân Việt, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Bình Thuận cho biết, tháng 6 vừa qua UBND tỉnh Bình Thuận đã có ý kiến chỉ đạo giao UBND huyện Hàm Thuận Bắc triển khai các bước cưỡng chế thu hồi đất theo đúng trình tự, thủ tục hiện hành và bàn giao mặt bằng cho chủ đầu tư trong tháng 8/2024 đối với 1 móng trụ điện còn lại (hộ ông Trác Anh).
Song song đó là tiếp tục vận động các hộ còn lại nhận tiền và bàn giao mặt bằng trong tháng 8/2024 đối với 3 hộ (hành lang tuyến đường điện 220kV, trong đó có hộ ông Trác Anh). Trường hợp các hộ tiếp tục không đồng ý nhận tiền và bàn giao mặt bằng thì phối hợp với Chủ đầu tư tổ chức bảo vệ thi công.
UBND tỉnh Bình Thuận cũng giao Sở Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh tích cực phối hợp với UBND TP. Phan Thiết vận động hộ ông Trần Ngọc bàn giao mặt bằng 327,9 m² đài dẫn đường M2 (trước đây nằm trong quỹ đất hai bên đường ĐT.706B). Đồng thời, khẩn trương hoàn tất các thủ tục có liên quan trình UBND TP. Phan Thiết xem xét, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ.
Đối với hạng mục hàng không dân dụng theo hợp đồng BOT, ngày 11/3/2024, UBND tỉnh Bình Thuận có Tờ trình số 838/TTr-UBND đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẩm định điều chỉnh chủ trương đầu tư và chấm dứt hợp đồng trước thời hạn dự án Cảng hàng không Phan Thiết, hạng mục hàng không dân dụng theo hình thức hợp đồng BOT.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các thành viên Hội đồng thẩm định liên ngành, Hội đồng thẩm định liên ngành đã có Báo cáo số 4823/BC-HĐTĐLN ngày 20/6 về việc kết quả thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án. Sở GTVT đã phối hợp với đơn vị Tư vấn và các Sở ngành liên quan hoàn thiện hồ sơ điều chỉnh Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi theo kết quả thẩm định của Hội đồng thẩm định liên ngành.
Mới đây ngày 11/7, Sở GTVT đã có văn bản trình Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, tham mưu UBND tỉnh Bình Thuận trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án. Trong đó có báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định chấm dứt hợp đồng trước thời hạn đối với Công ty Cổ phần Rạng Đông.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư, Sở GTVT sẽ hoàn tất các thủ tục đầu tư và tổ chức lựa chọn nhà đầu tư thay thế theo đúng quy định hiện hành để triển khai thi công và đưa vào khai thác, sử dụng hạng mục hàng không dân dụng, đồng bộ với các hạng mục sân bay quân sự.
Sân bay Phan Thiết nằm trên địa bàn xã Thiện Nghiệp, TP. Phan Thiết có tổng diện tích hơn 542 ha, được quy hoạch là sân bay lưỡng dụng, dùng chung cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Sân bay Phan Thiết khởi công tháng 1/2015, sau đó được điều chỉnh từ sân bay cấp 4C, đường cất hạ cánh dài 2.400m, công suất khai thác 500.000 hành khách/năm lên thành cảng hàng không quốc nội cấp 4E, đường cất hạ cánh dài 3.050m, nhà ga hành khách có công suất thiết kế 2 triệu hành khách/năm.
Việc nâng cấp từ sân bay cấp 4C lên 4E đã tăng tổng mức đầu tư lên hơn 3.800 tỷ đồng nên phải điều chỉnh lại chủ trương đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Do đó, tỉnh Bình Thuận phải đàm phán, thỏa thuận chấm dứt hợp đồng với nhà đầu tư là Công ty cổ phần Rạng Đông ở hạng mục hàng không dân dụng và lựa chọn nhà đầu tư thay thế.
Chuyến bay quân sự đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Phan Thiết
Trước đó, sáng 17/7, Trung đoàn Không quân 920, Trường Sĩ quan Không quân (SQKQ), Quân chủng Phòng không - Không quân đã tổ chức tiếp thu phóng hành thành công chiếc máy bay đầu tiên cất, hạ cánh trên đường băng sân bay Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Đến dự, theo dõi và chỉ đạo có đại tá Ngô Vĩnh Phúc - Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Không quân và thủ trưởng các phòng, ban chức năng của Trường SQKQ.
Theo đó, máy bay NC - 212i mang số hiệu 8992 chở đoàn công tác từ sân bay Tân Sơn Nhất hạ cánh xuống đường băng sân bay Phan Thiết an toàn tuyệt đối. Sau đó, máy bay tiếp tục cất cánh bay các bài bay kiểm tra đài trạm tại sân bay, bay hiệu chỉnh, bay xuyên mây, bay đường dài…
Việc bay nhằm kiểm tra các hạng mục đã hoàn thiện như đường băng, sân đỗ, đài trạm và công tác điều hành tổ chức tiếp thu, phóng hành các loại máy bay cất, hạ cánh trên sân bay Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Sau gần 1 giờ bay, với 4 lần cất, hạ cánh, các phi công hoàn thành tốt nhiệm vụ trở về hạ cánh an toàn tuyệt đối, kết thúc những chuyến bay đầu tiên tại sân bay Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.