Nguồn cung nhà ở TP.HCM giảm, nhà đầu tư xả hàng vì cạn vốn
Nguồn cung nhà ở TP.HCM giảm kỷ lục, nhiều nhà đầu tư xả hàng vì cạn vốn
Hồng Trâm
Thứ sáu, ngày 21/10/2022 08:06 AM (GMT+7)
Quý 3/2022, nguồn cung nhà ở TP.HCM giảm sút đồng thời bộc lộ nhiều điểm yếu như thanh khoản chậm. Bên cạnh đó, việc siết tín dụng khiến một số nhà đầu tư phải xả hàng vì đuối vốn.
Thị trường bất động sản tại TP.HCM trong quý 3/2022 đang khá trầm lắng với sự sụt giảm mạnh về nguồn cung nhà ở. Đồng thời, việc khó tiếp cận nguồn vốn vay ngân hàng do thắt chặt tín dụng cùng kết hợp giá thành sản phẩm gia tăng khiến thanh khoản của thị trường bị suy giảm.
Vừa qua, UBND TP.HCM đã có báo cáo gửi Bộ Xây dựng về số liệu nhà ở và thị trường bất động sản quý 3/2022 trên địa bàn thành phố. Theo UBND TP.HCM, trong quý 3/2022, Sở Xây dựng đã xác nhận đủ điều kiện huy động vốn bán sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lại cho 4 dự án với tổng 2.144 căn nhà, giảm 200% số dự án so với quý trước.
Còn dự án được cấp phép mới trong quý chỉ 2 dự án, với quy mô 2.057 căn; 5 dự án nhà ở thu nhập thấp trong khu đô thị đang triển khai với quy mô 3.367 căn. Điều này cho thấy nguồn cung nhà ở TP.HCM giảm về mức rất thấp trong nhiều năm gần đây.
Theo UBND TP, quá trình phát triển đặc biệt là nhà ở vẫn chưa bền vững, chưa đáp ứng được nhu cầu rất lớn về nhà ở xã hội, nhà ở phù hợp với khả năng chỉ trả của người dân; chưa đa dạng về sản phẩm nhà ở, đặc biệt là nhà ở cho thuê.
Thị trường phát triển nhà ở chưa đảm bảo đồng bộ với hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội chung; công tác quản lý, vận hành, bảo trì nhà ở sau đầu tư xây dựng còn nhiều bất cập; nhiều khu vực nhà ở do người dân tự xây chưa có hạ tầng được nâng cấp, đảm bảo phù hợp.
Nguồn cung bất động sản trong những năm qua đã giảm rõ rệt do quy định pháp luật về đầu tư, nhà ở, đất đai, quy hoạch đô thị chưa có sự thống nhất trong quá trình chuyển tiếp và ban hành. Nhiều dự án đang trong quá trình điều tra, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, rà soát lại thủ tục pháp lý, quy hoạch, nghĩa vụ tài chính... dẫn đến tình trạng chậm giải quyết của một số cơ quan quản lý nhà nước, chưa đảm bảo các quy trình phối hợp liên thông, đồng bộ.
Chia sẻ ý kiến về thị trường nhà ở TP.HCM, bà Dương Thùy Dung - Giám đốc điều hành CBRE Việt Nam, dự đoán những tháng cuối năm 2022 thị trường nhà ở TP.HCM sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách. "Giai đoạn này nguồn cung tiếp tục hạn chế, đặc biệt là nguồn cung ở phân khúc trung cấp và bình dân. Đối với những người mua để ở sẽ không có nhiều lựa chọn do hầu hết các nguồn cung mới sẽ tập trung ở phân khúc cao cấp trở lên", bà Dung cho hay.
Nhà đầu tư xả hàng vì nghẽn tín dụng trong lúc nguồn cung nhà ở TP.HCM giảm
UBND TP.HCM đánh giá thị trường bất động sản hiện nay phát triển nhưng chưa ổn định, cần có điều chỉnh để giải quyết sự lệch pha cung - cầu. Tình hình thị trường bất động sản không có biến động trên diện rộng, tình hình kinh tế có nhiều diễn biến khó lường.
Việc kiểm soát chặt kênh tín dụng ngân hàng cũng như phát hành trái phiếu doanh nghiệp thời gian gần đây đã khiến nhiều doanh nghiệp bất động sản lâm vào "khó khăn", thanh khoản thị trường thấp, nhiều dự án xây dựng dở dang phải dừng lại, gây lãng phí nguồn lực cho xã hội.
Trong bối cảnh hiện nay, thị trường thứ cấp cũng giảm vì giá bán ở thị trường sơ cấp quá cao, lại chịu ảnh hưởng của việc siết tín dụng khiến cho nguồn vốn đầu tư bị nghẽn và không còn hấp dẫn như trước.
Mặt khác, do tình hình đại dịch Covid-19 kéo dài làm ảnh hưởng đến thị trường cho thuê căn hộ đối với người nước ngoài, cùng với việc Bộ Xây dựng đang dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, bổ sung trong đó có nội dung "quy định về thời hạn sở hữu nhà chưng cư" điều này đã làm ảnh hưởng tâm lý người mua nhà chung cư e ngại khi đưa ra quyết định.
Đáng chú ý, thị trường nhà ở thời gian qua bộc lộ nhiều điểm yếu như thanh khoản chậm, đang xảy ra tình huống một số nhà đầu tư giảm giá để xả hàng thời gian gần đây. Theo đó, bên cạnh các nhà đầu tư "cố gồng" để đợi thị trường tốt lên, thì nhiều nhà đầu tư đang cố ra hàng để thu dòng tiền. Nhiều lần hạ giá để bán được sản phẩm nhưng để có giao dịch thời điểm này là điều không dễ dàng.
Đơn cử, chị Nguyễn Thu Trang (ngụ Bình Chánh, TP.HCM) mua nền đất giá 2,5 tỷ đồng tại huyện Củ Chi gần 1 năm. Thời điểm chị Trang xuống tiền mua sản phẩm là đang trong cơn sốt đất. Sau đó thị trường Củ Chi nhanh chóng nguội khiến chị Trang lo lắng vì mua phải sản phẩm với giá cao.
"Ban đầu, tôi tính chờ lời khoảng vài trăm rồi bán ra nhưng càng chờ, thị trường càng nguội dần. Thêm vào đó, áp lực lãi ngân hàng khiến tôi không đủ khả năng gồng lãi. Tôi sợ giữ đất càng lâu thì giá sẽ càng tuột nên tôi chấp nhận bán giá cắt lỗ nhưng vẫn không có người mua", chị Trang cho hay.
Theo các chuyên gia, các nhà đầu tư (nhất là nhà đầu tư nhỏ lẻ) có xu hướng bán sản phẩm ra nhanh để thu dòng tiền. Trong bối cảnh thắt chặt tín dụng, nhiều nhà đầu tư đang gồng và trong số đó có nhiều người "đuối sức" về dòng tiền.
Đa số rơi vào các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính ngân hàng, lướt sóng nhưng không ra được hàng nên "ôm" và chờ thị trường. Có không ít trường hợp trong số đó đã chấp nhận cắt lỗ dưới giá vốn. Tình trạng này đang tăng dần và dự báo từ nay đến cuối năm, có thể thị trường bất động sản sẽ xuất hiện làn sóng cắt lỗ mạnh hơn thời điểm hiện tại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.