Nguy cơ xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ, các tỉnh phía Nam ứng phó 4 loại dịch

Bạch Dương Thứ hai, ngày 25/07/2022 14:41 PM (GMT+7)
Ngày 25/7, tại tỉnh Bình Dương, Bộ Y tế đã tổ chức mít tinh phát động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh với sự tham gia của đại diện trung tâm kiểm soát bệnh tật 21 tỉnh, thành phố khu vực miền Nam.
Bình luận 0
Nguy cơ xâm nhập bệnh đầu mùa khỉ, TP.HCM và phía Nam ứng phó 4 loại dịch - Ảnh 1.

Bộ Y tế tổ chức mít tinh phát động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân phòng chống dịch bệnh ngày 25/7. Ảnh: B.D

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát trên toàn quốc, tuy nhiên đã ghi nhận sự xuất hiện của cả hai biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron trong cộng đồng, đồng thời số ca mắc Covid-19 đang có xu hướng tăng trở lại trong 2 tuần gần đây. Ngày 10/7 ghi nhận 465 ca, tăng lên 1.071 ca vào ngày 23/7 và đã có ca tử vong.

Nhiều người sau khi tiêm vaccine mũi 1, mũi 2 hoặc đã từng mắc Covid-19 bắt đầu chủ quan, lơ là, chưa tham gia tích cực vào việc tiêm vaccine mũi 3, mũi 4, kể cả tiêm vaccine cho trẻ em.

Đến nay nước ta chưa ghi nhận ca bệnh đậu mùa khỉ, tuy nhiên nguy cơ bệnh xâm nhập vào Việt Nam là rất lớn. Bên cạnh đó, dịch bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết đang gia tăng mạnh. Từ đầu năm 2022 đến nay, cả nước đã ghi nhận hơn 110.000 trường hợp mắc, 39 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Sốt xuất huyết có nguy cơ lan rộng tại nhiều tỉnh, thành phố, nhất là khu vực miền Nam, miền Trung, Tây Nguyên.

Nguyên nhân là mùa hè khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ tăng tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi phát triển; tốc độ đô thị hóa nhanh, tình hình vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng, diệt muỗi tại cộng đồng cũng như tại các công trình xây dựng, nhà máy, xí nghiệp, nhà trọ... chưa được quan tâm, chưa được chủ động triển khai và duy trì thường xuyên; tập quán tích trữ nước tại các hộ gia đình chưa có thay đổi đáng kể.

"Cho đến nay, bệnh sốt xuất huyết vẫn chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và vaccine phòng bệnh, do vậy công tác đảm bảo vệ sinh môi trường, diệt muỗi, diệt lăng quăng đóng vai trò quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh. Thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch, đảm bảo vệ sinh cá nhân luôn là một biện pháp đơn giản, dễ làm, hiệu quả cao trong phòng, chống các dịch, bệnh truyền nhiễm", thứ trưởng Liên Hương nhấn mạnh.

Nguy cơ xâm nhập bệnh đầu mùa khỉ, TP.HCM và phía Nam ứng phó 4 loại dịch - Ảnh 3.

Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm kiểm tra lăng quăng trong chai trồng cây ở khu nhà trọ phường Chánh Mỹ. Ảnh: B.D

Trực tiếp kiểm tra nguy cơ phát sinh sốt xuất huyết tại phường Chánh Mỹ (TP.Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương), Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Lương Tâm đã phát hiện nhiều nơi chứa nước có lăng quăng tại khu nhà trọ của người dân. Tại khu nhà trọ này đã có một trường hợp bé gái 10 tuổi tử vong do sốt xuất huyết.

Ông Nguyễn Lương Tâm cảnh báo, tình hình dịch bệnh đang diễn biến hết sức phức tạp, cần có sự tham gia của tất cả các bộ ngành, tổ chức chính trị, xã hội ở mỗi địa phương.

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương cho biết, tính đến tuần 29, toàn tỉnh ghi nhận 8.567 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 53,1% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó có 279 ca nặng, chủ yếu tập trung ở độ tuổi dưới 15, có 12 trường hợp tử vong.

Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 2.088 ca mắc tay chân miệng, tăng 63% so với cùng kỳ năm 2021, và ghi nhận 1 ca tử vong.

Lăng quăng dày đặc trong chai trồng cây ở khu nhà trọ phường Chánh Mỹ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem