Nhà đầu tư bất động sản chờ diễn biến thị trường sau 1/8, sức mua giảm
Nhà đầu tư chờ diễn biến thị trường sau 1/8, sức mua bất động sản tại TP.HCM giảm
Gia Linh
Thứ hai, ngày 12/08/2024 10:04 AM (GMT+7)
Từ 1/8, Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực đã tác động không nhỏ đến thị trường. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư tạm thời không dám xuống tiền mua nhà đất vì chờ thăm dò diễn biến thị trường.
Các chuyên gia đánh giá, các luật mới có thể mang đến những tác động tích cực nhưng đây cũng sẽ là "bộ lọc" để sàng lọc thị trường khi nhiều quy định siết chặt quản lý về kinh doanh, nguồn vốn… được ban hành. Chính vì vậy, nhiều nhà đầu tư trở nên dè chừng, không dám xuống tiền trong giai đoạn "đặc biệt" này.
Anh Nguyễn Văn Hùng (35 tuổi, môi giới bất động sản tại TP.HCM) chia sẻ gần 1 tháng nay anh không chốt thành công khách hàng nào. Nhiều khách quen phản hồi vì thị trường đang nhiều biến động nên họ chưa dám xuống tiền.
"Đa số khách hàng đồng ý tham khảo giá, nghe giới thiệu về pháp lý, vị trí, tiềm năng dự án… rồi hứa hẹn cần thêm thời gian để suy nghĩ chứ không chịu xuống tiền. Nguyên nhân vì nhiều người còn "mơ hồ" với các quy định mới, không biết thị trường diễn biến ra sao nên chưa dám mạnh tay. Bản thân môi giới như tôi cũng đang loay hoay với các quy định mới. Tôi nghĩ phải mất vài tháng nữa khi các quy định mới được phổ biến, thị trường dẫn ổn định thì mới củng cố được tâm lý cho khách hàng", anh Hùng nói.
Trong khi đó, ông Ngô Quang Phúc – Tổng giám đốc Phú Đông Group cho biết Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở chính thức có hiệu lực sẽ tác động rất lớn đến thị trường. Từ đây, nhiều điểm nghẽn về hành lang pháp lý có thể mở ra, giúp doanh nghiệp tìm được "hướng đi đúng" để có thực hiện hoàn chỉnh các thủ tục của dự án.
Tuy nhiên, đây cũng là giai đoạn chững lại để nhà đầu tư thăm dò diễn biến thị trường. Phải chờ một thời gian nữa để các Luật có độ "ngấm" nhất định, tác động lên thị trường thì mới tháo gỡ tâm lý cho nhà đầu tư.
Giao dịch bất động sản tại TP.HCM chững lại
Thực tế, tình hình giao dịch chững lại vì tâm lý người mua chờ diễn biến thị trường đang ảnh hưởng đến nhiều phân khúc. Dữ liệu của DKRA Group, nguồn cung căn hộ mới tại TP.HCM và vùng lân cận trong tháng 7/2024 ghi nhận tăng 9% so với tháng trước, nhưng giảm hơn 80% so với cùng kỳ.
Theo đó, thị trường đón nhận nguồn cung mới từ 9 dự án, tất cả đều là giai đoạn mở bán tiếp theo. Hầu hết nguồn cung mới thuộc phân khúc căn hộ hạng B và C, phân bổ chủ yếu tại khu Đông TP.HCM và vùng giáp ranh.
Về giá bán, căn hộ mở bán tại TP.HCM giao động mức 42 -57 triệu/m2. Tại các địa phương giáp ranh thì mức giá mềm hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêu thụ lại có xu hướng giảm 30% do nhà đầu tư có tâm lí thăm dò diễn biến thị trường.
Ông Phạm Lâm – CEO DKRA Group đánh giá tỷ lệ tiêu thụ nguồn cung mới phân khúc căn hộ tại TP.HCM và vùng giáp ranh ở mức thấp, phần nào bị ảnh hưởng do người mua lựa chọn quan sát diễn biến thị trường khi các Luật mới có hiệu lực vào đầu tháng 8/2024.
Riêng phân khúc nhà phố, biệt thự nguồn cung mới có nhiều cải thiện đáng kể so với cùng kỳ năm 2023 và đạt mức tăng khoảng 14% so với tháng trước. Trong tháng 7, thị trường đón nhận 557 căn từ 4 dự án tăng 14% so với tháng trước.
Mặt bằng giá sơ cấp ghi nhận mức tăng khoảng 1% so với lần mở bán trước đó. Tại TP.HCM, giá biệt thự nhà phố mới mở bán dao động mức 7,5 – 20 tỷ. Lượng giao dịch thị trường ở mức trung bình, lượng tiêu thụ tương đương khoảng 50% trên tổng cung mới của tháng, giảm 17% so với tháng trước.
Đánh giá về thị trường thời gian tới, các chuyên gia cho rằng trong các tháng cuối năm những quy định mới sẽ dần sàng lọc các chủ đầu tư yếu kém về năng lực, tài chính, quỹ đất... khỏi thị trường địa ốc. Chủ đầu tư, doanh nghiệp có thực lực, uy tín sẽ tự tin hơn với việc ra hàng. Cùng với đà phục của thị trường, các chủ thể tham gia thị trường sẽ bắt đầu "tăng tốc" gia nhập, xúc tiến các kế hoạch kinh doanh. Từ đó, tháo gỡ tâm lý "chờ đợi" cho các khách hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.