Nhiều người dân chui dưới rãnh thoát nước để qua cổng của thủy điện Đạ Dâng

Văn Long Thứ tư, ngày 03/07/2024 10:51 AM (GMT+7)
Không đồng ý đi đường mới, nhiều người dân sống trong khu vực lòng hồ thủy điện Đạ Dâng (thôn Păng Tiêng, xã Lát, huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) lựa chọn chui qua rãnh thoát nước khu vực cửa van điều tiết nước của thủy điện Đạ Dâng để đi lại, đến trường.
Bình luận 0

Học sinh chui qua mương để đi học

Vài tháng qua, nhiều hộ dân sống trong khu vực lòng hồ thủy điện Đạ Dâng tại thôn Păng Tiêng, xã Lát bức xúc khi bị chặn đường đi. Con đường trước đây người dân thường lưu thông đã bị chặn lại. Muốn đi qua cổng khu vực cửa van điều tiết nước của thủy điện Đạ Dâng, họ chui xuống mương nước với hàng rào, dây thép gai giăng trên đầu.

Người dân trong khu vực cho biết, con đường đi qua khu vực cửa van điều tiết nước của thủy điện Đạ Dâng đã có từ trước khi thu hồi đất. Trong khi đó, con đường mới mở qua dốc Min là đường cấp phối lại độ dốc cao nên việc di chuyển nông sản, đi lại của người dân gặp khó khăn. 

Nhiều người dân chui dưới rãnh thoát nước để qua cổng của thủy điện Đạ Dâng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đình Chiến chui qua mương nước dưới cánh cổng vào khu vực cửa van điều tiết nước của Thủy điện Đạ Dâng để gặp phóng viên.

Có mặt tại khu vực cửa van điều tiết nước của thủy điện Đạ Dâng tại thôn Păng Tiêng, phóng viên ghi nhận nhiều người dân, con em học sinh đi học chui qua một mương nước bên hông của một cổng sắt. Cổng sắt này là lối vào khu vực cửa van điều tiết nước của thủy điện Đạ Dâng, dẫn đến khu vực sinh sống, sản xuất của người dân. Đây cũng là con đường người dân vận chuyển nông sản, phân bón, đi lại trong nhiều năm qua.

Nhiều người dân chui dưới rãnh thoát nước để qua cổng của thủy điện Đạ Dâng- Ảnh 2.

Người dân sản xuất, sinh sống trong khu vực lòng hồ thủy điện Đạ Dâng đang gặp khó khăn về đường đi.

Vừa chui qua mương nước bên hông cánh cổng sắt, ông Nguyễn Đình Chiến (50 tuổi, thôn Păng Tiêng, xã Lát) cho biết: "Con đường dẫn vào khu vực sản xuất, sinh sống của chúng tôi đã có cách đây vài chục năm. Từ ngày 2/2/2024, con đường này bị Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội chặn lại, không cho người dân đi qua.

Hiện trong khu vực chúng tôi sinh sống, sản xuất có khoảng 15 cháu nhỏ đang học tiểu học cũng chui qua cái mương này để đến lớp. Mặc dù chúng tôi đã có đơn kiến nghị, yêu cầu cơ quan chức năng xử lý để lấy lại đường đi cho người dân nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết và có câu trả lời thỏa đáng".

Nhiều người dân chui dưới rãnh thoát nước để qua cổng của thủy điện Đạ Dâng- Ảnh 3.

Con đường bị Công ty Long Hội rào chắn (khoanh đỏ) khiến người dân đi lại khó khăn hơn trước.

Mặc dù bên trên mương thoát nước là chiếc bảng "Cảnh báo điện cao áp, nguy hiểm chết người. Cấm vào" nhưng người dân vẫn lựa chọn chui qua để đi lại.

Có một con đường nữa để đi lại nhưng lại khá xa, gồ ghề, độ dốc đến 30%, trẻ em đi học thường xuyên bị ngã nên rất ít người đi lại. 

Chị Hoàng Thị Lành (thôn Păng Tiêng, xã Lát) cho biết, gia đình chị có 2 con nhỏ đang đi học nên phải chui qua mương nước này hàng ngày. 

Nhiều người dân chui dưới rãnh thoát nước để qua cổng của thủy điện Đạ Dâng- Ảnh 4.

Chị Hoàng Thị Lành đi đón con đi học về và phải chui qua mương nước để đi về nhà.

"Gia đình chúng tôi nuôi vài chục con heo đen, muốn đưa thức ăn vào cho heo cũng không được luôn. Phân bón cho cây trồng cũng đưa qua cái mương này. Heo chuẩn bị xuất chuồng rồi, họ (thương lái – PV) đến rồi họ không vào được nên họ cũng đi à. Chúng tôi giờ mong muốn chủ đầu tư Thủy điện Đạ Dâng trả lại đường để cho người dân sinh sống đi lại, trẻ nhỏ có đường đi học", chị Lành chia sẻ.

Cần giải quyết có tình, có lý

Liên quan đến vấn đề tranh chấp con đường trên giữa người dân thôn Păng Tiêng với Công ty Cổ phần đầu tư và xây dựng điện Long Hội (Công ty Long Hội), trong buổi tiếp xúc cử tri của Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cùng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lâm Đồng tại xã Lát ngày 1/7, nhiều người dân tiếp tục có ý kiến.

Nhiều người dân chui dưới rãnh thoát nước để qua cổng của thủy điện Đạ Dâng- Ảnh 5.

Nhiều gia đình có đất sản xuất tại thôn Păng Tiêng đang gặp khó khăn vì con đường mà Công ty Long Hội đã rào chắn từ tháng 2/2024.

Giải thích về việc tranh chấp con đường trên, ông Bùi Thế - Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương cho biết: "Con đường người dân đang kiến nghị dài khoảng 550 mét. Trước đây, có khoảng 10 hộ có đất phía bên trong con đường. Sau khi Công ty Long Hội triển khai thực hiện dự án Thủy điện Đạ Dâng thì họ đã đền bù. 10 hộ dân đã nhận đủ tiền đền bù.

Sau khi thủy điện đền bù thì huyện đã thống nhất mở con đường bên dốc Min để người dân đi vào khu vực sản xuất. Huyện đã bỏ ra gần 2 tỷ đồng để làm con đường này. Trong đó, huyện chịu 50% chi phí, 50% chi phí còn lại do Công ty Long Hội chịu. Sau khi con đường này hoàn thành thì Công ty Long Hội mới rào cổng khu vực cửa van điều tiết nước của thủy điện Đạ Dâng".

Nhiều người dân chui dưới rãnh thoát nước để qua cổng của thủy điện Đạ Dâng- Ảnh 6.

Cổng vào khu vực cửa van điều tiết nước của thủy điện Đạ Dâng cũng như khu sản xuất của nhiều hộ dân thôn Păng Tiêng bị rào kín.

Ông Bùi Thế cũng cho biết, sau khi hoàn thành, cơ quan chức năng cũng xác định con đường dốc Min vẫn còn khá cao nên huyện cũng đã bỏ chi phí để hạ độ cao con dốc xuống giúp người dân đi lại dễ dàng hơn. Ông Bùi Thế cũng khẳng định, con đường dốc Min chỉ là đường dẫn vào khu sản xuất, không phải đường đi vào khu dân cư nên chỉ là đường cấp phối.

"Hiện nay, còn nhiều hộ dân đang phản ánh về con đường qua khu vực thủy điện Đạ Dâng và con đường dốc Min. UBND huyện Lạc Dương sẽ tiếp tục kiểm tra thực tế và xử lý theo quy định", ông Bùi Thế cho biết.

Liên quan đến vụ việc này, ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, dự án trên nằm trên địa bàn huyện Lạc Dương đã để xảy ra bức xúc nhiều năm. Vì vậy, trước hết UBND huyện phải rà soát, nắm bắt tình hình thực tế để xử lý có tình, có lý. Đặc biệt, Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng không thể đứng ngoài cuộc, đây là một dự án thủy điện nên Sở Công Thương phải cùng cơ quan chức năng xác định để xem mức độ an toàn hồ đập.

Nhiều người dân chui dưới rãnh thoát nước để qua cổng của thủy điện Đạ Dâng- Ảnh 7.

Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc đề nghị tỉnh Lâm Đồng xử lý vụ việc tại dự án thủy điện Đạ Dâng trong buổi tiếp xúc cử tri tại xã Lát, huyện Lạc Dương.

"Công ty Long Hội nên thực hiện việc trước sau nhất nhất, không thể bất nhất. Bởi vì, năm 2019 chúng ta cùng với người dân thỏa thuận để đi con đường này và sau khi thực hiện dự án thì con đường này nếu không ảnh hưởng đến an toàn đập thì xe cơ giới nhẹ, bà con đi lại vẫn tiến hành bình thường. Nếu như thực hiện đúng thỏa thuận như vậy thì không xảy ra vấn đề tranh chấp như hiện nay", ông Phạm S nhấn mạnh.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc cho rằng, Lâm Đồng nên thành lập một ban chỉ đạo để giải quyết vấn đề này. Ban chỉ đạo cần có các sở, ban ngành cùng lãnh đạo UBND huyện Lạc Dương để tổ chức đối thoại giữa người dân bị ảnh hưởng bởi dự án và Công ty Long Hội. Việc xử lý vụ việc trước hết cần đúng theo quy định của pháp luật và phù hợp với thực tiễn tại địa phương.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem