Những lãnh đạo ngành y tế bị khởi tố liên quan đến "thổi giá" vật tư y tế

PV Thứ ba, ngày 09/11/2021 11:08 AM (GMT+7)
Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức (TP.HCM) vừa bị khởi tố. Đây là một trong nhiều lãnh đạo ngành y tế đã bị khởi tố vì hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của nhà nước, thổi giá thiết bị y tế... trong thời gian qua.
Bình luận 0

1.Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức Nguyễn Minh Quân

Ngày 8/11, nguồn tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an cho biết, đơn vị này đang thụ lý điều tra vụ án "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm và các đơn vị liên quan" theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự số 57/QĐ-CSKT-P10 ngày 14/10/2021.

Giám đốc Bệnh viện Thủ Đức bị bắt vì gây thiệt hại tài sản Nhà nước - Ảnh 1.

Bị can Nguyễn Minh Quân (trái) và bị can Nguyễn Văn Lợi (phải). Ảnh: BCA

Theo kết quả điều tra vụ án xác định, ông Nguyễn Minh Quân (sinh năm 1973, Giám đốc Bệnh viện Thành phố Thủ Đức) và Nguyễn Văn Lợi (sinh năm 1986, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Sản xuất Nguyễn Tâm) đã thông đồng, câu kết thực hiện hành vi trái quy định của Luật đấu thầu trong việc mua sắm vật tư trang thiết bị y tế tại Bệnh viện Thành phố Thủ Đức gây thiệt hại nghiêm trọng tài sản Nhà nước.

2. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Tuấn 

Ngày 21/10, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (nguyên Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội), về tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Ông Tuấn bị khởi tố liên quan đến Vụ án vi phạm quy định đấu thầu ở Bệnh viện Tim Hà Nội khi ông còn làm Giám đốc. 

Bắt Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quang Tuấn - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai. (Ảnh: TTXVN)

Tháng 8/2012, GS.TS Nguyễn Quang Tuấn được bổ nhiệm làm Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội. Ngày 18/3/2020, ông Tuấn được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Bộ Y tế). 

Liên quan đến sai phạm tại Bệnh viện Tim Hà Nội, đến nay Bộ Công an đã khởi tố, bắt giam 9 bị can. Trong đó, 4 cựu lãnh đạo Bệnh viện Tim Hà Nội gồm: Hoàng Thị Ngọc Hưởng (Phó giám đốc), Nguyễn Thị Dung Hạnh (Kế toán trưởng), Đoàn Trọng Bình (Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Vật tư) và Nghiêm Tuấn Linh (Phó phòng Vật tư).

Vụ án xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội nằm trong giai đoạn điều tra, xác minh tin báo tố giác về một số hành vi có dấu hiệu tội phạm trong việc thực hiện đấu thầu mua sắm vật tư, hóa chất, thiết bị y tế phục vụ khám chữa bệnh.

Liên quan đến vụ án này, ngày 13/5/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội và một số đơn vị liên quan, đồng thời khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 bị can. Trong số này, có 4 bị can nguyên là lãnh đạo, cán bộ và cán bộ đương nhiệm Bệnh viện Tim Hà Nội, gồm Hoàng Thị Ngọc Hưởng, nguyên Phó Giám đốc; Nguyễn Thị Dung Hạnh, Kế toán trưởng; Đoàn Trọng Bình, nguyên Phó phòng Vật tư; Nghiêm Tuấn Linh, nguyên Phó phòng Vật tư.

3. Giám đốc và Nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi

Đầu tháng 3/2021, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 11 đối tượng về hành vi "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng" theo Điều 222 BLHS xảy ra tại Sở Y tế Cần Thơ, trong đó có nguyên Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Bùi Thị Lệ Phi; Giám đốc Sở Y tế Cần Thơ Cao Minh Chu; các đối tượng: Lương Tấn Thành, Hồ Phương Quỳnh, đều là nhân viên Ban Quản lý dự án Sở Y tế Cần Thơ. 

Kết quả điều tra xác định, các đối tượng này có hành vi vi phạm đấu thầu trong quá trình thực hiện đấu thầu gói thầu số 1, cung cấp hệ thống DSA hai bình diện cho Bệnh viện Tim mạch TP Cần Thơ và hệ thống chụp cắt lớp vi tính CT 128 lát cắt cho Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ, do Sở Y tế Cần Thơ làm chủ đầu tư. Bước đầu xác định thiệt hại do các bị can gây ra khoảng 13 tỷ đồng.

4. Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai Nguyễn Quốc Anh

Ngày 25/9/2020, cơ quan CSĐT Bộ Công an công bố sai phạm tại Bệnh viện Bạch Mai, khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Nguyễn Quốc Anh, nguyên Giám đốc bệnh viện; ông Nguyễn Ngọc Hiền, nguyên Phó Giám đốc bệnh viện và bà Trịnh Thị Thuận, Kế toán trưởng, Trưởng phòng Tài chính kế toán về hành vi "Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ".

Những lãnh đạo ngành y tế bị khởi tố liên quan đến "thổi giá" vật tư y tế - Ảnh 3.

Các bị can trong vụ nâng "khống" thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh CQĐT

Quá trình điều tra, cơ quan chức năng làm rõ hành vi của một số lãnh đạo, cán bộ BV Bạch Mai đã lợi dụng cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế, chủ trương xã hội hóa liên doanh, liên kết mua sắm trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh, vì động cơ cá nhân làm trái quy định của Nhà nước, quy định của Bộ Tài chính và Bộ Y tế; chấp thuận cho Công ty BMS tham gia đề án, nâng giá thiết bị lên nhiều lần, đẩy giá dịch vụ lên cao nhằm mục đích chiếm đoạt tiền của người bệnh, gây bất bình trong dư luận xã hội.

Theo đó, tháng 1/2017, đề án xã hội hóa được ký kết, Bệnh viện Bạch Mai trang bị hai loại robot phẫu thuật, trong đó robot Rosa có giá 39 tỷ đồng, robot Mako có giá 44 tỷ đồng. Thời điểm trên, Công ty BMS vẫn chưa nhập robot Rosa, song Công ty thẩm định giá VFS đã phát hành chứng thư trái với quy định của pháp luật để cấp "khống" chứng thư thẩm định 2 robot trên theo giá Tuấn đưa ra là 39 và 44 tỷ đồng (trong khi giá trị thực của robot Rosa chỉ 7,4 tỷ đồng, tức nâng "khống" gấp 5 lần).

Đặc biệt, quá trình điều tra, cơ quan Công an đã làm rõ bị can Tuấn đã nhiều lần biếu tiền, USD trị giá hơn 300 triệu đồng cho Nguyễn Quốc Anh và 150 triệu đồng ông Nguyễn Ngọc Hiền.

5. Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật CDC Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm

Ngày 22/4/2020, Cơ quan CSĐT Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 7 cán bộ gồm: Nguyễn Nhật Cảm, Giám đốc CDC Hà Nội; Nguyễn Vũ Hà Thanh, Trưởng phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội; Đào Thế Vinh, Giám đốc Công ty TNHH Vật tư khoa học và Thương mại Việt Nam (MST); Nguyễn Trần Duy, Tổng Giám đốc Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành; Nguyễn Ngọc Nhất, nhân viên Công ty TNHH Phát triển khoa học Vitech; Nguyễn Thanh Tuyền, nhân viên Công ty TNHH Thiết bị y tế Phương Đông; Lê Xuân Tuấn, nhân viên Phòng Tài chính kế toán CDC Hà Nội.

Những lãnh đạo ngành y tế bị khởi tố liên quan đến "thổi giá" vật tư y tế - Ảnh 4.

Bị can Nguyễn Nhật Cảm và đồng phạm trong vụ CDC Hà Nội. Ảnh CQĐT

Trước đó, từ đầu năm 2020, CDC Hà Nội thực hiện mua sắm một số hệ thống Realtime PCR tự động nhằm đáp ứng nhu cầu xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19. Do thời gian gấp nên việc mua sắm này được thực hiện theo phương thức chỉ định thầu. 

Lợi dụng tình trạng dịch bệnh, Nguyễn Nhật Cảm đã câu kết với Nguyễn Ngọc Nhất, Nguyễn Thanh Tuyền, Đào Thế Vinh thỏa thuận giá mua máy xét nghiệm cùng các vật tư khác trước khi thực hiện quy trình, thủ tục chỉ định thầu thông thường. Giám đốc CDC Hà Nội cũng câu kết với Nguyễn Trần Duy gian lận, hợp thức thủ tục thẩm định giá gói thầu theo đúng giá do CDC Hà Nội yêu cầu.

Các đối tượng đã mua bán máy xét nghiệm lòng vòng qua 4 công ty trong chưa đến 2 ngày, nâng giá trị máy từ 2,3 tỷ đồng lên 7 tỷ đồng (cao gấp 3 lần giá trị thực của máy). Sau đó, Công ty CP định giá và bán đấu giá tài sản Nhân Thành căn cứ đó đề xuất mức giá và CDC Hà Nội "nhắm mắt" mua vào. Đáng chú ý, các đối tượng đã bàn bạc, thống nhất chi 15% giá trị gói thầu để "lại quả" cho Nguyễn Nhật Cảm nếu thương vụ thành công.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố vì liên quan đến Vụ án "thuốc giả" của Công ty Pharma

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố: Sự tàn nhẫn của thuốc giả - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố do có liên quan đến Vụ Công ty VN Pharma nhập thuốc giả diễn ra từ năm 2012-2013. (Ảnh thuốc minh họa: Ispockphoto)

Theo Cơ quan An ninh điều tra, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường bị khởi tố do có liên quan đến Vụ Công ty VN Pharma nhập thuốc giả diễn ra từ năm 2012-2013. Đến tháng 5/2020, vụ án kết thúc, xác định các bị cáo "buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh".

Trong giai đoạn 2010 - 2014, Nguyễn Minh Hùng, cựu Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP VN Pharma (VN Pharma); Võ Mạnh Cường, cựu Giám đốc Công ty TNHH thương mại hàng hải quốc tế H&C, đã cùng một số đồng phạm làm giả nhiều loại giấy tờ, tài liệu để thay đổi nguồn gốc xuất xứ một số loại thuốc chữa bệnh, hợp thức hóa thủ tục của Cục Quản lý dược để đưa các loại thuốc này vào VN bán lại cho các nhà thuốc, bệnh viện và các công ty kinh doanh dược phẩm, gây thiệt hại lớn cho nhà nước.

Theo đó, số thuốc giả Health 2000 Canada đã được bán vào các bệnh viện, nhà thuốc, các công ty kinh doanh dược phẩm, gây thiệt hại lớn về kinh tế. Cụ thể thuốc H2K Levofloxacin: 8.030 hộp, trị giá hơn 616 triệu đồng; H2K Ciprofloxacin 12.031 hộp, trị giá hơn 742 triệu đồng; Kaderox- 250: 15.000 viên, trị giá hơn 202 triệu đồng; MGP Moxinase- 625: 335.427 viên, trị giá hơn 2,1 tỷ đồng. Toàn bộ số thuốc trên đã được các bệnh viện sử dụng hết cho người bệnh, không còn tồn kho hoặc bị tiêu hủy.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem