"Nở rộ" đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam: Chuyên gia nhấn mạnh điều cần làm
"Nở rộ" đầu tư công nghệ cao vào Việt Nam: Chuyên gia nhấn mạnh điều cần làm
Nguyễn Thịnh
Chủ nhật, ngày 05/01/2025 13:30 PM (GMT+7)
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thu hút dòng vốn đầu tư từ các tập đoàn công nghệ thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất bán dẫn.
Trong vài năm qua, Việt Nam trở thành điểm đến hấp dẫn với các tập đoàn công nghệ cao trên thế giới với nhiều dự án đầu tư, mở rộng đầu tư. Riêng trong năm 2024, Việt Nam đón nhận nhiều thương vụ đáng chú ý, góp phần thúc đẩy phát triển ngành công nghệ và kinh tế số trong nước.
Nổi bật nhất là việc tập đoàn hàng đầu về sản xuất chip và công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) NVIDIA của tỷ phú Jensen Huang vừa sang Việt Nam với kế hoạch xây dựng Trung tâm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo (AI) thứ 3 trên thế giới, sau Mỹ và Đài Loan (Trung Quốc).
NVIDIA mua lại VinBrain - công ty khởi nghiệp về AI của Vingroup để phát triển một trung tâm thiết kế tương lai lớn ở Việt Nam, cho thấy tham vọng của "đại bàng công nghệ" này ở nước ta.
Việc NVIDIA đầu tư lớn tại Việt Nam là bước đi đột phá, đồng thời tạo hiệu ứng lan tỏa lớn, thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư công nghệ cao khác trên thế giới, đặc biệt trong lĩnh vực AI, bán dẫn. Kết quả này gây tiếng vang lớn và nâng tầm vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới, là điểm đến của công nghệ cao, công nghệ bán dẫn và AI.
Mọi công tác bắt tay vào đầu tư, sản xuất của NVIDIA đang được bắt đầu, khi họ đang tuyển dụng kỹ sư, quản lý cấp cao ở Hà Nội, liên quan đến sản xuất, phát triển sản phẩm GPU (đơn vị xử lý đồ họa).
Việc đầu tư một nhà máy sản xuất chip có vốn rất lớn, có thể lên vài chục tỷ USD, trong khi Việt Nam không thể có số vốn lớn như vậy, chỉ có những tập đoàn lớn như NVIDIA mới làm nổi. Ngoài ra, NVIDIA cũng cam kết sẽ dịch chuyển các nhà máy trong chuỗi cung ứng sản xuất sang Việt Nam trong thời gian tới với giá trị đầu tư của các nhà máy này lên tới nhiều tỷ USD.
Jabil Việt Nam đã tăng tổng mức đầu tư từ 300 triệu USD lên 450 triệu USD, mở rộng quy mô sản xuất điện tử tại Khu công nghệ cao TP Hồ Chí Minh.
Foxconn, nhà cung ứng lớn của Apple, đã đầu tư 80 triệu USD vào hoạt động sản xuất chip tại tỉnh Bắc Giang, mở rộng sự hiện diện trong lĩnh vực công nghệ cao tại Việt Nam. Trước đó, Foxconn đã đầu tư 383,3 triệu USD vào nhà máy FCPV tại Bắc Ninh, mở rộng hoạt động sản xuất các sản phẩm công nghệ cao.
Meta, công ty mẹ của Facebook, đang có kế hoạch mở rộng sản xuất thiết bị thực tế ảo tại Việt Nam, góp phần vào sự phát triển của ngành công nghệ cao trong nước.
Goertek đầu tư 280 triệu USD vào nhà máy tại Nam Sơn - Hạp Lĩnh, tập trung vào sản xuất thiết bị điện tử và công nghệ cao.
Victory Giant xây dựng nhà máy bảng mạch in công nghệ cao với đầu tư 260 triệu USD tại Việt Nam, góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử.
Samsung đầu tư thêm 1,8 tỷ USD vào nhà máy màn hình LED tại Bắc Ninh, mở rộng quy mô sản xuất và tạo thêm việc làm.
Trong khi FPT, tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam, đã khởi công dự án trung tâm trí tuệ nhân tạo trị giá 174 triệu USD tại tỉnh Bình Định, nhằm thúc đẩy nghiên cứu và phát triển trong lĩnh vực AI.
Chuyên gia nhấn mạnh điều cần làm khi đón sóng đầu tư công nghệ
Nguồn vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã đạt gần 31,4 tỷ USD trong 11 tháng đầu năm 2024, với FDI giải ngân ước tính khoảng 21,7 tỷ USD, tăng 7,1% so với cùng kỳ năm 2023. Điều này đã giúp Việt Nam ghi tên vào top 15 quốc gia đang phát triển thu hút nhiều FDI nhất thế giới.
Nguồn vốn FDI trong năm 2024 phần lớn tập trung vào các ngành có giá trị cao như điện tử, chất bán dẫn và công nghệ xanh. Các chuyên gia dự đoán xu hướng này có khả năng sẽ tiếp tục trong năm nay.
Trả lời PV Dân Việt, TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế, nhận định rằng Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để thu hút dòng vốn đầu tư, đặc biệt từ các công ty Mỹ, trong lĩnh vực công nghệ cao và sản xuất bán dẫn.
Ông cho rằng, trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc gia tăng, nhiều doanh nghiệp Mỹ có xu hướng chuyển dịch hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang các nước lân cận, trong đó Việt Nam là một điểm đến tiềm năng.
Tuy nhiên, TS Hiếu cũng nhấn mạnh rằng: "Việt Nam cần chuẩn bị kỹ lưỡng để đón nhận làn sóng đầu tư này. Điều này bao gồm việc cải thiện cơ sở hạ tầng, đơn giản hóa thủ tục hành chính và đảm bảo môi trường kinh doanh minh bạch, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài".
TS Hiếu cũng lưu ý về những thách thức mà nền kinh tế Việt Nam có thể đối mặt trong năm 2025, bao gồm biến động tỷ giá, chính sách bảo hộ thương mại từ các nước lớn và tình hình địa chính trị phức tạp.
Trong khi đó, chuyên gia công nghệ Dương Ngô Anh nói: "Việt Nam có nhiều thuận lợi rõ ràng như nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, là điểm trung chuyển giữa các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, và ASEAN. Việt Nam có lực lượng lao động trẻ, năng động, với chi phí lao động cạnh tranh. Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra nhiều chính sách ưu đãi cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, bao gồm miễn giảm thuế và hỗ trợ cơ sở hạ tầng".
Ngoài ra, ông Dương Ngô Anh đưa ra giải pháp để tăng sức hút. Đó là đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu trong các lĩnh vực STEM và công nghệ. Tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các tập đoàn đa quốc gia trong lĩnh vực công nghệ cao, đồng thời khuyến khích chuyển giao công nghệ.
Vị chuyên gia ngành công nghệ cũng mong muốn có sự đơn giản hóa thủ tục hành chính, nâng cấp hạ tầng và đảm bảo tính minh bạch trong các chính sách đầu tư.
Đầu tư công nghệ cao không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam trên trường quốc tế. Với sự hỗ trợ từ chính phủ và nỗ lực của các doanh nghiệp, Việt Nam có cơ hội trở thành trung tâm công nghệ cao của khu vực trong tương lai gần.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.