Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Nợ tiền tỷ, giấc mơ xây nhà mới không thành (Bài 4)

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 11/07/2022 06:02 AM (GMT+7)
Gặp lại Cường sau hơn 1 năm, gương mặt của anh nom hốc hác, trầm buồn và ít nói hơn hẳn. Anh ghé vào tai tôi nói: "Giấc mơ xây một ngôi nhà mới cho người mẹ già cùng các con của em có lẽ sẽ rất lâu nữa mới trở thành hiện thực".
Bình luận 0

Nợ tiền tỷ vì chăn nuôi lợn thất bại

Tôi gặp Nguyễn Văn Cường, thôn Mai Xá, xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) gần 1 năm trước. Trưa hôm ấy, Cường đi uống rượu ở trong thôn, tôi phải nhờ người quen mới gọi được anh.

Về đến nhà, gương mặt ngăm đen, đỏ ửng, cỏ vẻ lúc ấy Cường đã lâng lâng vì men rượu. Tôi hỏi chuyện lợn, gà ra sao? Cường lắc đầu bảo "anh nhắc đến làm gì, buồn lắm", thế nên chán quá em mới đi uống rượu.

Ngôi nhà Cường đang sống cỡ cũng vài chục năm tuổi, mái ngói đã xô lệch, tường có những đoạn bị nứt, bong tróc. Bên trong chẳng có lấy thứ gì là giá trị, ngoài cái ti vi đã cũ. Trong buồng, mẹ Cường - bà Ngô Thị Thơ đang trông 2 đứa cháu nội (con của Cường) ngủ trưa. Thi thoảng đứa thứ 2 cứ lật bên nọ, lật bên kia vì nóng quá không ngủ được.

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Nợ tiền tỷ, "giấc mơ" xây nhà mới không thành - Ảnh 1.

Anh Nguyễn Văn Cường, thôn Mai Xá, xã Minh Phượng, huyện Tiên Lữ (Hưng Yên) nợ 1,2 tỷ đồng vì chăn nuôi lợn thất bại. Ảnh: Minh Ngọc

Cường vốn có tiếng trong thôn là người hiền lành, chịu khó, anh cũng nổi tiếng về "độ chơi" khi đầu tư hàng trăm triệu đồng để xây dựng chuồng trại để nuôi thường xuyên 300 con lợn. Với những nông hộ ở xã Minh Phượng, cỡ nuôi vài trăm con lợn trong chuồng là lớn lắm rồi.

Bắt tay vào nghề nuôi lợn cũng được gần chục năm nay, nhưng Cường không gặp may mắn như nhiều hộ khác. Lúc trong chuồng nhiều lợn nhất thì lại gặp dịch lở mồm long móng, dịch tả lợn châu Phi phải tiêu hủy cả đàn. Lúc giá cao thì chuồng trống trơn, chả có lấy mống lợn nào.

"Giờ nuôi lợn còn khó hơn cả đánh bạc. Đánh bạc còn đỏ - đen, chứ bây giờ mà nuôi lợn thì cầm chắc phần thua", Cường nói.

Cường kể với tôi, năm 2019, anh mua 50 con lợn giống ở Thanh Hóa về nuôi (giá 1,8 triệu đồng/con), thế nhưng "số đen" mua phải lợn bị dịch tả châu Phi, mua về đến nhà hôm trước, hôm sau lợn bị chết rải rác.

Từ đàn lợn bệnh này đã lây lan sang đàn lợn thịt trên 200 con. Vậy là toàn bộ trang trại, từ lợn nái, lợn thịt, lợn con đều bị đem đi tiêu hủy hết. Thiệt hại lúc ấy cỡ gần 1 tỷ đồng. Nói đến đây giọng Cường chậm lại, đôi mắt chỉ chực khóc.

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Nợ tiền tỷ, "giấc mơ" xây nhà mới không thành - Ảnh 3.

Nhìn những ô chuồng hoen rỉ, bỏ không, Cường không khỏi xót xa, tiếc nuối. Ảnh: Minh Ngọc

Cường bảo với tôi: "Em tiếc đàn lợn vì công sức bao năm gây dựng đàn nái, giờ thì phải bỏ hết". Nhưng điều làm Cường buồn hơn nữa, đó là toàn bộ số tiền đầu tư mở rộng trang trại, mua con giống, cám bã anh đều phải đi vay. "Tai họa tự nhiên ập tới, khiến tiêu tan tất cả", anh nói.

Nói với tôi mà giọng Cường như uất nghẹn, để có tiền chăn nuôi lợn, năm 2019 Cường cầm sổ đỏ của nhà đi vay ngân hàng 200 triệu đồng, 700 triệu đồng là Cường nhờ mẹ đi vay của anh trai, còn 300 triệu đồng đi vay ở ngoài.

"Đây là toàn bộ số tiền vay nợ của em. Lợn thì mất mà nợ thì vẫn ở lại". Cường nói. Mấy tháng vừa rồi Cường không có tiền trả lãi ngân hàng, cán bộ ngân hàng xuống nhà hỏi "vì sao không đóng?", Cường chỉ tay về phía chuồng lợn bỏ không bảo, anh, chị nhìn thì thấy đấy "nhà em có còn gì đâu".

Một cán bộ ngân hàng nói: "Nếu em cứ kéo dài tình trạng này là không được đâu, ngân hàng sẽ thu hồi mảnh đất đã thế chấp vay vốn". Cường đáp: "Còn căn nhà không, anh chị cứ lấy".

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Nợ tiền tỷ, "giấc mơ" xây nhà mới không thành - Ảnh 5.

Những khung sắt bị hoen rỉ bên trong trang trại nuôi lợn của Cường. Ảnh: Minh Ngọc

Kể đến đây, bà Tơ (mẹ Cường) từ trong buồng bước ra nói: "Em nó vừa kể không sai đâu. Tôi biết, vợ chồng nó chịu thương, chịu khó, vợ thì đi làm công nhân, chồng thì ở nhà nuôi lợn. Nhưng cái số nó không được như người ta, cứ lẩn quẩn, nợ nần mãi, khổ".

"Tôi là mẹ, nhưng cũng già rồi thì giúp được gì đâu. Cường nó bảo, cố gắng chăn nuôi lợn vài năm, tích góp được ít tiền thì xây cái nhà mới mà cứ thế này thì biết làm sao bây giờ", bà Tơ buồn bã.

Tôi hỏi Cường: "Thế giờ có còn muốn nuôi lợn tiếp không?", Cường đáp: "Em muốn chứ, nhưng giờ nợ nần ngập ngụa thế này lấy vốn đâu ra, ai dám cho vay nữa".

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Nợ tiền tỷ, "giấc mơ" xây nhà mới không thành - Ảnh 6.

Bà Ngô Thị Tơ - mẹ của Cường tiếc đứt ruột vì đàn lơn 300 con của gia đình bị tiêu hủy do dịch tả lợn châu Phi, dẫn đến cậu con trai lâm cảnh nợ nần. Ảnh: Minh Ngọc

Vớt vát chút hi vọng...

Vừa qua, tôi có dịp ghé thăm Cường, nhưng khung cảnh và không khí vẫn u buồn như gần 1 năm về trước. Dù Cường đã nhen nhóm lại hi vọng bằng việc mua 2 con lợn nái về để gây giống và vài con lợn con.

Ở phía bên kia, những khung sắt, ô chuồng, máng ăn, máng nước bị hoen rỉ, vứt chỏng chơ, mặc cho mưa nắng. Bên trên mái thì mạng nhện giăng đầy. Dẫn tôi đi, ánh mắt của Cường cứ nhìn chúng hồi lâu, anh bảo: "Xót xa lắm nhưng phải chấp nhận thôi...(!)".

Người chăn nuôi bỏ chuồng vì gánh nặng chi phí: Nợ tiền tỷ, "giấc mơ" xây nhà mới không thành - Ảnh 8.

Cả trang trại của Cường nuôi gần 300 con lợn bây giờ bị bỏ không. Ảnh: MInh Ngọc

Cường nói tiếp: "Em muốn chăn nuôi tiếp lắm nhưng những khoản nợ vẫn đè lên vai, nhiều đêm nằm vắt tay lên trán chỉ muốn khóc. Nhưng mình là đàn ông, phải là chỗ dựa cho gia đình nên em quyết tâm chạy vạy tiền để mua 2 con lợn nái để gây giống, chúng sẽ sinh ra nhiều lợn con để em có cơ hội làm lại".

"Ở xã Minh Phượng này nhiều hộ bỏ chăn nuôi rồi, một phần vì nợ nhiều quá không trả được, một phần là chăn nuôi bây giờ không có lãi, họ chán nản, nhiều chuồng trại bỏ không", Cường chia sẻ.





Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem