Nỗi sợ lá gan "bị ốm": Những virus viêm gan nguy hiểm nhất hiện nay (kỳ III)
Nỗi sợ lá gan "bị ốm": Những virus viêm gan nguy hiểm nhất hiện nay (kỳ III)
Diệu Linh
Chủ nhật, ngày 08/05/2022 06:36 AM (GMT+7)
Có nhiều loại virus gây viêm gan, phổ biến là viêm gan A, B, C, D, E, G. Bên cạnh đó còn có một số loại virus khác như MV, EBV, virus herpes… Trong đó, viêm gan virus B và C, E đáng chú ý hơn cả.
PGS.TS Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam - Nguyên Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bạch Mai chia sẻ, viêm gan virus với đặc tính là diễn ra âm thầm, không có triệu chứng rõ ràng vì thế nếu không phát hiện và điều trị kịp thời bệnh sẽ để lại những hậu quả nặng nề như xơ gan, ung thư gan...
Có nhiều loại virus gây viêm gan, phổ biến là viêm gan A, B, C, D, E, G. Bên cạnh đó còn có một số loại virus khác như MV, EBV, virus herpes…trong đó, viêm gan virus B và C là được quan tâm nhiều nhất ở nước ta hiện nay.
Virus viêm gan C
Viêm gan C là một bệnh lây truyền từ người mang virus sang cho người lành theo 3 con đường: đường máu, đường tình dục và mẹ truyền cho con qua nhau thai khi sinh nhưng chủ yếu là lây qua đường máu. Virus viêm gan C có thời kỳ ủ bệnh khá dài (khoảng từ 7 - 8 tuần lễ), sau đó là thời kỳ khởi phát.
"Phòng tránh lây nhiễm viêm gan C bằng cách: tránh tiếp xúc với máu bị nhiễm virus (không dùng chung kim tiêm hay các vật dụng cá nhân dễ gây chảy máu như dao cạo râu, kềm cắt móng tay, bàn chải đánh răng).
Đồng thời mang bao cao su khi quan hệ tình dục với những đối tượng nghi ngờ mắc viêm gan C".
PGS Đỗ Duy Cường
Khoảng 15-30% người mắc virus viêm gan C có thể tự khỏi (khác với viêm gan B là 90%). Số còn lại trở thành viêm gan C mãn tính hoặc trở thành người lành mang virus viêm gan C.
Đáng nói, bệnh viêm gan C mãn tính tiến triển thầm lặng qua 10 - 30 năm, vì thế người bệnh thường không được chẩn đoán và điều trị kịp thời và có nhiều nguy cơ biến chứng.
Khoảng 10-20% người bị viêm gan C mãn tính chuyển thành xơ gan và 5% trong số họ bị ung thư gan. Những người viêm gan C mãn tính vẫn sinh hoạt bình thường, không có triệu chứng gì, đến khi bị xơ gan hay ung thư gan mới phát bệnh.
"Đa số các trường hợp viêm gan C cấp tính thường có triệu chứng tương tự với các triệu chứng của cảm cúm thông thường như: người mệt mỏi; đau nhức cơ; ăn không ngon miệng, buồn nôn; nhức đầu; nóng sốt; rối loạn tiêu hóa; đau bụng; nước tiểu sẫm màu; có hiện tượng vàng da, vàng mắt...", PGS.TS Đỗ Duy Cường – Giám đốc Trung tâm bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) khuyến cáo.
Virus viêm gan B
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền, Trưởng Khoa Khám Bệnh (Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2) cho biết, virus viêm gan B là virus có thể gây ra tổn thương gan, hủy hoại tế bào gan… và là căn nguyên hàng đầu gây ung thư gan tại Việt Nam.
"Để phòng tránh nhiễm virus viêm gan B: Tiêm vaccine viêm gan B là biện pháp an toàn nhất.
Các bà mẹ cần cho trẻ tiêm vaccine viêm gan B mũi đầu tiên ngay trong 24 giờ đầu sau sinh. Các mũi tiếp theo nằm trong Chương trình tiêm chủng mở rộng".
Bác sĩ Nguyễn Nguyên Huyền
Theo thống kê của tổ chức y tế thế giới thì năm 2017, tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B tại Việt nam là 8,1%. Virus viêm gan B có mặt ở trong tất cả các dịch cơ thể nhưng nó chỉ lây lan qua tiếp xúc máu trực tiếp, quan hệ tình dục không được bảo vệ, và mẹ truyền sang con khi mang thai hoặc khi sinh.
Theo bác sĩ Huyền, phần lớn, người mắc viêm gan B luôn cảm thấy khỏe mạnh và không có bất kỳ dấu hiệu gì cảnh báo.
Trường hợp hệ thống miễn dịch của người mắc viêm gan B phản ứng với virrus viêm gan B thì người mang virus có thể cảm thấy không khỏe, cảm thấy ốm yếu, mệt mỏi, đôi khi có sốt, đi tiểu nước vàng, đau khớp, đau dạ dày, vàng da, vàng mắt hoặc chán ăn, sợ mỡ.
"Đáng nói 10% người mắc virus viêm gan B chuyển thành viêm gan B mạn tính và có thể gây biến chứng. 30% người mắc viêm gan B mạn sẽ tiến triển thành xơ gan; 5-10% sẽ tiến triển thành ung thư gan. Tại Việt Nam, hơn 60% người ung thư gan là có mắc viêm gan B", bác sĩ Huyền cho biết.
Virus viêm gan E
Bác sĩ Chu Xuân Anh (Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm - Bệnh viện Trung ương quân đội 108) cho biết, virus viêm gan E chủ yếu lây truyền qua đường ăn uống.
Theo bác sĩ Xuân Anh, phần lớn các trường hợp nhiễm virus viêm gan E không có biểu hiện triệu chứng, tự khỏi trong vòng 4-6 tuần. Khoảng 7-30% các trường hợp còn lại có biểu hiện triệu chứng viêm gan cấp, thời gian ủ bệnh 15-60 ngày, trung bình 40 ngày sau khi phơi nhiễm.
Các triệu chứng bao gồm sốt, mệt mỏi, đau mỏi cơ khớp, chán ăn, buồn nôn hoặc nôn. Một số ít có biểu hiện vàng da vàng mắt, tiểu sẫm màu, phân bạc màu, ngứa ngoài da. Bệnh thường tự khỏi và hồi phục trong vòng 2 đến 6 tuần.
Tuy nhiên, một số ít các trường hợp có thể diễn biến nặng gây suy gan cấp, tỷ lệ tử vong trong các vụ dịch dao động 1-3%. Với bệnh nhân là phụ nữ đang mang thai, viêm gan E có thể gây bệnh trầm trọng hơn với tỷ lệ tử vong cao hơn.
Trong nhóm bệnh nhân viêm gan E đang mang thai ở 3 tháng cuối của thai kỳ, thống kê các nghiên cứu cho thấy tỷ lệ tử vong có thể cao từ 10 đến 30%.
"Đồng thời, viêm gan E có thể thúc đẩy tình trạng suy gan tiến triển trên những người có bệnh gan mãn tính trước đó hoặc những bệnh nhân được ghép tạng phải điều trị thuốc ức chế miễn dịch", bác sĩ Xuân Anh chia sẻ.
Ngoài ra, các virus gây viêm gan khác như virus viêm gan A và E không gây bệnh viêm gan mạn, virus viêm gan D chỉ lây truyền có mặt viêm gan B...
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ lưu hành bệnh viêm gan B thuộc nhóm cao của thế giới.
Theo kết quả một số nghiên cứu, tỷ lệ lưu hành virus viêm gan B của một số địa phương ở nước ta khoảng 10-25% dân số, trong đó tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B ở người khỏe chiếm khoảng 8-25%.
Tỷ lệ nhiễm virus viêm gan C chiếm khoảng 0,4% đến 4,1% dân số tại cộng đồng.
Bên cạnh đó, bệnh viêm gan do các virus viêm gan A, D, E cũng đang âm thầm tác động đến sức khỏe của các nhóm dân cư trong cộng đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.