Nóng bỏng dịch Covid -19, có nên startup, đổ tiền khởi nghiệp ?
Nóng bỏng dịch Covid -19, có nên startup, đổ tiền khởi nghiệp ?
Hồng Phúc
Thứ sáu, ngày 27/11/2020 14:24 PM (GMT+7)
Covid-19 vẫn còn diễn biến phức tạp trên thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh và nhu cầu trong nước vẫn chưa thể phục hồi hoàn toàn. Có nên startup, đổ tiền khởi nghiệp trong lúc kinh tế còn nhiều bất định hay tiếp tục nuôi ý tưởng chờ sang năm 2021-2022 ?
Đây là vấn đề được nhiều người trẻ và cộng đồng khởi nghiệp quan tâm tại Diễn đàn Shark Tank Forum 2020 với chủ đề "Định nghĩa lại tương lai" diễn ra tại TP.HCM hôm 26/11. Theo các doanh nhân, trong bối cảnh nhiều biến động vì rủi ro Covid-19 nhưng cơ hội vẫn "rộng cửa" cho startup, thậm chí là "thời điểm vàng" dành cho các startup công nghệ, chuyển đổi số.
Startup công nghệ nên mạnh dạn
Chủ tịch Tập đoàn NextTech - ông Nguyễn Hòa Bình nhận định năm 2020, có thể xem là một cơ hội đặc biệt dành cho các startup. Ông nói nếu như trước đây, startup đã đổ tiền vào những lĩnh vực, thị trường chưa ai làm thì chắc chắn Covid-19 là cơ hội, những startup nào bắt kịp cơ hội sẽ thành công lớn.
Ông cho rằng nếu có ý tưởng khởi nghiệp trong bối cảnh hiện nay, nhất là ở lĩnh vực số theo hướng kinh tế "không chạm" và nhiều mô hình kinh doanh bứt phá khác, startup cứ nên mạnh dạn.
"Khi dịch bệnh đến chúng tôi nói à thời cơ của mình đây rồi. Đây là cơ hội thị trường bất mãn mô hình cũ chuyển sang mô hình mới. Nhưng chỉ khi duy trì được tinh thần khởi nghiệp và làm việc, duy trì cấu trúc tổ chức luôn luôn sẵn sàng thì mới có thể đáp ứng trong bất kỳ tình huống nào", Shark Bình nói.
Dẫn chứng tại doanh nghiệp mình, ông cho hay vào tháng 4, khi các biện pháp giãn cách xã hội trong nước được áp dụng, doanh thu các công ty trong NextTech giảm nhẹ nhưng ngay sau đó, đã tăng trở lại thậm chí vượt mặt so với cùng kỳ năm 2019. Shark Bình tiết lộ dự kiến doanh số năm 2020 của tập đoàn tăng đến 80% so với cùng kỳ năm ngoái, nhờ làn sóng dịch chuyển từ trực tiếp sang trực tuyến.
"Tôi cũng thừa nhận thất bại với startup là bình thường, mất tiền là chủ yếu. Chúng tôi chuyên về startup và mất mát nhiều hơn thành công nhưng văn hóa là luôn giữ tinh thần khởi nghiệp, nhờ đó, khi thời cơ đến, chúng tôi nắm bắt ngay", ông nói.
Phó Tổng giám đốc đầu tư quỹ Dragon Capital - TS. Lê Anh Tuấn, cho biết thêm với góc nhìn của quỹ đầu tư, theo ông, có tâm lý lo sợ bão Covid-19 nhưng vấn đề là Việt Nam đã trở thành một trong những điểm sáng của thế giới về phòng chống dịch và tăng trưởng kinh tế từ đầu năm đến nay. "Tại sao trong tâm bão chúng ta không sợ nhưng khi ra khỏi tâm bão thì lại sợ", ông Tuấn đặt vấn đề.
Theo ông, cơ sở hạ tầng vài năm qua đã được Chính phủ quan tâm và nhắc đến rất nhiều, nhất là chú trọng việc giải ngân, điều này sẽ làm động lực cho nền kinh tế. Ông cho rằng dòng vốn đầu tư vào Việt Nam trong năm 2021 sẽ tiếp tục khả quan và tăng trưởng dương, vừa hỗ trợ cho nền kinh tế, trong đó có cả các startup.
"Cá mập" tìm startup
Shark Nguyễn Mạnh Dũng - nhà sáng lập và Giám đốc điều hành quỹ Do Ventures, nhận định trong bối cảnh hiện nay, nếu startup về các lĩnh vực y tế, giáo dục và bán hàng trên nền tảng trực tuyến sẽ nhiều tiềm năng và các nhà đầu tư cũng đang chú ý đến các startup này để rót vốn.
Ông Dũng cũng tự nhận mình là người "khởi nghiệp ở tuổi 40" với quỹ Do Ventures vừa ra mắt cách đây ít tháng giữa tình hình Covid-19.
"Mục tiêu của tôi là đi khởi nghiệp để hỗ trợ khởi nghiệp. Nếu có ý tưởng liên quan công nghệ thì Do Ventures sẽ hỗ trợ hết mình. Nhờ có đối tác lớn từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore nên giá trị đầu tư hiện nay cũng lớn hơn trước, tốc độ ra quyết định nhanh hơn để hỗ trợ startup", Shark Dũng tiết lộ.
Ông cập nhất, quỹ này đã giải ngân thành công cho 3 startup, đến cuối năm sẽ có tổng cộng 10 công ty được rót vốn. "Cá mập" này cũng kỳ vọng có nhiều startup công nghệ tiềm năng để bắt tay hợp tác trong năm 2021, phấn đấu sẽ có 15 công ty được rót vốn.
Cũng nói về startup, Chủ tịch HĐQT FPT Telecom - ông Hoàng Nam Tiến, cho rằng các công ty có quy mô nhỏ có nhiều lợi thế hơn so với các "ông lớn" trong bối cảnh dịch bệnh vì sự linh hoạt, thích ứng tốt. Ông cho rằng doanh nghiệp có quy mô càng lớn thì càng đối mặt với nhiều rủi ro, bởi chậm thích ứng, quy trình không thể linh hoạt, nói thay đổi là thay đổi ngay được.
Tương tự những nhà đầu tư khác, ông cũng mời gọi các startup tham gia cùng FPT Telecom trong hoạt động khởi nghiệp. Những lĩnh vực mà "ông lớn" công nghệ này chú trọng, muốn bắt tay hợp tác với startup là y tế cộng đồng, logistics và kinh tế chia sẻ,…
Ông nhấn mạnh đây là cơ hội cho startup trong thời khủng hoảng, nhất là những startup về công nghệ, chuyển đổi số, nắm bắt xu hướng kinh tế "không chạm", từ đó phát triển sản phẩm, dịch vụ… phù hợp nhu cầu khách hàng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.