Nông dân nơi này của Lai Châu khá giả nhờ mô hình trồng cỏ nuôi trâu, nuôi bò tập trung

Vinh Duy – Bảo Anh Thứ tư, ngày 22/06/2022 19:00 PM (GMT+7)
Nuôi trâu, nuôi bò tập trung quy mô hàng hoá, người dân xã Khun Há (Huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) vừa giữ vệ sinh môi trường, vừa có thu nhập khá.
Bình luận 0

Clip: Nuôi trâu, nuôi bò tập trung giúp nông dân xã vùng cao Khun Há, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu khá giả.

Nuôi trâu, bò tập trung, mô hình mới ở Hun Khá

Khun Há là xã vùng cao của huyện Tam Đường (tỉnh Lai Châu), có diện tích đất nông nghiệp ít, địa hình không bằng phẳng, nhiều khe suối với độ dốc lớn nên việc phát triển chăn nuôi và trồng trọt của bà con gặp nhiều khó khăn. 

Mô hình chăn nuôi trâu, bò tập trung theo hướng sản xuất hàng hoá đã mở ra hướng đi mới cho bà con nơi đây. Mô hình này có ưu điểm góp phần giữ vệ sinh môi trường, phòng chống được dịch bệnh, gia súc khoẻ mạnh tăng đàn nhanh, ổn định nên bà con hồ hởi học hỏi nhau thực hiện.

Chia sẻ với phóng viên Dân Việt Điện tử, ông Vàng A Súa - Phó Bí thư Đảng ủy xã Khun Há (Huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) cho biết: Phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, thời gian qua, xã Khun Há tập trung tuyên truyền các hộ gia đình chăn nuôi gia súc tập trung, theo hướng sản xuất hàng hóa, chú trọng phòng chống dịch bệnh, nhờ đó đàn gia súc của xã tăng nhanh về số lượng, duy trì tăng trưởng ổn định 6% 1 năm.

Chăn nuôi gia súc tập trung - nông dân Khun Há khấm khá - Ảnh 2.

Từ mô hình nuôi nhốt tập trung, đàn gia súc xã Khun Há (Huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) tăng nhanh về số lượng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ảnh: Bảo Anh

Bắt tay vào thực hiện, xã triển khai đồng thời nhiều giải pháp như quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung, lồng ghép các nguồn vốn để hỗ trợ người dân mua giống, mở rộng quy mô chuồng trại; vận động người dân chuyển đổi diện tích đất trống, đồi trọc để trồng cỏ voi; chủ động phòng chống dịch bệnh, phòng chống đói rét cho đàn gia súc... 

"Các chính sách hỗ trợ người nông dân nâng cao tỷ lệ cơ giới hoá trong sản xuất nông nghiệp ngày càng cao, thì việc nuôi trâu, bò để lấy sức kéo không còn quan trọng như trước. Chính vì vậy, xã Khun Há tăng cường vận động nhân dân chuyển đổi mục đích, từ chăn nuôi lấy sức kéo sang chăn nuôi theo hướng tập trung, sản xuất hàng hoá", ông Súa nhấn mạnh. 

Hun Khá khấm khá nhờ nuôi trâu, bò

Trước đây, gia đình anh Hảng A Tênh, bản Thèn Thầu, xã Khun Há (Huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ. Vài năm trở lại đây, thấy được hiệu quả từ việc chăn nuôi gia súc, anh quyết định xây dựng chuồng trại kiên cố để nuôi trâu thương phẩm với quy mô đàn 15 con, mỗi năm gia đình anh xuất bán từ 3 - 4 con.

Tam Đường: Chăn nuôi gia súc tập trung - nông dân Khun Há khấm khá   - Ảnh 4.

Nông dân xã Khun Há (Huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu) nuôi trâu, bò tập trung, theo hướng sản xuất hàng hoá. Ảnh: Vinh Duy

Nhờ nuôi trâu theo hướng hàng hoá, thu nhập của gia đình anh Tênh ổn định hơn. Trung bình mỗi con trâu xuất bán, sau khi trừ chi phí, anh Tênh thu lãi khoảng 15 triệu đồng. Từ nguồn thu đó, anh Tênh có điều kiện mua sắm vật dụng sinh hoạt trong gia đình như tivi, xe máy và lo cho các con ăn học.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Tênh nhớ lại: Trước đây, một phần do thiếu kinh nghiệm và thiếu nguồn vốn nên gia đình chỉ chăn nuôi theo mô hình nhỏ lẻ, không có chuồng trại. Gia súc hầu hết thả rông, hay bị nhiễm dịch bệnh. Từ ngày được các cấp chính quyền quan tâm, tạo điều kiện cho tiếp cận nguồn vốn của Ngân hàng chính sách xã hội thông qua Hội Nông dân xã, đến nay, gia đình tôi chuyển sang nuôi nhốt tập trung, đàn gia súc luôn khỏe mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tam Đường: Chăn nuôi gia súc tập trung - nông dân Khun Há khấm khá   - Ảnh 5.

Nhờ mạnh dạn chuyển đổi mục đích, từ chăn nuôi trâu, bò lấy sức kéo sang chăn nuôi theo hướng tập trung đã mang lại hiệu quả kinh tế cho bà con xã Khun Há. Ảnh: Bảo Anh

Theo anh Tênh và bà con trong xã Khun Há, ngoài việc đảm bảo nguồn thức ăn cho gia súc, cần tăng cường theo dõi dịch bệnh, tiêm vaccine định kỳ. Đối với những gia súc sắp đẻ cần theo dõi thường xuyên hơn để đàn gia súc khoẻ mạnh và tăng đàn ổn định.

Đưa chúng tôi đi thăm các mô hình chăn nuôi tập trung tiêu biểu của bà con trong xã, ông Vàng A Súa - Phó Bí thư Đảng ủy xã chia sẻ thêm: Giải bài toán kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân ngay trên mảnh đất quê hương, tận dụng tiềm năng, lợi thế của xã với quyết tâm phát triển chăn nuôi gia súc trở thành thế mạnh của địa phương, xã đẩy mạnh tuyên truyền vận động bà con mở rộng quy mô chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa.

Tam Đường: Chăn nuôi gia súc tập trung - nông dân Khun Há khấm khá   - Ảnh 6.

Hiện xã Khun Há có đàn trâu, bò gần 2.000 con, đạt 86,5% kế hoạch năm 2022. Ảnh: Vinh Duy

Nhờ đó, đến hết năm 2021, trên 85% hộ gia đình trong xã đã kiên cố chuồng trại và trồng cỏ voi phục vụ chăn nuôi. Giữ vững tốc độ tăng trưởng đàn gia súc, gia cầm. Hiện toàn xã có đàn gia súc gần 2.000 con, đạt 86,5% kế hoạch năm, trong đó: đàn trâu 569 con; đàn bò 6 con; đàn lợn 1.340 con; đàn ngựa 22 con.

Được biết, xã Khun Há là một trong những địa phương đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới của huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Năm 2021 vừa qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã vui mừng đón nhận danh hiệu xã nông thôn mới. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 36 triệu/người/năm.

Trong thời gian tới, xã Khun Há tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân nâng cao nhận thức, chủ động thay đổi, cải tiến phương thức chăn nuôi. Khuyến khích phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng hàng hóa; tích cực phòng chống dịch bệnh… Đồng thời, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tạo nguồn vốn cho người dân vay vốn để xây dựng chuồng trại, mở rộng quy mô chăn nuôi, góp phần xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem