Nông nghiệp đô thị là giải pháp phòng tránh tốt tình trạng ngộ độc thực phẩm

Nguyên Vỹ - Quang Sung Thứ năm, ngày 06/06/2024 15:58 PM (GMT+7)
Nông nghiệp đô thị chính là giải pháp phòng tránh tốt nhất ngộ độc thực phẩm vốn đang tăng nhanh.
Bình luận 0

GS. TS. Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ như thế tại Hội thảo Nông nghiệp đô thị - Lợi ích kép cho người dân đô thị, do Báo Kinh tế và Đô thị tổ chức tại TP.HCM ngày 6/6.

Vai trò của nông nghiệp đô thị trước biến đổi khí hậu

Theo thống kê, năm 2023, toàn quốc ghi nhận 125 vụ ngộ độc thực phẩm, làm hơn 2.100 người ngộ độc và 28 người chết. Trong khi đó, năm 2022 chỉ xảy ra 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc và 18 người tử vong.

"Ngoài đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, một lý do khác cho sự cần thiết phát triển nông nghiệp đô thị chính là vấn đê vệ sinh an toàn thực phẩm", TS. Nguyễn Văn Bộ nói.

GS. TS. Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về vai trò của nông nghiệp đô thị. Ảnh: Nguyên Vỹ

GS. TS. Nguyễn Văn Bộ, Nguyên Giám đốc Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam chia sẻ về vai trò của nông nghiệp đô thị. Ảnh: Nguyên Vỹ

Theo định nghĩa của FAO, nông nghiệp đô thị là trồng trọt và chăn nuôi trong và xung quanh thành phố, để cung cấp thực phẩm tươi sống, tạo việc làm, tái chế chất thải và tăng cường khả năng phục hồi của thành phố trước biến đổi khí hậu.

Còn theo TS. Nguyễn Văn Bộ, các hoạt động trong nông nghiệp đô thị tại Việt Nam có thể rộng hơn. Nông nghiệp đô thị có thể dùng chung cho cả nông nghiệp trong nội đô và vùng ven đô.

Tuy nông nghiệp không đóng góp tỷ trọng lớn trong GDP của các đô thị (dưới 5% tại các đô thị lớn), song luôn giữ vai trò rất quan trọng.

Không chỉ đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm tại chỗ, một lý do khác cho sự cần thiết phát triển Nông nghiệp đô thị chính là vấn đê vệ sinh an toàn thực phẩm.

Nông nghiệp đô thị tạo ra chuỗi cung ứng ngắn, nông sản được tiêu thụ trực tiếp nên giảm chi phí cho bảo quản, chế biến, giảm thất thoát và lãng phí nông sản.

Nông dân trồng rau thủy canh tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân trồng rau thủy canh tại TP.Thủ Đức (TP.HCM). Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông nghiệp đô thị tạo thêm công ăn việc làm, tăng thu nhập, kể cả cho người lớn tuổi, trẻ em; tạo môi trường cảnh quan xanh, sạch; bảo tồn các nguồn tài nguyên di truyền bản địa, đặc hữu.

"Thêm vào đó, nông nghiệp đô thị có thể tạo tiền đề cho phát triển du lịch và gần gũi hơn là giúp giảm stress sau một ngày/tuần lao động mệt nhọc", TS. Bộ chia sẻ.

Nông nghiệp đô thị còn tồn tại nhiều hạn chế

Theo TS. Nguyễn Đăng Nghĩa - Chuyên gia Nông nghiệp, quá trình đô thị hoá khiến đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp. Vì thế, nông nghiệp đô thị được xem là giải pháp khả thi để đáp ứng một phần về nhu cầu lương thực, rau quả cho người dân.

Tuy nhiên, nông nghiệp đô thị chưa phát triển mạnh mà chỉ mới dừng lại ở mức độ tự phát, nhỏ lẻ ở các hộ gia đình. Họ tranh thủ thời gian rảnh canh tác quanh nhà. TS. Nghĩa cho rằng, hình thức sản xuất như trên không được xem là nông nghiệp đô thị.

Bởi nông nghiệp đô thị là một ngành công nghiệp. Trong đó, sản xuất nông nghiệp được thực hiện ở khu vực đô thị và vùng ven đô thị với các hoạt động bao gồm vận chuyển, chế biến, tiếp thị, kinh doanh nông sản và các dịch vụ phi nông nghiệp do cư dân đô thị thực hiện.

Nông dân trồng dưa trong nhà màng ở huyện Hóc Môn (TP.HCM). Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân trồng dưa trong nhà màng ở huyện Hóc Môn (TP.HCM). Ảnh: T.L

Để nông nghiệp đô thị phát triển, TS. Nghĩa cho rằng, cần thiết phải thực hiện các giải pháp về về quy hoạch và ứng dụng khoa học công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

TS. Bộ cũng cho rằng, tồn tại lớn nhất cho phát triển nông nghiệp đô thị ở Việt Nam chính là chất lượng đô thị hoá chưa cao, phát triển đô thị theo chiều rộng là chủ yếu, gây lãng phí về đất đai. Chính nguyên nhân này đã làm cho nông nghiệp đô thị bị ảnh hưởng, thiếu quy hoạch và không ổn định.

Về tính tự phát của nông nghiệp đô thị, TS. Bộ chia sẻ, đến nay chưa có một chủ trương, chính sách chính thức nào của Nhà nước liên.

Hai thành phố lớn nhất của cả nước thì TP.HCM mới phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị vào ngày 29/12/2023, và cũng chưa thể đi vào cuộc sống.

Riêng TP.Hà Nội cũng mới chỉ phê duyệt Đề cương Đề án nông nghiệp đô thị mà chưa có đề án chính thức.

Nông dân ứng dụng công nghệ cao để trồng rau giữa lòng đô thị tại quận Tân Phú (TP.HCM). Ảnh: Nguyên Vỹ

Nông dân ứng dụng công nghệ cao để trồng rau giữa lòng đô thị tại quận Tân Phú (TP.HCM). Ảnh: Nguyên Vỹ

Vì thế, TS. Bộ khuyến nghị, quy hoạch đô thị cần lồng ghép với phát triển nông nghiệp đô thị, có tính đến đặc thù của vùng nội đô và ven đô, đến sản phẩm đặc sản, đặc hữu, bản địa và yêu cầu của thị trường.

Với điều kiện quỹ đất hạn hẹp, để phát triển nông nghiệp đô thị bền vững, việc ứng dụng công nghệ cao, tuần hoàn, kinh tế số trong chuỗi sản xuất là yếu tố quyết định

Về đầu tư, TS. Bộ cũng đề xuất các các địa phương tham khảo chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị của TP.HCM để có chính sách phù hợp cho địa phương mình.

Theo Quyết định số 6002/QĐ-UBND ngày 29/12/2023 của UBND TP.HCM phê duyệt Chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn Thành phố giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện tại, TP.HCM cho mỗi dự án vay tối đa 200 tỉ đồng, mức hỗ trợ lãi suất từ ngân sách có thể ở mức 60, 80 và 100% với thời gian hỗ trợ không quá 5 năm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem