Việt Nam chuyển đổi hệ thống lương thực gắn với nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị

Minh Ngọc Thứ hai, ngày 24/04/2023 14:03 PM (GMT+7)
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan tại Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững, tổ chức tại Hà Nội.
Bình luận 0

Chia sẻ kinh nghiệm của Việt Nam trong chuyển đổi hệ thống lương thực thực phẩm (LTTP) tại phiên tọa đàm cấp Bộ trưởng của Hội nghị toàn cầu lần thứ 4 hệ thống lương thực thực phẩm bền vững với chủ đề "Cùng nhau chuyển đổi hệ thống lương thực, thực phẩm lành mạnh, bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu trong bối cảnh khủng hoảng mới", ngày 24/4. Bộ trưởng NNPTNT Lê Minh Hoan cho biết, Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ rất lớn trong giảm nghèo đã được Liên Hợp quốc và nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rất cao.

Theo ông, Việt Nam là đất nước đang phát triển và có chỉ số giảm nghèo ấn tượng. Trong đó, vấn đề đảm bảo an ninh lương thực đã góp phần vào chỉ số giảm nghèo của Việt Nam.

Nông nghiệp Việt Nam đứng trước thách thức với 3 cái “biến” - Ảnh 1.

Phiên tọa đàm 1 cấp Bộ trưởng có sự tham gia tọa đàm của Bộ trưởng NNPTNT Việt Nam - Lê Minh Hoan; Bộ trưởng Nông nghiệp Thụy Sĩ - Christian Hofer; Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Ethiopia - Meles Mekonen. Ảnh: Tùng Đinh

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho biết, đứng trước những bất ổn của kinh tế và chuỗi cung ứng toàn cầu, nông nghiệp được xác định với vai trò trụ đỡ. Tuy nhiên, theo ông, đặc điểm của nông nghiệp Việt Nam vẫn sản xuất quy mô nhỏ, nông dân vẫn là người dễ bị "tổn thương" nhất đối với những bất ổn, cũng như biến động trong tiếp cận xu thế thương mại trên thế giới.

Hiện nay, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 "biến" rất lớn đó là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Điều này là những thách thức với Việt Nam.

Bên cạnh đó, do nhiều năm để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu, đặc biệt là ngành hàng lúa gạo thì phương thức canh tác, thâm dụng tài nguyên là thách thức rất lớn, đánh đổi môi trường, đa dạng sinh học trong khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới khắt khe hơn, đảm bảo về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc… là thách thức với Việt Nam.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng cho hay, tại Hội nghị COP26, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết đến năm 2050 đưa phát thải ròng bằng 0 và Việt Nam đang cam kết tham gia vào các sáng kiến về phát thải khí metan, tuyên bố Glasgow về rừng và sử dụng đất. Trong tất cả chiến lược của Bộ NNPTNT đã tiếp cận theo cam kết đó và ngành chăn nuôi, thủy sản, lâm nghiệp đóng vai trò quan trọng.

Ông cho rằng, Việt Nam đã có những cam kết mạnh mẽ để tham gia hệ thống LTTP thích ứng thông minh, những tác động ngày càng nghiêm trọng, dịch bệnh toàn cầu làm sao để sử dụng tài nguyên bền vững hơn để thể hiện đa dạng nguồn sinh kế của nông dân. "Việt Nam xem việc chuyển đổi hệ thống LTTP có vai trò quan trọng trong nỗ lực đạt được mục tiêu phát triển bền vững".

Nông nghiệp Việt Nam đứng trước thách thức với 3 cái “biến” - Ảnh 2.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, nền nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước 3 cái "biến" rất lớn đó là: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Ảnh: Tùng Đinh

Ngày 28/3/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành "Kế hoạch hành động quốc gia chuyển đổi Hệ thống lương thực thực phẩm minh bạch, trách nhiệm và bền vững ở Việt Nam đến năm 2030", với mục tiêu chuyển đổi hệ thống LTTP từ sản xuất, chế biến, phân phối đến tiêu dùng minh bạch, trách nhiệm và bền vững đảm bảo vững chắc an ninh lương thực, nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân, đảm bảo môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam và tham gia trách nhiệm với thế giới.

Ông Hoan nhấn mạnh, việc chuyển đổi hệ thống LTTP được xem là nhiệm vụ liên ngành với sự tham gia của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương, kể cả khu vực công và tư, tận dụng nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế.

"Việt Nam chuyển đổi hệ thống LTTP gắn liền với nông nghiệp sinh thái, tích hợp đa giá trị, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường khả năng chống chịu trước các "cú sốc" lớn và góp phần nâng cao uy tín và sử dụng thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam", Bộ trưởng chia sẻ.

Ông Hoan cho biết, để tiếp tục chuyển đổi hệ thống LTTP, Việt Nam đề ra các nhiệm vụ như: Rà soát, đánh giá hoàn thiện cơ chế, chính sách, quy chuẩn, tiêu chuẩn trong sản xuất, chế biến và tiêu dùng theo hướng minh bạch trách nhiệm, bền vững; Phát triển cung ứng đầu vào cho sản xuất; Phát triển nông nghiệp; Phát triển hệ thống chế biến và phân phối; Thúc đẩy hệ thống tiêu dùng...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem