NSND Thu Hiền, Thái Bảo nghẹn ngào kể kỷ niệm hát cho các linh hồn liệt sỹ
NSND Thu Hiền, Thái Bảo nghẹn ngào kể về những lần hát cho các linh hồn liệt sỹ, thương binh trên trận địa
Hà Tùng Long
Thứ tư, ngày 27/07/2022 15:08 PM (GMT+7)
Trong không khí cả nước hướng về 75 năm ngày Thương binh - Liệt sỹ, NSND Quang Thọ, NSND Thu Hiền và NSND Thái Bảo đã hồi ức lại những kỷ niệm đầy khó quên trong nghiệp hát của mình.
Với thế hệ trẻ, câu chuyện của chiến tranh đã qua có thể là những vệt mờ trong ký ức bởi họ là thế hệ sinh sau đẻ muộn, nhưng với thế hệ lớn tuổi, chiến tranh là câu chuyện gây ám ảnh khôn nguôi. Dù 40 năm hay 50 năm trôi qua đi chăng nữa thì những ký về một thời đạn bom mà hào hùng, một thời đói khổ mà anh dũng, một thời tiếng hát át tiếng bom… vẫn sẽ nằm trong một góc sâu kín của tâm hồn. Có lẽ vì thế mà mỗi khi gợi nhắc chuyện xưa, NSND Thu Hiền, NSND Quang Thọ, NSND Thái Bảo… đều rất khó để cầm lòng.
NSND Quang Thọ nhớ như in kỷ niệm đang đứng thì máy bay Mỹ tập kích
Lần giở lại những trang ký ức, NSND Quang Thọ kể với Dân Việt rằng, ông không phải nghệ sỹ mặc áo lính nhưng ông may mắn có 40 năm biểu diễn phục vụ các chiến sỹ trong cả thời chiến lẫn thời bình. Ông nhớ rất rõ, ngày 5/8/1964, khi quân và dân ta đánh thắng trận tập kích bằng không quân của Mỹ tại Khu IV và Quảng Ninh, ông đang phục vụ văn nghệ cho các chiến sỹ tự vệ của mỏ than Cọc Sáu (Quảng Ninh). Thời điểm đó, ông đang là anh công nhân mỏ than chứ chưa bước sang ca hát chuyên nghiệp. Cho đến bây giờ, nghệ sỹ vẫn nhớ như in trong tâm khảm của mình những giây phút ấy…
"Đúng 17h ngày 5/8/1964, tôi đang cùng anh em biểu diễn ở một đồi pháo thì bất ngờ có tiếng còi báo động vang lên. Đó là lần đầu tiên, không quân Mỹ xuất hiện ở miền Bắc. Mọi người nhanh chóng nhảy xuống giao thông hào.
Vốn tò mò, tôi ngoái đầu nhìn về phía trong rừng thì thấy một chiếc máy bay sà xuống ngay trên đầu, rồi lao xuống vịnh Bái Tử Long. 5 phút sau, một chiếc máy bay khác tiếp tục lao xuống. Quân ta bắt gọn 2 phi công của địch. Đó là buổi diễn bị ngắt quãng tôi không bao giờ quên. Biết tôi chứng kiến sự việc, tối đó, người dân còn kéo lên hỏi han, tò mò xem máy bay thế nào, bị bắn ra sao", nam nghệ sỹ hồi tưởng.
Theo nghệ sĩ Quang Thọ, thời còn là thợ mỏ, ông đã hát cho những chiến sỹ tự vệ, những người lính trên những trận địa ở các đảo... Ngày ấy, những chiến sỹ không có điều kiện thưởng thức văn hóa, nghệ thuật như bây giờ. Các văn công đến với các chiến sỹ hoàn toàn bằng tình cảm của mình, chỉ bằng một cây đàn guitar hoặc một chiếc đàn Accor với những "sân khấu" dã chiến, song lúc đó tôi thấy mình hát rất hay và các chiến sỹ thì thưởng thức một cách chân thành và say mê.
"Vào những năm đầu của thập niên 70, tôi theo những đoàn quân vượt Trường Sơn trên đường đi giải phóng miền Nam thống nhất đất nước… Mặc dù tôi không phải là một quân nhân, song tôi đã mang tiếng hát, tâm hồn mình đến với các chiến sỹ từ Bắc vào Nam. Cảm xúc của tôi trong những ngày tháng này không khác gì với những người lính đã và đang cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc vì tôi là một người lính chiến đấu bằng con tim và giọng hát của mình", nghệ sỹ Quang Thọ bày tỏ.
NSND Thu Hiền nổi da gà với những kỷ niệm khi hát trong nghĩa trang liệt sỹ
NSND Thu Hiền cũng tâm sự với Dân Việt, bà có một người em trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, phần mộ vẫn đang đặt tại Quảng Trị. Vì thế, mỗi lần đi qua mảnh đất này, bà luôn có những cảm xúc khó tả. Và không chỉ riêng Quảng Trị mà cả mảnh đất miền Trung, mỗi lần xe đi qua nơi đây, bà lại không thể nào ngăn được những dòng ký ức xưa hiện về. Bởi cả tuổi trẻ, bà xuôi ngược trên con đường ấy, vùng đất ấy… sống nhờ những củ khoai, củ sắn và sự che chở của người dân.
Thời chiến tranh khói lửa, NSND Thu Hiền được cử vào chiến trường phục vụ văn nghệ cho các chiến sỹ trên các tuyến lửa. Bà hát trên trận địa, bên cạnh chiến hào, trạm y tế dã chiến và cả trong khu nghỉ dưỡng của thương binh.
"Nhớ nhất là mỗi lần chúng tôi đi qua phà, văn công được ưu tiên hát cho các thương binh từ chiến trường ra và lúc nào tôi cũng được công kênh lên đầu tiên để hát cho thương binh. Một người tôi cũng hát, hai người cũng hát.
Rồi hát trong địa đạo, chúng tôi hát dưới ánh đèn măng-xông, hát bằng ống bơ lấy từ chiến lợi phẩm thu được trên chiến trường, mỗi lần hát thì tiếng vang ra. Rồi những năm tháng đó, thuốc gây tê rất hiếm nên mỗi khi có kíp mổ cho thương binh, chúng tôi lại vào hang đá hát cho thương binh nghe để họ bớt đau đớn. Cứ vớ được câu gì là hát câu đấy, đang hát lại phải dừng lại lấy tay lay lay người thương binh: "Anh ơi! Anh mở mắt nghe em hát này".
Rồi có những lần hát bên kia bờ sông thành cổ Quảng Trị bằng loa bóp. Buồn cười cái là nhiều khi say sưa hát thì quên bóp nên loa lại không phát tiếng, mà để tâm vào bóp loa thì lại quên hát. Những năm tháng ấy, những kỷ niệm ấy luôn sống mãi trong ký ức và tâm thức của tôi", NSND Thu Hiền kể.
Không chỉ thời chiến, thời hòa bình, NSND Thu Hiền lại nhiều lần vào các nghĩa trang liệt sỹ để hát cho các "linh hồn bất tử". Nào nghĩa trang Trường Sơn, Đường 9, Việt Lào, Bình Phước… Có những lần bà đang đứng hát mà có cảm giác như ai đó đang nắm lấy tay mình, vừa hát, vừa nổi gai óc rồi nước mắt cứ thế bộc trào ra. Đó là những khoảnh khắc thiêng liêng vô cùng với người nghệ sĩ đã gắn cả đời mình với tiếng hát.
NSND Thái Bảo sống mãi với ký ức năm 17 tuổi ôm guitar hát trên biên giới
Trải lòng với Dân Việt, NSND Thái Bảo cho biết, chị thuộc thế hệ hậu sinh nên không có nhiều cơ hội được vào chiến trường để phục vụ văn nghệ như các bậc tiền bối. Nhưng vào đầu những năm 1984 – 1987, chị cũng 3 lần được cùng đoàn đi phục vụ bộ đội và nhân dân ở các tỉnh biên giới phía Bắc như: Phong Thổ, Điện Biên (thuộc Lai Châu cũ) và Móng Cái (Quảng Ninh)... Khi đó, tiếng súng đã lắng xuống nhưng sự khốc liệt của chiến tranh vẫn còn ám ảnh.
Lần đầu tiên chị đi biểu diễn ở biên giới phía Bắc là năm 17 tuổi, khi đó chị đang học nhạc ở trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam). Chuyến đi đó, ngoài tư trang cá nhân, chị còn ôm theo một cây đàn guitar gỗ. Chị nhớ rất rõ, sân khấu lúc đó là mặt đất bùn nhão nhoét, không có ánh đèn chiếu sáng, không có micro… Ca sĩ bước lên hát mộc với cây đàn guitar mang theo. Nhiều lần, hát xong thì chân bị lún xuống bùn sâu khoảng 20cm, không thể nhức nổi chân ra khỏi để đi vào bên trong.
"Có một kỷ niệm mà từ đó đến nay, đã gần 40 năm trôi qua, nhưng tôi vẫn chưa bao giờ quên được. Hôm đó, khi diễn xong thì trời mưa lất phất, ô tô quân đội chở tôi về lán trại dựng bằng tranh tre để nghỉ ngơi. Khoảng 1 giờ sáng, khi tôi đang vùi sâu trong giấc ngủ thì nghe thấy tiếng đập cửa liên hồi. Tôi ra mở cửa thì thấy một đoàn các anh bộ đội đứng xếp thành hàng dài, chừng khoảng 20 người.
Đứng trước mặt tôi là một anh thương binh. Tôi liền hỏi: "Dạ thưa, các anh đến đây có việc gì ạ?", các anh liền bảo: "Các anh đã nghe em hát "Vết chân tròn trên cát" vào chiều tối nay. Bọn anh đã hỏi chỉ huy là em ở đâu và đi bộ khoảng 15km để đến gặp em. Anh chỉ xin em một lần nữa hát lại cho bọn anh nghe bài "Vết chân tròn trên cát".
Nghe thấy thế, tôi liền vội vào lấy cây đàn guitar đứng luôn ở cửa mà hát. Tôi hát xong thì anh thương binh lại bảo: "Anh muốn được nhìn thấy dòng chữ của em, của người con gái hậu phương. Em có thể viết lại cho bọn anh lời bài hát "Vết chân tròn trên cát" được không?".
Tôi lại vội vàng lấy giấy bút ra, tì vào lưng của một anh trong đoàn để chép lại lời bài hát. Khi tôi viết xong, các anh chào tôi rồi theo hiệu lệnh quân đội quay đi theo hàng dọc. Tôi nhìn theo bóng các anh khuất xa dần trong đêm và chỉ biết đứng một chỗ mà khóc. Tôi biết, giờ đây, khi ngồi kể lại câu chuyện này, nhiều anh đã đi xa. Tôi rất mong, những ai còn sống thì hãy nhớ về kỷ niệm đẹp ngày hôm ấy", NSND Thái Bảo nghẹn ngào.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.