Nuôi tôm sú, tôm thẻ, các nơi bán chật vật, ở một nơi của Đồng Nai nuôi thứ tôm to bự này bán lại khỏe

Phan Anh (Cổng TTĐT Đồng Nai) Thứ bảy, ngày 05/08/2023 18:48 PM (GMT+7)
Nuôi tôm càng xanh được huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) xác định là mô hình kinh tế nông nghiệp chủ lực. Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được khuyến khích nhân rộng trong thời gian tới.
Bình luận 0

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực đã hình thành vùng chuyên canh đạt chứng nhận sản phẩm VietGAP và được Sở KHCN tỉnh Đồng Nai cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm đặc thù tôm càng xanh xã Trà Cổ.

Giá tôm càng xanh, đầu ra cho tôm càng xanh ổn định

Thời gian qua, nhiều sản phẩm chăn nuôi, trong đó có nhiều loại cá nước ngọt gặp khó khăn về đầu ra, giá thấp khiến người nuôi thu hẹp sản xuất. 

Nhưng vụ thả tôm giống năm nay, người nuôi tôm trên địa bàn xã Trà Cổ yên tâm đầu tư vì ngày càng nhiều cơ sở cung cấp con giống nên người nuôi có nhiều nguồn để lựa chọn.

Giá tôm càng xanh giống không tăng mà còn giảm hơn mọi năm. Tuy thời gian qua, thời tiết có nhiều đợt cao điểm nắng nóng nhưng vụ thả lứa tôm mới khá thuận lợi, nguồn nước vẫn dồi dào, môi trường nước trong lành cho con tôm phát triển.

Nuôi tôm sú, tôm thẻ, các nơi bán chật vật, ở một nơi của Đồng Nai nuôi thứ tôm to bự này bán lại khỏe - Ảnh 1.

Vùng nuôi tôm càng xanh ở xã Trà Cổ, huyện Tân Phú, tỉnh Đồng Nai.

Ông Hoàng Văn Bính, Tổ trưởng Tổ hợp tác Tôm càng xanh Trà Cổ cho hay, đến thời điểm hiện tại, đa số các hộ nuôi trên địa bàn xã đều đã thả xong tôm giống cho vụ nuôi mới. 

Do vụ thu hoạch trước, giá tôm càng xanh bán ra thị trường ổn định ở mức cao từ 150.000-180.000 đồng/kg tùy loại, người nuôi có lợi nhuận tốt nên nông dân tăng lượng thả tôm giống cho vụ nuôi mới. 

Ông Bính so sánh: “Tuy vụ thu hoạch năm ngoái năng suất tôm càng xanh và sản lượng tôm càng xanh không bằng mọi năm nhưng với hơn 1ha ao nuôi, gia đình tôi vẫn thu lợi nhuận được hơn 200 triệu đồng. Đây là mức lợi nhuận tốt để người nuôi tôm càng xanh yên tâm đầu tư”.

Trước khi con tôm càng xanh được đưa về phát triển ở xã Trà Cổ, huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai) khu vực này là vùng đất cát kém màu mỡ nên trồng lúa, trồng hoa màu cho hiệu quả kinh tế rất thấp. 

Có người dân đào ao nuôi cá nhưng hiệu quả cũng hạn chế cho đến khi nhiều hộ dân chuyển sang nuôi tôm càng xanh. 

Nuôi tôm sú, tôm thẻ, các nơi bán chật vật, ở một nơi của Đồng Nai nuôi thứ tôm to bự này bán lại khỏe - Ảnh 2.

Nông dân thu hoạch tôm càng xanh ở xã Trà Cổ, huyệnTân Phú, tỉnh Đồng Nai. Giá tôm càng xanh ổn định ở mức từ 150.000-180.000 đồng/kg tùy loại.

Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực nằm trong tốp đầu cho thu nhập cao tại địa phương nên không ngừng được nhân rộng. Đến nay, tổng diện tích nuôi tôm càng xanh trên địa bàn xã Trà Cổ đạt khoảng 54ha.

Xây dựng thương hiệu tôm càng xanh bằng chất lượng

Nuôi tôm càng xanh là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao đang được huyện Tân Phú khuyến khích nhân rộng. Đây là ngành hàng chủ lực của địa phương trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp của huyện theo hướng xây dựng vùng chuyên canh bền vững gắn với ứng dụng tiến bộ khoa học, hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ.

Tôm càng xanh xã Trà Cổ, huyện Tân Phú là đặc sản “không đụng hàng” vì con tôm ở vùng này được nuôi từ nguồn nước suối thiên nhiên trong lành. 

Ông Phạm Trí Tâm, chủ đại lý thu mua tôm tại xã Trà Cổ cho biết, tôm càng xanh Trà Cổ có chất lượng ngon không thua gì tôm ngoài thiên nhiên nên bán ra thị trường thường được giá cao hơn khoảng 10 ngàn đồng/kg so với nhiều vùng nuôi khác. 

Người nuôi tôm trong vùng bắt dần những con lớn bán trước nên khó xảy ra tình trạng bị rớt giá vì thu hoạch ồ ạt. Nhiều năm nay, giá tôm bán ra khá ổn định nên người nuôi yên tâm đầu tư. 

Ngoài bán cho các vựa, chợ đầu mối, tôm nhất của Trà Cổ thường cung cấp trực tiếp cho các nhà hàng, khách sạn ở nhiều đô thị lớn với giá cao. Nhờ đó, dù diện tích và năng suất tôm càng xanh Trà Cổ hiện tăng hơn so với những năm trước đó nhưng không lo thiếu thị trường tiêu thụ cho loại đặc sản này.

Không chỉ được người tiêu dùng đánh giá cao theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”, từ năm 2021, mặt hàng này đã được Sở KHCN tỉnh Đồng Nai cấp chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm đặc thù Tôm càng xanh xã Trà Cổ. 

Nét đặc thù của vùng nuôi này là tôm được nuôi bằng nguồn nước suối thiên nhiên. Người nuôi tôm Trà Cổ cũng ngày càng mạnh dạn đầu tư theo hướng chuyên nghiệp, ứng dụng khoa học kỹ thuật, làm chứng nhận VietGAP cho con tôm Trà Cổ. 

Việc con tôm càng xanh được cấp nhãn hiệu hàng hóa đã góp phần xây dựng thương hiệu, từ đó tăng sự nhận diện về sản phẩm với người tiêu dùng. Qua đó, ngày càng nâng cao năng lực cạnh tranh cho sản phẩm đồng thời bảo vệ quyền lợi của nông dân nuôi tôm trong quá trình hội nhập.

Nhiều năm qua, con tôm càng xanh Trà Cổ được nuôi theo chuẩn VietGAP. Dù sản phẩm sạch vẫn bán cho thương lái như giá hàng thường nhưng người nuôi tôm vẫn kiên trì nuôi theo hướng an toàn với mong muốn làm ra sản phẩm chất lượng, an toàn. 

Người nuôi kỳ vọng khi đã có chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sản phẩm đặc thù, con tôm càng xanh Trà Cổ sẽ tăng được độ nhận diện trên thị trường.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem