Ở Cà Mau dân tình nuôi cua dưới vuông, cô gái này lại bỏ cua trong hộp nhựa, mở ra toàn con to bự

Hoàng Hạnh Thứ bảy, ngày 25/05/2024 12:52 PM (GMT+7)
Với ý tưởng nuôi cua biển trong hộp nhựa để “vỗ béo” chúng cho đến khi xuất bán, chị Nguyễn Thị Quyên, ngụ ấp Tân Tạo, xã Tân Hưng Ðông, huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau đã thành công với mô hình này, đem về doanh thu khá lớn sau các vụ thu hoạch.
Bình luận 0

Clip chị Quyên chăm sóc sức khỏe cho cua nuôi trong các hộp nhựa mỗi ngày.

Chị Quyên cho biết, xuất phát từ thực tế gia đình ít đất đai sản xuất, trong khi nếu nuôi cua biển như cách làm truyền thống quảng canh xưa này thì rất khó kiểm soát dịch bệnh và chế độ ăn, con giống bị hao hụt, năng suất không cao.

"Sau nhiều lần suy nghĩ, tôi quyết định đưa con cua biển lên bờ nuôi chúng trong hộp nhựa bằng công nghệ lọc tuần hoàn và cho ăn, chờ đến khi cua đạt trọng lượng thì xuất bán", chị Quyên nói.

Ở Cà Mau dân tình nuôi cua dưới vuông, cô gái này lại bỏ cua trong hộp nhựa, mở ra toàn con to bự- Ảnh 1.

Ở Cà Mau dân tình nuôi cua dưới vuông, cô gái này lại bỏ cua trong hộp nhựa, mở ra toàn con to bự- Ảnh 2.

Cua chưa đủ gạch hay cua đực bị mềm... được chị Quyên chọn lựa khi đạt đủ điều kiện thì cho vào một hộp nhựa với hệ thống xử lý nước tuần hoàn để "vỗ béo" chúng cho đến khi đạt trọng lượng mới xuất bán. Ảnh: An An

Với mô hình này, chị Quyên đầu tư hộp nhựa với hệ thống xử lý nước tuần hoàn, và thường xuyên kiểm tra các thông số chất lượng nguồn nước, nhiệt độ và sức khoẻ của cua trong quá trình nuôi. Việc này nhằm để kịp thời điều chỉnh hệ thống nuôi sao cho đảm bảo môi trường sống tốt nhất cho cua biển.

Theo chị Quyên, tính đến thời điểm hiện tại, chị đã nuôi thành công 5 vụ. Cua được chọn nuôi là những con cua chưa đủ gạch để nuôi "vỗ béo" thành cua gạch, cua thịt mềm nuôi thành cua cứng, cua yếm vuông nuôi lên cua cốm. Nguồn thức ăn cho cua được tận dụng từ cá phi trong vuông, tôm nhỏ, vẹm, ốc…có sẵn trong vuông tôm.

Ở Cà Mau dân tình nuôi cua dưới vuông, cô gái này lại bỏ cua trong hộp nhựa, mở ra toàn con to bự- Ảnh 3.

Theo chị Quyên, hàng ngày người nuôi phải thường xuyên kiểm tra cua nuôi trong các hộp nhựa, nhằm ghi chép lại sức khỏe từng con để có cách điều chỉnh chế độ nuôi hợp lý. Ảnh: An An

Nữ chủ hộ nuôi này cho biết, với 200 hộp nhựa hiện nay được chị nuôi theo kiểu xoay vòng từng lô, đảm bảo ngày nào cũng có cua bán ra thị trường. Riêng những lúc lễ Tết, chị còn canh ngay thời điểm giá cao nhất để xuất bán, cho lợi nhuận có khi lên đến hơn 150%. "Mỗi đợt nuôi từ 20 đến 40 ngày là có thể xuất bán, lợi nhuận lên đến trên dưới 10 triệu đồng", chị Quyên chia sẻ.

Ở Cà Mau dân tình nuôi cua dưới vuông, cô gái này lại bỏ cua trong hộp nhựa, mở ra toàn con to bự- Ảnh 4.

Mô hình nuôi cua biển trong hộp nhựa của chị Quyên đang được nhiều bà con trong vùng đến học hỏi, làm theo - Hội nông dân xã Tân Hưng Đông xem đây là cách làm giàu cho những người ít đất sản xuất. Ảnh: An An

Ông Trần Thanh Liêm - Chủ tịch Hội nông dân xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước cho biết, thấy được hiệu quả từ mô hình này, Hội nông của xã đang khuyến khích bà con nhân rộng mô hình, vì qua đánh giá sơ bộ cho thấy chúng đem lại lợi nhuận khá ổn định.

Theo ông Liêm, nếu so với cách nuôi cua biển truyền thống, mô hình này tốn nhiều thời gian hơn, từ khâu xử lý nước đến cho ăn… Song mô hình có ưu điểm lớn là không cần nhiều diện tích đất vẫn có thể phát triển kinh tế gia đình.

Ngoài ra, người nuôi có thể kiểm soát được số lượng, dịch bệnh, hay thu hoạch chủ động khi giá lên cao nhất. Đặc biệt, mô hình này đang mở ra hướng đi mới cho chị em phụ nữ ở nông thôn ít đất sản xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem