Nhiều cổ vật văn hóa Óc Eo được tìm thấy có từ thời vương quốc cổ Phù Nam.
Trong những năm qua, việc mua bán cổ vật Óc Eo (một vùng đất đá trên núi Ba Thê thuộc huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) diễn ra sôi nổi giữa các dân buôn. Những câu chuyện về việc “săn” cổ vật Óc Eo và buôn bán các cổ vật này từng được báo chí phản ánh rất nhiều.
Theo thông tin trên báo chí, cho dù chưa có thống kê một cách đầy đủ nhưng những gì đã phát hiện có thể khẳng định các cổ vật Óc Eo vô cùng đa dạng và phong phú. Nó không chỉ thể hiện qua chất liệu, loại hình mà còn về nguồn gốc xuất xứ, trong đó, nhiều di vật đến từ vùng Tây Á, Ấn Độ, Đông Nam Á, Trung Quốc và cả khu vực Địa Trung Hải,…
Hơn 2.800 cổ vật Óc Eo đang được trưng bày trong Nhà trưng bày Văn hóa Óc Eo.
Cụ thể, các hiện vật tiêu biểu được tìm thấy như các loại ấm đất nung có vòi cong, nồi nấu kim loại, chai, ly chân cao, đầu tượng, chày, bàn nghiền, khuôn đúc nữ trang, linga, yoni, tượng Phật, trục bánh xe, cọc nhà sàn được làm bằng gốm, gỗ, kim loại hay con dấu bằng đá quý,... Ngoài khai quật của nhà nước, không ít hiện vật quý này được tìm thấy ngẫu nhiên trong nhà dân, người đi săn đồ cổ.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh An Giang vừa phát hành quy chế “Phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích Văn hóa Óc Eo”. Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị có liên quan đến hoạt động quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích Văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh An Giang.
Theo đó, các hành vi bị cấm tại quy chế này gồm:
- Xuất bản tài liệu, tuyên truyền, giới thiệu sai lệch nội dung, giá trị của Di tích Văn hóa Óc Eo;
- Làm thay đổi yếu tố gốc cấu thành di tích hoặc tu bổ, phục hồi không đúng với các yếu tố nguyên gốc của di tích.
- Đưa thêm, di dời, thay đổi hiện vật trong di tích và các hành vi khác khi chưa được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
- Xây dựng trái phép, lấn chiếm đất đai thuộc di tích và các hành vi khác gây ảnh hưởng đến di tích;
- Tự ý đào bới, tìm kiếm, trục vớt di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong khu Di tích Văn hóa Óc Eo;
- Lợi dụng việc quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị di tích để trục lợi và thực hiện những hành vi khác trái pháp luật.
Trong quy chế “Phối hợp quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị Di tích Văn hóa Óc Eo”, UBND tỉnh An Giang nghiêm cấm hành vi tự ý đào bới, tìm kiếm, trục vớt di vật, cổ vật, bảo vật quốc gia trong khu Di tích Văn hóa Óc Eo. (Ảnh: Người lao động)
Theo UBND tỉnh An Giang, việc ban hành quy chế nói trên nhằm mục đích bảo vệ các Di tích Văn hóa Óc Eo trên địa bàn tỉnh trước những tác động xấu của môi trường và con người, phòng ngừa và hạn chế nguy cơ hư hỏng, xuống cấp, trên cơ sở đó giữ gìn, bảo tồn, tôn tạo yếu tố gốc của từng di tích trong tỉnh.
“Quy chế đồng thời phát huy giá trị các Di tích Văn hóa Óc Eo nhằm giáo dục truyền thống lịch sử, văn hóa, lòng tự hào dân tộc, đáp ứng nhu cầu tham quan, nghiên cứu, học tập, sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của nhân dân; Xác lập cơ sở pháp lý bảo vệ di tích, xác định trách nhiệm của các cấp, các ngành trong việc bảo vệ và phát huy giá trị Di tích Văn hóa Óc Eo”, UBND tỉnh An Giang cho biết.
Theo thông tin trên Bách khoa toàn thư Wikipedia, Văn hóa Óc Eo là tên gọi do nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đề nghị đặt cho di chỉ ở núi Ba Thê (huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) thuộc đồng bằng sông Cửu Long. Nơi này có thể đã từng tồn tại một hải cảng sầm uất của vương quốc Phù Nam từ thế kỷ I đến thế kỷ VII.
Óc Eo đã từng được nối bằng một kênh đào dài 90km về phía Bắc với Angkor Borei, nơi có lẽ từng là kinh đô của vương quốc Phù Nam. Vào thời kỳ phồn thịnh của Óc Eo và Phù Nam, tàu thuyền trong khu vực có thể thực hiện những hải trình rất dài mà không phải đi dọc theo bờ biển. Do vậy mà về mặt chiến lược, Óc Eo là một địa điểm trung chuyển rất thuận lợi.
Vào thập niên 1920, nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret đã dùng không ảnh chụp miền Nam Việt Nam và phát hiện ra địa điểm này cùng với nhiều kênh đào và các thành phố cổ khác. Sau đó, Malleret thử tìm kiếm trên mặt đất và vào ngày 10/2/1944, ông bắt đầu đào các hố khai quật. Kết quả, ông đã phát hiện được các di vật và nền móng các công trình chứng minh cho sự tồn tại của một địa điểm thương mại lớn mà các thư tịch của Trung Hoa từng miêu tả về vương quốc Phù Nam rộng khoảng 450 hecta.
|
Cơ quan chức năng đã tìm về địa phương xác minh vụ việc và có báo cáo nhanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.