Ong dú, con động vật hoang dã chả có nọc độc, dân Bình Phước nuôi thành công, bán mật giá cao
Nuôi con động vật bay cả ngày ở Bình Phước, tổ bé tin hin, dân vắt thứ chất bổ gì "bán đắt xắt ra miếng"?
Đông Anh
Thứ hai, ngày 26/08/2024 13:09 PM (GMT+7)
Hội Nông dân TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đang vận động nông dân hiện sinh sống trong nội thành nuôi ong dú-một loại ong quý cho mật ngon, bổ dưỡng. Ong dú là loài ong không có ngòi đốt, lành tính, thích hợp nuôi trong không gian đô thị, đất đai chật hẹp…
Thông tin từ Hội Nông dân tỉnh Bình Phước cho biết: Ong dú hay còn gọi là ong không ngòi đốt. Nếu so sánh với các giống ong khác (ví dụ như ong mật, ong nghệ, ong bầu…), thì con ong dú có kích thước nhỏ hơn, lành tính hơn, không có ngòi đốt, nên không gây nguy hiểm cho người nuôi.
Ong dú chỉ hút mật và phấn hoa từ các loại cây trồng và hoa dại. Ong dú không hút đường để làm mật, nên chất lượng mật từ ong dú cao cấp hơn các loại mật của các loài ong khác.
Lắp đặt thùng nuôi ong dú ở TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước. Ảnh: H.N.D.
Bên cạnh đó, thùng nuôi ong dú thường được người nuôi làm bằng gỗ thông, có kích thước nhỏ gọn.
Thùng được bịt kín, chỉ chừa một lỗ nhỏ để đàn ong dú bay ra vào; thùng được thiết kế thành nhiều tầng với nhiều hình dạng (thùng lục giác, bát giác…), được sơn màu rực rỡ, có tính thẩm mỹ.
Vì vậy, ngoài việc góp phần tạo thêm nguồn thu nhập, chăm sóc sức khoẻ con người; chủ nuôi ong dú có thể dùng những thùng nuôi ong dú này để trang trí cảnh quan sân vườn, làm đẹp thêm không gian sống của hộ gia đình.
Tùy điều kiện thời tiết, khí hậu và mùa vụ, mà mỗi năm một thùng ong dú có thể cho thu hoạch được lượng mật dao động từ 1.000ml - 1.500ml (chia thành 2 lần thu hoạch trong năm). Mật ong dú có màu sắc từ vàng nhạt đến đậm, tùy thuộc vào loại hoa mà ong hút mật.
Thậm chí, thùng nuôi ong dú vẫn gắn được trên tường nhà như một vật trang trí thẩm mỹ làm đẹp cảnh quan. Ảnh: H.N.D.
Mật khá đậm đặc, có vị ngọt, thanh và hơi chua nhẹ, tạo nên một hương vị đặc trưng riêng. Hiện nay trên thị trường, mật ong dú đang được tiêu thụ với giá bình quân từ 2 - 2,5 triệu đồng/lít.
Theo Hội Nông dân tỉnh Bình Phước: Với tiềm năng về kinh tế - xã hội từ mô hình nuôi ong dú; cho thấy tỉnh Bình Phước nói chung và TP. Đồng Xoài nói riêng, được thiên nhiên ưu đãi, nguồn nước ngầm và nước mặt dồi dào, khí hậu ôn hòa, không có thời tiết cực đoan…
Mặt khác, địa phương có diện tích cây trồng rộng lớn trên nền đất đỏ bazan. Nổi bật với các loại cây công nghiệp dài ngày như điều, cao su, tiêu, cây ăn trái… Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để phát triển ngành nghề nuôi ong dú ở tỉnh Bình Phước.
Ông Nguyễn Quang Hùng - cư dân phường Tân Thiện, TP. Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước - nói: "Gia đình tôi có 1.000 m2 đất sát con suối Đồng Tiền xuyên nội ô TP Đồng Xoài. Thời gian qua, tôi rất quan tâm đến việc nuôi ong dú.
Nuôi ong du rất thích hợp đối với những gia đình có đất nhỏ, hẹp trong nội ô. Nó phù hợp với những nông dân đô thị như tôi. Hơn nữa, nuôi ong dú rất nhẹ nhàng, như nuôi cây, cá, chim cảnh, vì con ong dú lành tính. Nuôi như chơi, nhưng ăn thật, vì giá mật ong dú rất cao cấp, giá lúc nào cũng cao".
Vì thế, không phải ngẫu nhiên, hơn một năm qua, Hội Nông dân TP. Đồng Xoài đã ấp ủ mô hình "Mang ong về phố", dành cho hộ dân có diện tích đất đai nhỏ, nhưng hiệu quả có được từ thực hiện mô hình này lại lớn.
Từ đầu năm 2024, Hội Nông dân TP. Đồng Xoài đã tổ chức hội thảo chuyên đề "Chuyển giao kỹ thuật nuôi ong dú" cho cán bộ, hội viên nông dân thành phố. Và, Hội Nông dân TP. Đồng Xoài cũng hỗ trợ đặt thí điểm 50 thùng nuôi ong dú tại các nhà vườn trên địa bàn TP. Đồng Xoài.
Hội Nông dân TP Đồng Xoài chuyển giao thùng nuôi ong dú thí điểm cho Huyện đội Đồng Phú, tỉnh Bình Phước. Ảnh: H.N.D.
Theo ông Phạm Minh Thuận - Ủy viên BCH Hội Nông dân TP. Đồng Xoài: "Sau hơn nửa năm thực hiện, bước đầu, mô hình "Mang ong về phố" đã phát huy hiệu quả. Chỉ với ít công chăm sóc, không cần tốn chi phí thức ăn, người nông dân dễ dàng thu hoạch được trung bình 500ml mật ong dú từ mỗi thùng nuôi ong.
Đây thật sự là một hướng đi mới, với nhiều triển vọng trong phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp xanh, bền vững, thân thiện với môi trường, vốn đầu tư ít, nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao".
Thời gian gần đây, Hội Nông dân TP. Đồng Xoài tiếp tục nhân rộng mô hình, kết hợp với Doanh nghiệp tư nhân cung ứng rau củ quả Thuận Ngát, để chuyển giao mô hình nuôi ong dú thí điểm tại Huyện đội Đồng Phú.
Theo đó, Hội Nông dân TP. Đồng Xoài đã hỗ trợ miễn phí các thùng ong giống đang trong quá trình thu mật cho Huyện Đội. Đồng thời, Hội Nông dân TP. Đồng Xoài cam kết thu mua sản phẩm, sau khi đạt sản lượng, kỹ thuật quy định.
Đầu năm 2024, Hội Nông dân TP Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước đã tổ chức hội thảo "chuyển giao mô hình nuôi ong dú". Ảnh: H.N.D
Hội Nông dân Đồng Xoài còn mời nông dân trẻ Trần Đức Toản (ngụ tại xã Bình Châu, huyện Xuyên Mộc, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) - chủ mô hình nuôi ong dú dưới tán cây điều - đến hướng dẫn kỹ thuật nuôi, tách đàn, nhân giống ong cho Huyện đội Đồng Phú.
Không chỉ Huyện động Đồng Phú, với sự hỗ trợ của Hội Nông dân TP. Đồng Xoài, hơn 60 thùng ong dú khác cũng được lắp đặt để nuôi ong dú, tại Khu du lịch Đảo Yến Sơn Hà và tại một số xã, phường ở TP. Đồng Xoài.
Có thể đánh giá đây là một nghề mới với nhiều triển vọng, bền vững, thân thiện với môi trường, ít vốn, dễ làm; nhưng mang lại nguồn lợi lớn. Qua đó, hướng tới góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con nông dân, phát triển kinh tế nông nghiệp tại địa phương.
Từ những kết quả đã đạt được, ông Phạm Văn Thuận cho biết thêm, Hội Nông dân TP. Đồng Xoài sẽ tiếp tục nghiên cứu nhân rộng mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả này, đến các xã, phường trên địa bàn TP. Đồng Xoài.
Qua đó, giúp người nông dân có thêm việc làm, tăng thu nhập, nâng cao sức khoẻ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.
Trong thời gian tới, Hội Nông dân TP. Đồng Xoài sẽ tiếp tục tích cực hỗ trợ cán bộ, hội viên nông dân trên địa bàn về kỹ thuật, về tiêu thụ sản phẩm và hỗ trợ vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân để từng bước nhân rộng mô hình nông nghiệp đô thị hiệu quả này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.