Ông Trần Sỹ Thanh phải qua những bước nào để giữ chức Chủ tịch Hà Nội?

Bách Thuận Thứ ba, ngày 19/07/2022 18:39 PM (GMT+7)
Chiều nay (19/7), đại diện Bộ Tư pháp đã có phản hồi trước thông tin về quy trình nhân sự tiếp theo với bà Đào Hồng Lan – quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Trần Sỹ Thanh – Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Bình luận 0

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Tư pháp ngày 19/7, trả lời thông tin của báo chí về quy trình nhân sự tiếp theo với bà Đào Hồng Lan để trở thành Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Trần Sỹ Thanh trở thành Chủ tịch UBND TP.Hà Nội, bà Nguyễn Thị Hạnh - Phó Vụ trưởng, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính cho biết, tại khoản 3, Điều 98 Hiến pháp năm 2013, quy định Thủ tướng có nhiệm vụ, quyền hạn trình Quốc hội phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Ông Trần Sỹ Thanh phải qua những bước nào để giữ chức Chủ tịch Hà Nội? - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Hạnh trả lời các quy định để bà Đào Hồng Lan giữ chức Bộ trưởng Bộ Y tế, ông Trần Sỹ Thanh giữ chức Chủ tịch UBND TP.Hà Nội. Ảnh: TV

Tại khoản 7, Điều 70, quy định Quốc hội có quyền hạn phê chuẩn đề nghị bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và thành viên khác của Chính phủ.

Tại khoản 5, Điều 28 Luật Tổ chức Chính phủ năm 2015 quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian Quốc hội không họp, quyết định giao quyền Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nội vụ trong trường hợp khuyết Bộ trưởng hoặc Thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Trong trường hợp ông Trần Sỹ Thanh - Phó Bí thư Thành uỷ Hà Nội, vị cán bộ này sẽ phải qua bước HĐND TP.Hà Nội tại kỳ họp gần nhất bầu giữ chức vụ UBND TP.Hà Nội theo trình tự của pháp luật.

Với bà Đào Hồng Lan, theo Luật Tổ chức Quốc hội, việc phê chuẩn bổ nhiệm bà Đào Hồng Lan làm Bộ trưởng Y tế thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Ông Trần Sỹ Thanh phải qua những bước nào để giữ chức Chủ tịch Hà Nội? - Ảnh 2.

Ông Trần Sỹ Thanh - Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội. Ảnh: DV

Quốc hội sẽ phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng về việc bổ nhiệm bộ trưởng theo danh sách đề cử. Sau đó, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm với danh sách đề cử theo hình thức bỏ phiếu kín.

Như vậy, việc kiện toàn chức danh Bộ trưởng Y tế với bà Đào Hồng Lan có thể diễn ra vào kỳ họp gần nhất để tạo điều kiện cho công tác chỉ đạo, điều hành tại Bộ Y tế. Kỳ họp Quốc hội gần nhất sắp tới là kỳ họp thứ 4, dự kiến diễn ra cuối tháng 10.

Với ông Trần Sỹ Thanh, ông Thanh được Bộ Chính trị điều động, phân công tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025 và được giới thiệu để bầu giữ chức Chủ tịch UBND thành phố.

Theo dự kiến, tại kỳ họp thứ 8 diễn ra chiều 22/7 tới, HĐND TP.Hà Nội xem xét, quyết định nội dung về nhân sự nhằm kiện toàn chức danh Chủ tịch UBND thành phố.

Ông Trần Sỹ Thanh sẽ trúng cử chức Chủ tịch UBND Hà Nội trong trường hợp có quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu tán thành. Sau đó, HĐND ban hành nghị quyết về việc bầu ông Trần Sỹ Thanh làm Chủ tịch UBND Hà Nội.

Trường hợp bầu lần đầu, nhưng không được quá nửa tổng số đại biểu HĐND bỏ phiếu tán thành, việc có bầu lại hay không do Chủ tịch HĐND báo cáo HĐND xem xét, quyết định.

Chiều 15/7, tại trụ sở Thành ủy Hà Nội, Ban Chấp hành Đảng bộ TP.Hà Nội tổ chức Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ.

Theo đó, Bộ Chính trị quyết định điều động, phân công ông Trần Sỹ Thanh - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Kiểm toán Nhà nước thôi giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Tổng Kiểm toán Nhà nước để chỉ định tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội nhiệm kỳ 2020-2025.

Ở một diễn biến khác, cũng trong ngày 15/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Quyết định số 839/QĐ-TTg quyết định về việc giao Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế đối với bà Đào Hồng Lan, Ủy viên Trung ương Đảng. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem