"Ở Trung ương, sau các vòng hiệp thương, hầu như không có người tự ứng cử nào được đưa vào danh sách của các đơn vị bầu cử, trong khi đó ở địa phương, người tự ứng cử sẽ càng khó khăn hơn để được giữ lại trong danh sách"- nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội, ông Vũ Mão nhận định khi trao đổi với NTNN về vấn đề đại biểu tự ứng cử.
Trong cuộc bầu cử Quốc hội khoá XII, trong gần 500 đại biểu trúng cử, chỉ có duy nhất một người tự ứng cử, theo ông vì sao ít như vậy?
- Theo tôi, nguyên nhân người tự ứng cử trúng cử ít là do: Việc chỉ đạo của Hội đồng Bầu cử T.Ư chưa cụ thể, trong kế hoạch hướng dẫn triển khai còn chung chung; các địa phương cũng chưa nhận thức và quán triệt đầy đủ những quy định của T.Ư.
|
Bác sĩ Nguyễn Minh Hồng - người tự ứng cử duy nhất trúng cử vào Quốc hội khóa XII. |
Tâm lý chung của nhiều người là ngại tự ứng cử nhưng cơ quan tổ chức bầu cử lại chưa quan tâm khuyến khích để có nhiều người tự ứng cử; người tự ứng cử chưa được trình bày đầy đủ và sâu sắc chương trình hành động trước cử tri, cho nên cử tri có rất ít thông tin về người tự ứng cử.
Cũng dễ thấy các địa phương chưa công phu trong việc tạo điều kiện cho những người tự ứng cử được tranh cử để chọn ra những người tự ứng cử xuất sắc nhất để đưa vào danh sách những ứng cử viên của mỗi đơn vị bầu cử; việc bố trí người tự ứng cử ở các đơn vị bầu cử có phần còn chưa thỏa đáng, nên khả năng trúng cử của họ là rất khó.
|
Ông Vũ Mão - Nguyên Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại của Quốc hội |
Người tự ứng cử trúng cử ít, phải chăng còn do nguyên nhân các cơ quan và người dân phần nào còn chưa có thiện cảm với họ?
- Đúng thế, đấy là hiện tượng phổ biến trong tâm lý xã hội hiện nay. Điều đó xuất phát từ tập quán và thói quen của người Việt Nam ta theo một nghĩa nào đó, như thích kín đáo, khiêm tốn, không muốn phô trương bộc lộ ra ngoài...
Điều này, theo tôi có mặt hay, nhưng cũng có cái chưa hay. Cái không hay là thấy người tự ứng cử thì nghĩ rằng là họ háo danh, khoe khoang… Tất nhiên, vẫn có người tự ứng cử suy nghĩ, dù có thể mình không trúng cử, những vẫn ra ứng cử. Những người đó nên được hiểu và đánh giá họ như thế nào cho đúng?
Những khoá tôi làm Tổng thư ký Hội đồng Bầu cử, đa số những người tự ứng cử đều đã nghiêm túc nghiên cứu tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và họ tỏ ra rất quyết tâm cống hiến cho đất nước nếu trúng cử.
Tuy nhiên, do dư luận xã hội, nhiều người muốn nhưng lại rất ngại khi quyết định tự ứng cử. Tôi tin rằng, trong thời kỳ mới, nhất là lớp trẻ hiện nay, ngày càng có nhiều người sẽ vượt qua dư luận xã hội, để số người tự ứng cử và trúng cử nhiều hơn.
Người tự ứng cử thường bị gạt ra rất nhiều sau những vòng hiệp thương. Vậy trong quá trình hiệp thương, người tự ứng cử được xếp vào cơ cấu nào?
- Công tác Hiệp thương được tiến hành ở 2 cấp, đó là ở T.Ư và ở cấp tỉnh. Ở T.Ư, sau các vòng hiệp thương, hầu như không có người tự ứng cử nào được đưa vào danh sách của các đơn vị bầu cử. Điều này cũng đã từng gây ra những thắc mắc của các địa phương. Theo tôi vấn đề trên cần được trao đổi thấu đáo để có nhận thức hợp lý và thống nhất.
Ở địa phương, việc hiệp thương để đi đến danh sách những người ứng cử của mỗi đơn vị bầu cử là một quá trình rất khó khăn, bởi mấy lẽ: Số lượng đại biểu Quốc hội của mỗi đơn vị cấp tỉnh được phân bổ rất hạn chế.
Trong khi đó, số đại biểu T.Ư được phân bổ ở địa phương lại chiếm tỷ lệ không nhỏ. Mỗi địa phương phải đảm bảo cơ cấu do T.Ư phân bổ. Việc này dẫn đến trường hợp một đại biểu phải "gánh" nhiều cơ cấu. Công tác chọn nhân sự như thế thì rất vất vả. Nói như vậy để thấy rằng người tự ứng cử sẽ càng khó khăn hơn để được giữ lại trong danh sách.
Do những khó khăn như trên, dù muốn hay không, người ta vẫn có cảm giác rằng, qua hiệp thương, nhiều người tự ứng cử không được đưa vào danh sách bầu cử.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Thanh Xuân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.