"Phản ứng" của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agriba
"Phản ứng" của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ về việc trình bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank
Huyền Anh
Thứ bảy, ngày 13/05/2023 13:18 PM (GMT+7)
Ngày 13/5/2023, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội tiến hành xem xét, cho ý kiến về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), với mức vốn tăng thêm dự kiến 17.100 tỷ đồng.
Xin ý kiến bổ sung 17.100 tỷ đồng vốn điều lệ cho Agribank
Trình bày tờ trình của Chính phủ về việc điều chỉnh bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank), Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Đoàn Thái Sơn cho biết, là ngân hàng thương mại do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, Agribank có một vị trí quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế quốc gia, đặc biệt là vai trò chủ đạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Agribank luôn chiếm thị phần lớn nhất hệ thống về dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế (khoảng 14%); chủ lực trong đầu tư phát triển "tam nông" và triển khai hiệu quả 07 chương trình tín dụng chính sách và 02 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Bên cạnh đó, Agribank luôn đóng vai trò tiên phong, đầu tàu trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của nhà nước, đồng thời là công cụ hỗ trợ dẫn dắt thị trường, góp phần thực hiện chính sách tiền tệ, phục vụ mục tiêu ổn định vĩ mô.
Tuy nhiên, theo Phó Thống đốc Đoàn Thái Sơn, hiện nay, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến thời điểm 31/12/2022 là ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Hiện, quy mô vốn điều lệ của Agribank đến cuối 2022 là 34.446 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại nhà nước và không có sự cách biệt, thấp hơn các ngân hàng thương mại khác như Techcombank (35.172 tỷ), MB (45.339 tỷ), VPBank (67.434 tỷ đồng). Việc bổ sung vốn lần này giúp Agribank bảo đảm tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu (8%), mở rộng tín dụng, đáp ứng nhu cầu vốn lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Như vậy, với kế hoạch tăng trưởng quy mô vốn hiện nay của các ngân hàng thương mại cổ phần, nếu Agribank không được tăng vốn thì sẽ không thể đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như Agribank.
Do đó việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank giúp tăng quy mô vốn, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đạt ở mức tối thiểu 8% theo đúng quy định; đồng thời tạo điều kiện cho Agribank nâng cao năng lực tài chính, mở rộng kinh doanh, gia tăng khả năng cung ứng vốn cho nền kinh tế, đặc biệt là vốn tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn; kịp thời hỗ trợ hộ nông dân, doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh; tăng nộp ngân sách Nhà nước, giữ được mức xếp hạng tín nhiệm; góp phần tăng trưởng tín dụng của Agribank và tăng nộp ngân sách nhà nước.
Cũng theo tờ trình, Chính phủ kính đề nghị Quốc hội xem xét, quyết định chủ trương đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank số tiền 17.100 tỷ đồng. Trong đó, sẽ lấy từ dự toán chi ngân sách trung ương 2023 đã được Quốc hội phê duyệt, trên 6.753 tỷ đồng. Phần còn lại gần 10.347 tỷ đồng bố trí từ ngân sách Nhà nước và thực hiện chuyển cấp trong 2024.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ trách nhiệm trong chậm trình nội dung bổ sung vốn cho Agribank, "lỗi" Thống đốc hay Bộ trưởng Bộ Tài chính?
Báo cáo thẩm tra sơ bộ về việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh về sự cần thiết của việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho Agribank.
Tuy nhiên, Thường trực Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ báo cáo, làm rõ tính khả thi của đề xuất trong bối cảnh nền kinh tế và hoạt động của doanh nghiệp hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, thu NSNN, doanh thu và lợi nhuận của Agribank có thể không đạt được như kỳ vọng; xác định nguồn cụ thể bố trí còn lại của NSNN (10.347 tỷ đồng); bố trí phương án xử lý trong trường hợp số nộp ngân sách của Agribank trong năm 2023 không đạt như dự kiến; khả năng phát hành thành công trái phiếu; đồng thời chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và quy mô bổ sung vốn điều lệ cho Agribank (17.100 tỷ đồng), cũng như khả năng đáp ứng các tỷ lệ an toàn vốn sau khi Quốc hội quyết định chủ trương.
Cho rằng tờ trình chưa đề xuất hình thức văn bản Quốc hội quyết định chủ trương, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh đề nghị Chính phủ bổ sung dự thảo nghị quyết hoặc đề xuất cụ thể tại tờ trình nội dung cụ thể đưa vào nghị quyết chung của kỳ họp Quốc hội.
Nêu ý kiến về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết chủ trương bổ sung vốn điều lệ cho Agribank đã có từ khóa XIV. Riêng trong giai đoạn 2021-2023, Nghị quyết 43/2022/QH15 đã có quy định, sau đó, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11 để thực hiện Nghị quyết số 43 trong đó quy định Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét báo cáo Quốc hội phương án tăng vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn ngân sách nhà nước trong quý I/2022. Nhưng đến nay đã sang quý II/2023 mới trình Quốc hội.
"Việc chậm trễ này là trách nhiệm của ai, của Thống đốc hay Bộ trưởng Bộ Tài chính hay Bộ nào ngành nào?", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đặt câu hỏi, đồng thời bày tỏ băn khoăn về kỷ luật, kỷ cương tài chính, trách nhiệm công vụ?
Chủ tịch Quốc hội cũng làm rõ, Quốc hội chỉ quyết định chủ trương đầu tư và điều chỉnh chủ trương đầu tư; còn quyết định đầu tư là của Chính phủ.
Ngoài ra, với tổng số dự kiến bổ sung vốn hơn 17.000 tỷ đồng nhưng chỉ bố trí từ ngân sách nhà nước hơn 6.000 tỷ đồng, số còn lại chuyển từ xuất cấp. Chủ tịch Quốc hội đặt vấn đề việc trình Quốc hội quyết định một số tiền mà chưa có trong dự toán liệu có đúng thẩm quyền. Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan làm rõ theo đúng thẩm quyền của Quốc hội, của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước, cũng như các vấn đề liên quan đến việc hạch toán, kế toán…Chủ tịch Quốc hội nêu rõ trình ban hành nghị quyết nhưng hồ sơ trình lại không có dự thảo nghị quyết, gây khó khăn cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định.
Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank Phạm Đức Ấn cho biết, Agribank đang rất khát vốn, đang ở mức thấp nhất trong nhóm các ngân hàng thương mại có vốn nhà nước và không có sự cách biệt, thậm chí nhỏ hơn nhiều so với một số ngân hàng thương mại cổ phần khác.
Chủ tịch Hội đồng thành viên Agribank đề nghị tăng vốn để đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, đảm bảo tăng trưởng để đảm bảo vai trò chủ lực, định hướng thị trường ngân hàng, đặc biệt với ngân hàng hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.