Phản ứng của học sinh lớp 9 và nhà trường trước thông tin môn Lịch sử là môn học lựa chọn

Tào Nga Chủ nhật, ngày 24/04/2022 10:37 AM (GMT+7)
Môn Lịch sử trở thành môn học lựa chọn đang là chủ đề gây tranh cãi. Vậy ý kiến của học sinh và nhà trường về vấn đề này thế nào?
Bình luận 0

Môn Lịch sử có nên là môn học lựa chọn?

Từ năm học 2022- 2023, Bộ GDĐT triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Đặc biệt, ở chương trình cấp THPT, các em sẽ học 12 môn và được lựa chọn theo năng khiếu, sở thích thay vì 17 môn như trước. 

Cụ thể, học sinh phải học 7 môn và hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục thể chất, Giáo dục quốc phòng an ninh, Hoạt động trải nghiệm - hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương. Các môn học tự chọn gồm: Tiếng dân tộc thiểu số, ngoại ngữ 2. Ba nhóm môn học để lựa chọn 5 môn gồm: khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật); khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); Công nghệ và Nghệ thuật (Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật).

Phản ứng của học sinh lớp 9 và nhà trường trước thông tin môn Lịch sử là môn học lựa chọn  - Ảnh 1.

Mai Anh Thư, học sinh lớp 9A8, Trường THCS Lê Qúy Đôn. Ảnh: NVCC

Trao đổi với PV báo Dân Việt, em Mai Anh Thư, học sinh lớp 9A8, Trường THCS Lê Quý Đôn, quận Hà Đông, Hà Nội bày tỏ: "Năm sau vào lớp 10, em sẽ chọn 5 môn học lựa chọn gồm Lịch sử, Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Sinh học, Tin học. Em quyết định chọn môn Lịch sử vì cá nhân em thấy môn này vô cùng quan trọng với nguồn tri thức đặc trưng không thể thay thế. Không chỉ truyền tải nhiều tri thức, dữ liệu quá khứ mà còn chứa đựng giá trị văn hóa to lớn, bồi đắp tình cảm, lòng biết ơn của thế hệ ngày nay với cha ông đi trước, những lưu giữ của lịch sử nên được truyền tải đầy đủ tới học sinh chúng em theo cách phù hợp nhất.

Theo Anh Thư, môn Lịch sử nên là môn học bắt buộc vì hiện nay có rất nhiều bạn học sinh không thích, học chỉ mang tính hình thức, thụ động nghe, học thuộc, hoàn toàn mất đi sự hứng thú tìm tòi, từ đó cảm thấy môn học dư thừa, nhàm chán. Trong xã hội hiện nay Lịch sử cũng không có tiếng nói nhiều, đa phần các ngành nghề, công ty đều không có yêu cầu nhất định liên quan đến bộ môn, khiến bộ môn trở nên thiếu tính thực tế".

Tương tự, em Dương Thị Hải Hà, lớp 9A1 cũng cho biết sẽ chọn Vật lí, Hóa học, Lịch sử, Nghệ thuật (gồm Am nhạc và Mĩ thuật), Sinh học trong năm học tới. "Đối với em, Lịch sử là môn học bổ ích, cho mình kiến thức lịch sử Việt Nam và thế giới. Môn học này phải là môn học bắt buộc. Bộ GDĐT hiện nay đang coi nhẹ môn Lịch sử. Không thể lấy lý do học cấp 1, 2 chương trình bắt buộc là đủ mà cấp 3 phải học mở rộng thêm.

Đứng trên góc nhìn của một học sinh, nhiều năm học qua em thấy mọi người luôn mang một tư tưởng Lịch sử chỉ là một môn phụ. Trong tiết học trên lớp, phần lớn là học trên sách giáo khoa. Cách dạy truyền thống đôi khi khiến bản thân em cũng cảm thấy nhàm chán, chưa tận dụng công nghệ thông tin để tìm hiểu sâu về bộ môn này. Một phần nữa do học sinh chúng em không ý thức được tầm quan trọng của môn học, chưa nắm được cách học đúng đắn, chỉ biết học thuộc mà không nắm được cái cốt lõi".

Em Nguyễn Thế Đức Anh, học sinh lớp 9C, Trường THCS Phương Canh, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết, sẽ chọn môn Lịch sử khi vào lớp 10: "Theo em, môn Lịch sử là một môn rất thú vị, giúp chúng ta hiểu rõ hơn về chiều dài lịch sử quê hương, đất nước. Nơi chúng ta "chôn nhau, cắt rốn", trải qua những thăng trầm, biến cố như thế nào. Lịch sử nên là môn bắt buộc vì "Dân ta phải biết sử ta". Chúng ta cần phải hiểu, phải biết về lịch sử đất nước để biết ơn những cố gắng, hi sinh xương máu để giành độc lập, thống nhất đất nước của cha ông".

Phản ứng của học sinh lớp 9 và nhà trường trước thông tin môn Lịch sử là môn học lựa chọn  - Ảnh 2.

Em Ngô Thị Đào, học sinh lớp 9A, Trường THCS Tân Phú, tỉnh Phú Thọ. Ảnh: NVCC

Cùng chung quan điểm, em Ngô Thị Đào, học sinh lớp 9A, Trường THCS Tân Phú, tỉnh Phú Thọ cho hay: "Em sẽ chọn các môn Địa lý, Tin học, Công Nghệ, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Sinh học khi vào lớp 10. Em không chọn Lịch sử vì em khó nhớ các dấu mốc lịch sử. Tuy nhiên, theo em, môn này nên là môn học bắt buộc".

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều học sinh cho biết, Lịch sử nên là môn học lựa chọn. 

Em Nguyễn Duy Việt, học sinh lớp 9C, Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình bày tỏ: "Thực sự đây là một môn học khó thuộc, các mốc thời gian khó ghi nhớ. Em thức cả đêm để học hết nhưng mai ngủ dậy lại không nhớ một số chỗ. Theo em, Lịch sử là môn học lựa chọn và bớt các dữ kiện, thêm câu chuyện để trở nên cuốn hút học sinh hơn".

Tương tự, em Hoàng Thanh Huyền, lớp 9B, Trường THCS Văn Lương, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ cho hay: "Em sẽ chọn học Lịch sử khi vào lớp 10 vì em muốn tìm hiểu về lịch sử của dân tộc và biết thêm nhiều kiến thức về môn học này sẽ rèn luyện thêm trí nhớ hơn. Em thấy đây nên là môn học lựa chọn bởi vì mỗi học sinh sẽ có một suy nghĩ, quan điểm khác nhau".

Theo Huyền, học sinh hiện nay không thích môn Lịch sử vì có nhiều kiến thức cần nhớ và phần lớn các bạn đang có xu hướng lười học những môn có nhiều kiến thức buộc phải nhớ như môn Lịch sử. "Thời đại 4.0 công nghệ phát triển nên những môn xã hội dần bị lãng quên và điều đó cần phải chấn chỉnh", Huyền bày tỏ.

Em Nguyễn Đức Nam Anh, học sinh lớp 9A1, Trường THCS Chu Văn An, quận Tây Hồ, Hà Nội cũng cho hay, Lịch Sử nên là môn học lựa chọn vì sau này rất ít nghề nghiệp có thể áp dụng. Học sinh chỉ cần nắm vững kiến thức lịch sử từ những năm học Tiểu học đến THCS là đã có nền tảng. 

Đồng quan điểm, em Nguyễn Mạnh Hiếu, học sinh lớp 9A5, Trường THCS Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, Hà Nội cho hay: "5 môn em lựa chọn là Địa lí, Vật lí, Hóa học, Sinh học, Tin học. Em không chọn lịch sử vì ở cấp THCS đã được học toàn bộ kiến thức về lịch sử Việt Nam cũng như thế giới. Chương trình Lịch sử ở THPT khá nặng, nhiều sự kiện và số liệu không phù hợp với học sinh không muốn học chuyên sâu. Theo em, Lịch sử là môn lựa chọn để phù hợp với định hướng nghề nghiệp của học sinh.

Hiện nay môn Lịch sử ít bạn thích học vì nhiều kiến thức và khó ghi nhớ. Một số phụ huynh coi thường các môn phụ, bắt con em chú tâm đến 3 môn chính nên gây ảnh hưởng đến suy nghĩ của học sinh. Ngoài ra, có ít ngành liên quan đến môn Lịch sử nên khi tốt nghiệp học sinh khó kiếm được việc làm".

Học sinh không chọn Lịch sử có sợ mất môn?

Hiện môn học này vẫn đang gây tranh cãi có lên là môn học lựa chọn hay bắt buộc, có sợ mất môn nếu như không có học sinh chọn? Tuy nhiên, theo khảo sát, vẫn có nhiều học sinh lựa chọn theo học môn Lịch sử khi vào bậc THPT.

Chia sẻ với PV, thầy Nguyễn Quang Tùng, Hiệu trưởng trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội chia sẻ, mới đây nhà trường đã có buổi hướng dẫn cho 429 học sinh khối lớp 9 về cách thức lựa chọn 5 môn lựa chọn khi lên lớp 10. Kết quả như sau: 

Môn Lịch sử: 204 học sinh chọn (tương đương 48% số học sinh lựa chọn)
Môn Địa lí: 160 học sinh chọn (khoảng 37%)
Môn Giáo dục Kinh tế và Pháp luật: 339 học sinh chọn (khoảng 79%)
Môn Vật lý: 260 học sinh chọn (khoảng 60%)
Môn Hóa học: 191 học sinh chọn (khoảng 45%)

Môn Sinh học: 146 học sinh chọn (khoảng 34%)

Môn Công nghệ: 180 học sinh chọn (khoảng 42%)

Môn Tin học: 326 học sinh chọn (khoảng 76%)

Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật): 248 học sinh chọn (khoảng 58%).

Như vậy, có khoảng 48% số học sinh trong trường sẽ lựa chọn môn Lịch sử để học khi môn này trở thành môn lựa chọn.

Phản ứng của học sinh lớp 9 và nhà trường trước thông tin môn Lịch sử là môn học lựa chọn  - Ảnh 3.

Khảo sát lựa chọn môn Lịch sử của Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp. Ảnh: NVCC

"Mặc dù đây là một khảo sát nhỏ trong một trường học nhưng cũng là những con số đáng lưu ý. Cá nhân tôi cho rằng, môn Lịch sử để vào tổ hợp để cho học sinh lựa chọn là hợp lý và môn Lịch sử là môn dễ tự học nhất nếu có văn hóa đọc tốt", thầy Tùng nêu quan điểm.

Chia sẻ về thuận lợi hay khó khăn của nhà trường khi triển khai môn Lịch sử cũng như những môn học khác khi trở thành môn lựa chọn, thầy Tùng cho hay: "Ban chuyên môn của trường đang thử sắp xếp các tiết học cho năm học sau. Về cơ bản, khi cho học sinh lựa chọn thì số lớp dạy vào các buổi chiều (cho các môn tự chọn) sẽ tăng và kinh phí sẽ tăng. Nhưng trường quyết tâm thực hiện tốt để học sinh được lựa chọn môn mình yêu thích".

Cô Ngô Thị Hồng Liên, Phó hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ, quận Tây Hồ, Hà Nội cũng tạo cuộc khảo sát nhỏ với học sinh lớp 9 trên quy mô nhiều tỉnh thành. Kết quả cho thấy hơn một nửa số khảo sát lựa chọn môn Lịch sử để theo học ở bậc THPT.

Phản ứng của học sinh lớp 9 và nhà trường trước thông tin môn Lịch sử là môn học lựa chọn  - Ảnh 3.

Khảo sát chọn học các môn Khoa học Xã hội của cô Hồng Liên. Ảnh: NVCC

Phản ứng của học sinh lớp 9 và nhà trường trước thông tin môn Lịch sử là môn học lựa chọn  - Ảnh 4.

Khảo sát chọn học các môn Khoa học Tự nhiên của cô Hồng Liên. Ảnh: NVCC

Ông Đàm Quang Minh, tiến sĩ về Khoa học Trái đất của Đại học Tổng hợp Greifswald, Đức, hiện là Tổng giám đốc Khối phổ thông Tập đoàn giáo dục EQuest cho biết: "Cá nhân tôi cho rằng bậc học THPT của Việt Nam bắt buộc quá nhiều từ trước đến nay và chương trình THPT mới đang đem lại sự cởi trói cho nhà trường và học sinh. Nếu như sự phân luồng học sinh ở các quốc gia diễn ra khá sớm thì Việt Nam diễn ra quá muộn. 70% học sinh Việt Nam hiện vẫn học chương trình giống hệt nhau cho đến tuổi 18. Trong khi đó các khái niệm tự chọn được hầu hết các quốc gia đưa vào từ đầu cấp trung học tức là từ tầm 13 tuổi, sớm hơn Việt Nam đến 5 năm.

Chương trình phân luồng mới cho phép học sinh có lựa chọn từ lớp 10 theo nhiều hướng: học nghề, học chuyên sâu theo sở trường. Đây là một quyết định tiến bộ cần được ủng hộ.

Cần nhìn nhận thực tế là kể cả khi triệt để áp dụng Chương trình phổ thông 2018 mới thì học sinh Việt Nam được học phân hóa khá muộn so với tất cả các quốc gia khác. Điều này không tích cực lắm nếu coi mỗi học sinh là một cá nhân đều xứng đáng trong xã hội. Chương trình cào bằng sẽ dẫn tới việc đánh giá học sinh phiến diện giỏi và kém. Trong khi đó các học sinh cần tự hào về những mặt mạnh của mình và tập trung cho nó. Một nghệ sĩ không giỏi tính toán vẫn có thể đóng góp xã hội cũng như một nhà khoa học có thể không giỏi lắm trong một lĩnh vực nào đó.

Đừng kìm hãm cả một thế hệ vì những giả định mang đầy định tính như kiểu "không chấp nhận học sinh tự chọn môn Lịch sử". Cần tuân theo quy luật vận động tiên tiến của xã hội và quan trọng hơn hết học sinh cần được tôn trọng và có tiếng nói (the voice) và có quyền lựa chọn (the choice). Các nhà trường, các phụ huynh và hệ thống giáo dục cần cải tiến để tôn trọng điều này ở thế hệ tương lai".

Trước dư luận trái chiều xung quanh việc Lịch sử là môn lựa chọn ở cấp trung học phổ thông trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Bộ GDĐT đã có thông tin chính thức về vấn đề này.

Theo Bộ GDĐT, sự sắp xếp các môn giáo dục lịch sử trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (được phân chia giai đoạn giáo dục cơ bản 9 năm và giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm) là phù hợp với xu hướng giáo dục quốc tế, có căn cứ khoa học và phù hợp với các mục tiêu lớn của giáo dục quốc gia.

Năm 2022 là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở cấp trung học phổ thông, trong tình hình còn nhiều khó khăn về các điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực và các điều kiện khác, Bộ GDĐT cho biết sẽ chỉ đạo các địa phương, cơ sở giáo dục để có những biện pháp định hướng hỗ trợ học sinh chọn các tổ hợp môn học hợp lý, phù hợp với các điều kiện thực tiễn, phát huy hết được nhóm nhân lực nhà giáo dạy học môn Lịch sử.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem